Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 15/4/2010 15:27'(GMT+7)

Phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

 
- Ông có thể cho biết những nguyên nhân có thể gây ngộ thực phẩm?
 
Thông thường ngộ độc thực phẩm xảy ra khi chúng ta ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (như vi trùng roi, phẩy khuẩn tả…). Đây cũng là nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các ca ngộ độc thực phẩm, có đến 2/3 số vụ ngộ độc thực phẩm là do nhóm nguyên nhân này.
 
Bên cạnh đó, còn một nhóm nguyên nhân nữa có thể gây ngộ độc thực phẩm đó là do ăn phải những thực phẩm bị nhiễm độc tố (như độc tố từ cóc, cá nóc), hoặc có thể là thực phẩm bị nhiễm độc tố trong quá trình chế biến, bảo quản như nhiễm hóa chất, các loại dư lượng thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc phòng dịch bệnh…
 
- Từ ngày 15/4/2010 – 15/5/2010 là Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng nhiều năm gần đây cứ đến tháng phát động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì các ca ngộ độc thực phẩm phải nhập viện lại tăng cao, vậy năm nay ông có lời khuyên gì đối với người dân khi Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là lúc mùa hè đang đến gần?
 
Mùa hè đang đến gần cũng là lúc thời tiết dễ làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh và lây nhiễm vào thực phẩm, khi chúng ta ăn phải những loại thức ăn này sẽ dễ dẫn đến ngộ độc. Vì vậy, vào mùa hè, số lượng những ca ngộ độc thực phẩm cũng tăng lên. Vì vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu. Người tiêu dùng, người nội trợ cần luôn có ý thức giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi mua sắm thực phẩm cần tìm đến những hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, khâu chế biến thức ăn cần đảm bảo sạch sẽ.
 
Đặc biệt, nhiều người có thói quen khi thức ăn thừa không hết thì cho ngay vào tủ lạnh để bảo quản và chỉ sau đó khi cần dùng lại mới đem đun nấu lại. Điều này là không nên, thức ăn thừa còn lại cũng cần đun sôi, đun nóng diệt khuẩn, sau đó để nguội mới cất vào tủ lạnh. Và khi cần dùng lại phải đun sôi lại một lần nữa.
 
Tủ lạnh chỉ là nơi kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể diệt khuẩn. Theo thời gian có những vi khuẩn thích ứng với độ lạnh của tủ lạnh, nó chỉ hoạt động chậm lại nhưng vẫn có thể nhân lên và tiết độc tố ra. Nếu thức ăn thừa không được đun nấu diệt khuẩn lại có thể có những vi khuẩn đã kịp xâm nhập, tiết độc tố vào thức ăn, lúc này đem để vào tủ lạnh chỉ làm nhân lên độc tố. Và khi cần dùng lại mới đem đun sôi thì cũng không thể làm hết được những độc tố đó.
 
Đối với rau, củ, quả để tránh và hạn chế các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản tốt nhất lên dùng oxy già để sục rửa. Khi ngâm rửa rau, củ, quả bằng nước muối chỉ có thể diệt được một số loại vi khuẩn chứ không thể tẩy rửa hết các hóa chất bảo quản.
 
- Bên cạnh việc người dân phải nâng cao ý thức khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình, theo ông chúng ta cần có những biện pháp quản lý, chế tài gì mạnh hơn để làm tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm?
 
Nếu chúng ta làm tốt công tác vệ sinh thực phẩm, từ người nông dân sản xuất, đến những người phân phối thực phẩm và cho đến người tiêu dùng áp dụng đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm thì có lẽ chúng ta sẽ giảm được hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm.
 
Tôi cho rằng vì hiện lực lượng thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì rất mỏng, phần lớn lại làm công tác kiêm nghiệm, mà lượng hàng hóa cần để con người tiêu thụ hàng ngày là rất lớn, có thể nói không người dân nào không ăn ít nhất 2 bữa một ngày, vì vậy cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát hết, người dân hãy tự biết bảo vệ chính mình.
 
Bên cạnh đó, theo tôi hiện chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá nhẹ. Được biết, nhiều vụ việc vi phạm khi bị phát hiện cũng chỉ phải nộp phạt một mức tiền nhỏ, mức tiền ít hơn rất nhiều lợi nhuận mà họ thu được từ việc kinh doanh gian lận trong chế biến thực phẩm. Chính điều này không đủ sức răn đe. Trong khi đáng lẽ ra cần phải đóng cửa, tước giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở này. 
 
Mùa hè thuận lợi cho những bệnh tiêu chảy phát triển trong đó có dịch tả. Vi khuẩn tả chỉ lây qua đường ăn uống từ thức ăn, nước uống, tay bẩn. Tất cả những cái đó do chính người dân có thể phòng tránh được, cần biết nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt, tuyệt đối không nên ăn rau sống. 

Thuỳ Hoa - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất