Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 11/12/2010 15:44'(GMT+7)

Phòng, chống tham nhũng trong giao dịch về nhà, đất: Hợp pháp hóa dịch vụ trung gian - Tại sao không?

Hợp pháp hóa hoạt động dịch vụ trung gian làm “sổ đỏ” sẽ tránh được thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Ảnh: Phương An

Hợp pháp hóa hoạt động dịch vụ trung gian làm “sổ đỏ” sẽ tránh được thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Ảnh: Phương An

Cán bộ địa chính tiếp tay cho tham nhũng

Nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ thực hiện trên cơ sở phỏng vấn, phát phiếu điều tra xã hội học tới 540 hộ gia đình, 83 cán bộ địa chính, 73 "cò" dịch vụ tại 3 địa phương có nhiều khiếu kiện về đất đai là Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh cho thấy, trước sự rắc rối, phức tạp của thủ tục và thực trạng mảnh đất của mình, 46% hộ dân được hỏi lựa chọn dịch vụ trung gian để làm ''sổ đỏ''.

Cũng theo khảo sát này, 75,6% cán bộ địa chính nói rằng họ thích công việc đang đảm nhận vì có thông tin nhanh về đất đai. Tiếp cận quy hoạch sớm, họ hoàn thành tốt trách nhiệm giải đáp mọi thắc mắc của dân trong lĩnh vực này. Nhưng thông tin có lúc lại là tiền và 7,9-24,4% số "công bộc" cho biết mình có thể "chân ngoài" kiếm thêm qua môi giới, cung cấp thông tin mảnh đất, giải thích quy trình thủ tục, giới thiệu đến người có trách nhiệm… tới dịch vụ trọn gói, giúp kết quả nhanh, hay tư vấn thuế. Mặc dù không cá nhân nào hé lộ thu nhập chính xác từ nguồn làm thêm trên, nhưng tìm hiểu ở các gia đình trực tiếp thuê làm thủ tục cấp mới ''sổ đỏ'' từ cán bộ địa chính hoặc bộ phận ''một cửa'' cho thấy, số tiền người dân phải bỏ ra là không nhỏ. Chi phí trọn gói cho dịch vụ này trung bình là 9 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), thực trạng trên xuất phát từ việc người dân còn ít hiểu biết pháp luật và hay chọn phương án nhanh, tiện, lợi, cho dù đó là tiếp tay cho tham nhũng. Những giải pháp giảm thiểu tiêu cực trong lĩnh vực đất đai được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra đều hướng đến sự minh bạch trong thủ tục hành chính, gồm tăng cường giám sát của cả cộng đồng trong việc cấp ''sổ đỏ'', thu hồi đất và giao đất. Tiếp đến là thực hiện nghiêm việc kiểm tra, thanh tra đối với bộ máy hành chính trong quản lý đất đai. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và người dân đối với bộ máy này. Đặc biệt, các vi phạm tham nhũng về đất đai phải bị xử lý nghiêm.

Một cách nhìn mới

Tuy nhiên, theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng nói chung và tham nhũng trong đất đai nói riêng ở Việt Nam chưa có dấu hiệu thuyên giảm là do lương vẫn quá thấp. Chính điều này đã khiến cho nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng của Chính phủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi thu nhập "hẻo" sẽ trở thành động cơ thúc giục cán bộ, công chức tham gia vào các hoạt động mờ ám, tiêu cực về tài chính, đất đai.

Mặc dù đây chỉ là một trong những nguyên nhân nhưng không thể bỏ qua, nếu chúng ta kiên quyết chống tham nhũng trong lĩnh vực này.

Hiện tham nhũng trong lĩnh vực này đang biến hóa khôn lường. Trước đây, thường xuất hiện dưới dạng "thô" thì nay kín đáo, tinh vi hơn, như gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về nhà đất hay liên kết nhiều phía trong tính toán giá đất rồi cùng chia lợi nhuận.

Ở cấp xã, phường, theo quy định, sau khi người dân nộp đủ hồ sơ hợp lệ 65 ngày thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - ''sổ đỏ''. Thế nhưng, thời hạn cấp thực tế luôn kéo dài hơn, thường nhiều nơi dài hơn vài tháng, thậm chí tới cả năm. Vậy mà chưa thấy có trường hợp cán bộ nào bị xử lý. Chính vì vậy, người dân ngại tiếp xúc với cơ quan công quyền và thường trực tâm lý cần đưa quà biếu hoặc phải thông qua "cò" giấy tờ để đẩy tiến độ.

Nên chăng, với thực trạng thủ tục đất đai còn nhiều phức tạp, mâu thuẫn như hiện nay, hãy công nhận hoạt động của tổ chức dịch vụ làm ''sổ đỏ'', mới thu được tiền về cho ngân sách, hạn chế dần khả năng "chân trong, chân ngoài" của cán bộ công quyền. Theo đó, Nhà nước chỉ giữ chức năng quản lý giấy tờ, giám sát thực hiện bằng công cụ pháp luật. Bởi xét cho cùng dịch vụ trung gian trong cấp sổ đỏ và làm thủ tục sang nhượng đất có mặt tích cực như tiết kiệm thời gian, công sức người dân, đỡ mất công tìm hiểu rừng thủ tục, không phải trực tiếp gặp cán bộ, chuẩn hóa hồ sơ giảm tải thẩm định cho chính quyền… Đây là ý tưởng của một số thành viên nhóm khảo sát thực trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai của Thanh tra Chính phủ.

Đề xuất này không phải không có lý. Cách đây gần 3 năm, các văn phòng công chứng tư đầu tiên của Hà Nội đã khai trương và hoạt động gần như trùng với tháng ngâu - tháng nhiều người kiêng kị mua bán, làm ăn lớn. Dẫu vậy, "bầu trời" làm ăn khởi đầu của các văn phòng này vẫn khá sáng sủa. Công chứng tư "cạnh tranh" với công chứng nhà nước bằng thái độ đón tiếp niềm nở, thời gian thẩm định, hẹn trả hồ sơ nhanh, "ăn đứt" tốc độ của công chứng nhà nước. Do đó, mặc dù phải trả tiền dịch vụ cao nhưng được đông đảo người dân nhiệt tình ủng hộ.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, dư luận xã hội và ý kiến của một số cử tri cho rằng hiện nay người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc liên quan tới người có thẩm quyền, vì lợi ích của mình họ sẵn sàng đưa hối lộ để được việc. Cán bộ, công chức nhà nước cũng coi việc nhận tiền của người dân, doanh nghiệp đưa để giải quyết công việc là chuyện bình thường, đương nhiên. Nhận rồi hóa quen và phát sinh tham nhũng.

* Thống kê của Thanh tra Chính phủ trong quý III-2010 qua 13 kết luận đã phát hiện tổng sai phạm là 2.556,38 tỷ đồng, 6,694 triệu USD, 3 ngôi nhà, 406ha đất, 3.024ha đất rừng, đã kiến nghị thu hồi 115.116,6 triệu đồng, 2.846.000 USD. Thanh tra của bộ, ngành, địa phương đã phát hiện sai phạm 283.402 triệu đồng, 38,55ha đất, kiến nghị thu hồi 204.605 triệu đồng, 13ha đất. Thanh tra chuyên ngành phát hiện sai phạm 41.609 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 235 triệu đồng.

(Theo: HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất