Thứ Tư, 25/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 29/11/2016 20:0'(GMT+7)

Phóng sự ảnh – đẽo tạc bức tranh cuộc sống hôm nay qua lăng kính người nghệ sỹ

Bức ảnh người mẹ và hai người con tật nguyền của tác giả Phan Văn Báu (Ảnh: Tuổi trẻ Online)

Bức ảnh người mẹ và hai người con tật nguyền của tác giả Phan Văn Báu (Ảnh: Tuổi trẻ Online)

Việt Nam - Đất nước, Con người qua những bức ảnh sinh động

Sau một năm phát động và triển khai sáng tác trên phạm vi cả nước dành cho các nghệ sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà báo - phóng viên ảnh, Ban Tổ chức đã nhận được 875 phóng sự ảnh với gần 9.000 ảnh của 299 tác giả. Con số ấn tượng này cho thấy tính hấp dẫn của cuộc thi cũng như thể loại ảnh báo chí được nhiều tác giả yêu thích, tham gia. Bộ sưu tập Phóng sự ảnh (PSA) lớn này đã phản ánh phong phú, đa dạng nhiều khía cạnh của đời sống xã hội nước ta, trên khắp mọi miền Tổ quốc, len lỏi tới từng thân phận nhỏ bé của con người. Các PSA đã thể hiện trách nhiệm của tác giả đối với quê hương, đất nước, đề cao tính nhân văn trong quan hệ con người với con người. Nhiều bài thi xúc động, để lại trong lòng người xem nỗi đau sâu sắc, sự sẻ chia ngọt ngào của tính nhân văn lớn lao.

Hội đồng Giám khảo thực hiện thẩm định qua nhiều vòng chấm, chọn lựa 55 phóng sự ảnh tốt, hay phản ánh sâu sắc những vấn đề, sự kiện "nóng" của đất nước, được thể hiện đúng bản chất, cách thức của một phóng sự ảnh để trưng bày triển lãm, và trao giải thưởng cho  11 tác phẩm xuất sắc gồm 1 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ và 5 giải Khuyến khích.

  Nhiếp ảnh gia Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Theo Nhiếp ảnh gia Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp Ảnh Việt Nam cho biết: Phóng sự ảnh là một thể loại ảnh báo chí đặc sắc, không dễ thể hiện, cần nắm chắc nhiều yêu cầu nghiệp vụ và những bước đi có tính chuyên nghiệp, đổi lại sản phẩm của PSA lại rất hấp dẫn, có tính thuyết phục cao. Bạn đọc xem PSA mà như được sống trong sự kiện, được chứng kiến nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động đó, từ khi bắt đầu cho tới kết thúc câu chuyện qua những lát cắt thông tin bằng hình ảnh mà tác giả giới thiệu. Điều đó thực sự thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của người xem. Thể loại PSA đã tồn tại và được ứng dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng của báo chí thế giới từ nhiều năm nay, nhưng ở Việt Nam chưa phải thật phổ biến. Hy vọng với sự cải thiện về chất lượng thể loại ảnh báo chí này của nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh, PSA sẽ được các cơ quan báo chí, truyền thông sử dụng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin và cả nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bạn đọc và xã hội.

Vừa qua, Hội NSNAVN đã phối hợp cùng với báo Tuổi Trẻ tổ chức Lễ Trao giải và Triển lãm PSA, chủ đề "Việt Nam - Đất nước, con người" năm 2016, tại thủ đô Hà Nội. Đây thực sự là một cuộc thi lớn, một sân chơi lớn cho các tác giả Nhiếp ảnh trên mọi miền cả nước. Các bức ảnh thể hiện rõ quan điểm, ý tưởng của tác giả, mỗi bức ảnh là bức tranh sống động, chân thực về cuộc sống, con người Việt Nam hôm nay trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Một tấm ảnh hơn ngàn vạn lời nói.

Một phóng sự ảnh hơn cả ngàn vạn trang viết. PSA luôn là đặc sản mà bất kỳ tờ báo nào cũng muốn có để mời bạn đọc thưởng thức.

Từ lâu đông đảo bạn đọc trong cả nước đã quen với chuyên mục Phóng sự ảnh trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ và một số tờ báo lớn khác. Nhiều câu chuyện sinh động được kể bằng ảnh đã gây xúc động mạnh, để lại ấn tượng nhớ mãi trong lòng của bạn đọc. Cụ thể, trên chuyên mục PSA của Tuổi Trẻ luôn dành “đất” rất lớn cho ảnh. Điều đó chứng tỏ ảnh có vai trò quan trọng giữa tòa soạn và bạn đọc của báo Tuổi Trẻ. Trong nhiều năm liên tiếp, đã có nhiều PSA của báo đoạt giải cao ở các cuộc thi Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí Thành Phố và nhiều giải khác do Trung ương tổ chức.

Để có được những kết quả như trên là nhờ báo Tuổi Trẻ đã xây dựng được một đội ngũ các nhà Nhiếp ảnh có uy tín, bản lĩnh nghề nghiệp cũng như con mắt nghệ thuật tinh tường chọn ra những vấn đề nóng hổi của cuộc sống gửi tới độc giả.
 
 Phóng sự ảnh  “Dì Sen Bán Vé số và đứa cháu tật nguyền” của tác giả Nguyễn Đông

Các ấn phẩm Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online trong thời gian qua đều đăng tải nhiều PSA có giá trị về chủ đề Việt Nam – Đất nước, Con người qua đó thể hiện được tính lan tỏa trong các tác phẩm đối với công chúng. Với những góc nhìn đa dạng củacuộc sống, từ những câu chuyện làng nghề, lễ hội đến câu chuyện của những anh lính trẻ luyện tập trong quân ngũ, hay câu chuyện về bảo tồn thiên nhiên môi trường, các vấn đề biến đổi khí hậu, thân phận con người…đều sinh động trong từng PSA.

Qua những PSA các nhà nhiếp ảnh đã kể lại chân thực, gây xúc động mạnh với bạn đọc, góp phần làm nhịp cầu nối đưa thông tin đến xã hội để mọi người chia sẻ, chung tay giúp đỡ những mảnh đời, những thân phận nghèo khó đang nỗ lực vươn lên, như câu chuyện trong PSA “Dì Sen Bán Vé số và đứa cháu tật nguyền” của tác giả Nguyễn Đông (Chi hội NSNA VN tỉnh Khánh Hòa) sau khi đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 17/1/2016 đã có nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ giúp cho nhân vật trong PSA tổng số gần 15 triệu đồng cùng một chiếc xe lăn cho người cháu tật nguyền.

Hay trong PSA “Một đời làm lũi nuôi con” của tác giả Phan Văn Báu, Hội viên Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Bình (Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 24/7/2016), đã khơi gợi những tấm lòng nhân ái của nhiều tầng lớp trong xã hội giúp cho nhân vật trong PSA là bà Trần Thị Đặng và hai người con trai bị tật nguyền (Vợ chồng bà Đặng đã từng một thời tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, bị nhiễm chất độc Da cam) với tổng số tiền giúp đỡ hơn 20 triệu đồng. Có bạn đọc giấu tên đã đề nghị hàng tháng gửi tiền 1 triệu đồng cho bà, hay có trường hợp cả một gia đình ở Đồng Nai sau khi xem PSA đã vượt hàng trăm cây số tìm đến nhà bà Đặng để biếu tiền tận tay kèm những lời động viên bà gắng sức sống nuôi con…
 
 Phóng sự ảnh “Một đời làm lũi nuôi con” của tác giả Phan Văn Báu gây xúc động độc giả của báo Tuổi trẻ Online 

PSA “Bàn chân kỳ diệu” của tác giả Trà Thiết ở Quảng Trị lại cho người xem thấy được tấm gương hiếu học với nghị lực phi thường vươn lên của chú bé Hà Văn Tài - một Nguyễn Ngọc Ký của thời nay…Đặc biệt trong số những PSA gửi đến dự thi và được chọn đăng trên Tuổi Trẻ online, người xem đã rất ấn tượng không thể quên về câu chuyện “Người mẹ bán xôi và đứa con nuôi ung thư” của tác giả trẻ Cao Ngọc Dương quê gốc ở Quảng Bình. Qua 12 bức ảnh đen trắng trong PSA tác giả kể một câu chuyện cảm động về tình cảm của một người mẹ nuôi, rời quê ở Cần Thơ đưa đứa con nuôi lên TP HCM, vừa đi bán xôi kiếm tiền vừa chăm con chữa bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện Ung bướu TP HCM…. PSA còn cho thấy sự kiên trì đeo bám nhân vật, sống cùng nhân vật của tác giả. Nhiều tình huống, sự kiện đang diễn ra xoay quanh hai mẹ con thật cảm động  khiến người xem cảm nhận thắt nhói trong tim, quặn lòng xót xa qua mỗi khuôn hình trong phóng sự... Mọi diễn biến câu chuyện được kể lại thật tự nhiên không có cảm giác gượng ép của ống kính nhà nhiếp ảnh chen vào cuộc sống của nhân vật trong ảnh... Đây cũng là PSA được nhiều bạn đọc chia sẻ nhất trên Tuổi Trẻ online.

Mong rằng, từ cuộc thi lần này, sẽ có nhiều tác phẩm Phóng sự ảnh chất lượng cao hơn nữa, nhiều câu chuyện cảm động, những tấm gương sáng trong đời sống xã hội sẽ tiếp tục được giới thiệu trên những trang báo của Tuổi Trẻ …

Mỗi PSA là một câu chuyện đằng sau đó, mỗi mảnh đời bươn chải giữa cuộc sống mưu sinh, những kiếp người với gánh nặng “cơm, áo, gạo tiền” trên vai, tác giả mong muốn độc giả cùng lắng lại để chiêm nghiệm, đồng cảm những câu chuyện, những thông điệp từ những PSA của triển lãm lần này./.

Nhật Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất