Thứ Ba, 1/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 27/7/2011 15:36'(GMT+7)

Phong trào Ðền ơn đáp nghĩa ở Thanh Hóa

Tổng công ty Tiên Sơn, Thanh Hóa tạo việc làm cho gần 3.600 lao động, trong đó phần lớn là con em các cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ.

Tổng công ty Tiên Sơn, Thanh Hóa tạo việc làm cho gần 3.600 lao động, trong đó phần lớn là con em các cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ.

Những năm qua, công tác "Ðền ơn đáp nghĩa" ở Thanh Hóa được triển khai sâu rộng nhờ huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Ðến nay, đời sống gia đình chính sách và người có công phần lớn ổn định, đa số có mức sống bằng hoặc cao hơn dân cư trên địa bàn.

Xã hội hóa công tác đền ơn, đáp nghĩa

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa Dương Văn Huệ cho biết: Hiện nay, đối tượng hưởng chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ở Thanh Hóa rất lớn với gần 60 nghìn liệt sĩ; hơn 1.200 cán bộ lão thành cách mạng; 1.525 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện còn gần 100 mẹ đang sống; hơn 5.000 cán bộ tiền khởi nghĩa; hơn 60 nghìn thương binh, bệnh binh, hơn 12 nghìn người bị nhiễm chất độc da cam và hơn 60 nghìn thanh niên xung phong và dân phòng hỏa tuyến... Cùng với việc thực hiện các chế độ trợ cấp thường xuyên đối với người có công theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, công tác "Ðền ơn đáp nghĩa", thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thường xuyên quan tâm, triển khai trên năm mảng chính: Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa và sửa chữa nhà cho đối tượng chính sách; chăm sóc sức khỏe ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" và phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa.

Trong 15 năm qua (1996 - 2010), toàn tỉnh đã vận động đóng góp gần 50 tỷ đồng quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa", góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 2.385 nhà tình nghĩa với số tiền gần sáu tỷ đồng, sửa chữa hơn năm nghìn nhà ở cho đối tượng chính sách với số tiền hơn 12 tỷ đồng và tặng hơn 21 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền hơn ba tỷ đồng... Cùng với các phong trào khác, thời gian qua, đã có hàng nghìn thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có hoàn cảnh khó khăn  được các tổ chức đoàn thể ở các địa phương trong tỉnh phân công hội viên giúp đỡ, chăm sóc khi ốm đau. Con liệt sĩ, con thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn được các nhà trường, thầy cô giáo quan tâm chăm sóc, giúp đỡ. Các gia đình chính sách thuộc diện nghèo được ưu tiên vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ về giống vật nuôi, cây trồng...

Theo đồng chí Dương Văn Huệ, đạt được kết quả như trên là do những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh xã hội hóa phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng, được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm, người dân quan tâm thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên thực hiện tốt công tác này. Ðiển hình, Ngân hàng Bỉm Sơn mỗi năm dành từ 150 đến 200 triệu đồng cho công tác từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa. Riêng sáu tháng đầu năm 2011, Ngân hàng dành 100 triệu đồng xây nhà tình nghĩa tặng hai  gia đình chính sách khó khăn tại thị xã Bỉm Sơn. Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Bỉm Sơn, ngoài việc đóng góp hàng trăm triệu đồng vào Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, mỗi năm còn đóng góp hàng vạn viên gạch, hàng chục tấn xi-măng để xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Thị xã và giúp gia đình chính sách sửa chữa nhà ở. Xã Hoằng Trung (huyện Hoằng Hóa) có gần 700 hộ chính sách và người có công đều được chính quyền địa phương quan tâm, ưu tiên cấp ruộng tốt, ruộng gần. Ngoài ra, tám hộ gia đình chính sách được UBND xã cấp đất, dựng xưởng làm nghề thủ công nghiệp với tổng diện tích 1.800 m2. 110 hộ khác  được hỗ trợ vay vốn  hơn 700 triệu đồng để sản xuất. Xã Quảng Tâm (huyện Quảng Xương), hằng năm bổ sung vào quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" hơn 10 triệu đồng để có điều kiện chăm lo cho hơn 300 đối tượng chính sách. Ðến nay, xã đã hỗ trợ xây dựng  bảy nhà tình nghĩa, với số tiền 100 triệu đồng, 100% số hộ chính sách có nhà ở kiên cố, 60 hộ có điều kiện kinh tế khá, 42 hộ được công nhận gia đình nông dân sản xuất giỏi...

Thương binh giúp nhau lập nghiệp

Bên cạnh việc chăm lo các đối tượng chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, về Thanh Hóa, chúng tôi được gặp mặt những tấm gương thương binh, không chỉ vươn lên, tạo dựng  cơ nghiệp trong khó khăn, mà còn sẵn sàng giúp đỡ các gia đình chính sách và đồng đội năm xưa.

Ông Nguyễn Duy Nở, một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, đã tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Với cương vị giám đốc một công ty, ông Nguyễn Duy Nở cũng là người chủ trương đào tạo nguồn nhân lực từ con em các gia đình chính sách. Hằng năm, nhiều cháu được công ty hỗ trợ kinh phí đào tạo tại các trường nghề. Sau khi hoàn thành khoá học, các em được ưu tiên bố trí những công việc phù hợp tại công ty. Bên cạnh đó, mỗi năm, người cựu chiến binh này trích từ 300 đến 400 triệu đồng làm công tác từ thiện, giúp đỡ các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, người tàn tật, trẻ mồ côi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi... Hưởng ứng phong trào "Xóa nhà tranh tre nứa lá", ông xây một nhà tình nghĩa trị giá 15 triệu đồng tặng một thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; làm nhà nghĩa tình đồng đội cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Quang (thôn Xa Vệ, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa) trị giá 57 triệu đồng; giúp đỡ vốn, trị giá 20 triệu đồng, tạo dựng trang trại cho anh Ðoàn Khắc Năm, là người tàn tật...

Cách đây mười năm, cựu chiến binh, Giám đốc Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa Trịnh Xuân Lâm nhận thấy, phần lớn những đồng đội cũ đang gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện cho con học hành đầy đủ, nhiều người phải đi làm ăn xa. Phải làm gì đó để giúp đồng đội! Suy nghĩ ấy đã thôi thúc ông. Năm 2002, ông hợp tác với một người bạn xây dựng nhà máy sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho gần một nghìn lao động, phần lớn là con em đồng đội cũ, con em các gia đình chính sách. Năm 2006, ông quyết định đầu tư  phát triển lĩnh vực may công nghiệp. Với sáu nhà máy đóng ở các huyện, thị xã của tỉnh Thanh Hóa, ông đã tạo việc làm cho gần 3.600 lao động. Nỗi day dứt và trăn trở năm nào của người cựu chiến binh đã vợi bớt khi phần lớn công nhân lao động trong tổng công ty là con em của các cựu chiến binh, gia đình nghèo và các gia đình chính sách...

Những việc làm thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của nhiều cựu chiến binh, thương binh như ông Lâm, ông Nở và còn rất nhiều tập thể, cá nhân khác, khiến phong trào "Ðền ơn, đáp nghĩa" ở Thanh Hóa được thổi lên như ngọn lửa, sưởi ấm những tấm lòng trong mỗi gia đình chính sách, gia đình có công trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng này./.

(Bài, ảnh: Vũ Lan/Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất