Dù đón học sinh đến trường trong tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp là áp lực không nhỏ nhưng mỗi trường đều chủ động có những phương án tổ chức dạy và học phù hợp với điều kiện của mình.
Ngày 4/1, học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi học trực tiếp tại trường.
Trước đó, từ ngày 13/12/2021, gần 160.000 học sinh khối lớp 9 và 12 ở thành phố đã trở lại trường.
Như vậy, hiện thành phố hơn 680.000 học sinh học trực tiếp tại trường sau gần 7 tháng thực hiện giãn cách vì đại dịch COVID-19.
Thầy trò đều phấn khởi
Tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Linh (Quận 8), hôm nay gần 100% học sinh đã quay trở lại trường. Hơn 1.300 học sinh ở ba khối 10, 11, 12 được nhà trường chia thành 26 lớp học trực tiếp. Trường dành 4 phòng dự trữ và một phòng cách ly trong trường hợp xuất hiện F0, F1; mua thêm máy đo thân nhiệt và tăng cường nhân sự để kiểm soát việc ra, vào của học sinh. Trong tuần đầu trở lại học trực tiếp, học sinh khối 10 và 11 sẽ được củng cố kiến thức đã học trực tuyến, chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ I diễn ra ngày 10-22/10.
Theo cô Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Linh, điều trường lo và có phương án chuẩn bị kỹ nhất là vấn đề nhân sự, sắp xếp thời khóa biểu. Từ đầu đợt dịch đến nay, nhà trường có 10 giáo viên, nhân viên F0 đã khỏi bệnh.
"Nếu trong thời gian học trực tiếp, chẳng may có thầy, cô thành F0, trường sẽ phân giáo viên dạy thay, đảm bảo các tiết học diễn ra bình thường," cô Giao cho biết.
Tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (quận 10), để chuẩn bị cho việc học sinh toàn trường đi học trở lại, từ ngày 31/12/2021, trường đã tập trung học sinh khối lớp 10 và 11 đến trường để được thầy cô phổ biến các thông tin, nội quy phòng, chống dịch cần thiết, lịch học, hướng dẫn ra vào trường… trước khi đi học chính thức.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, chia sẻ: "Được quay trở lại trường, không chỉ các em học sinh mà cả các thầy cô cũng phấn khởi. Tuy tập trung đông học sinh trong lúc dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng trường đã chuẩn bị mọi công tác ứng phó, từ mua sắm trang thiết bị y tế, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, chuẩn bị hai phòng cách ly… Số phụ huynh đồng tình cho con đi học gần như tuyệt đối và ý thức 5K của các em học sinh rất tốt, trường thấy tự hào và an tâm hơn khi tổ chức học trực tiếp trở lại."
Hầu hết học sinh tỏ ra hào hứng khi được trở lại trường sau nhiều tháng phải học trực tuyến tại nhà. Em Phạm Nguyên Trang, học sinh lớp 10, Trường Trung học Phổ thông Ernst Thalmann (quận 1), cho biết: "Em rất vui vì được đến trường trở lại. Dù bố mẹ em còn lo lắng khi dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng em thấy tụi em đã lớn, tiêm đủ hai liều vaccine rồi nên chỉ cần tuân thủ 5K sẽ an toàn. Giờ em chỉ mong được gặp các bạn, được thầy cô ôn lại kiến thức thật nhiều vì thời gian qua học trực tuyến bọn em gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bài vở so với học trực tiếp trên lớp."
Ở góc độ phụ huynh, anh Lê Xuân Thể, phụ huynh có con học lớp 11 Trường Trung học Phổ thông Hiệp Bình (thành phố Thủ Đức), bày tỏ sự phấn khởi và ủng hộ chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Thể cho biết trong thời gian học trực tuyến, do gia đình không có điều kiện mua máy tính, con anh phải học qua điện thoại, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mà việc tiếp thu kiến thức lại không hiệu quả.
"Tôi nghĩ đã đến lúc phải để con thích nghi với tình hình dịch bệnh hiện nay để có thể đến trường mà vẫn an toàn, hiệu quả, để các con dần dần quay lại với nhịp sống và học tập như trước đây. Cả tôi và con đều ủng hộ việc trở lại trường, mong nhà trường sẽ có phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn cho các cháu," anh Thể chia sẻ.
Sẵn sàng các phương án phòng dịch
Đón một số lượng lớn học sinh đến trường trong tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp là áp lực không nhỏ đối với các trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng dịch tốt nhất, mỗi trường đều chủ động có những phương án tổ chức dạy và học phù hợp với điều kiện của mình.
Với gần 2.300 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9, Trường Trung học Cơ sở Hồng Bàng (quận 5) sắp xếp học sinh khối lớp 8, 9 học trực tiếp buổi sáng, còn học sinh lớp 7 học buổi chiều. Ông Trần Văn Luyện, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hồng Bàng cho biết, nhà trường phân chia mỗi lớp thành 2 nhóm, nhóm 1 học thứ 2, 4, 6, nhóm 2 học thứ 3, 5, 7. Thời gian còn lại, học sinh sẽ học trực tuyến.
Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Chí Thanh (Quận 5), do có đến gần 2.000 học sinh từ lớp 10-12 nên trường bố trí bốn cổng ra vào để học sinh đảm bảo giãn cách.
Theo Hiệu trưởng Hoàng Sơn Hải, vì sĩ số học sinh mỗi lớp khá đông, khoảng 40 em, nên các lớp sẽ kê bàn ghế sát ra cả hành lang, sao cho học sinh vẫn theo dõi tiết học tốt. Trường sẽ bố trí mỗi khối học một buổi khác nhau, với 24 tiết/tuần, 8 tiết còn lại học online.
Tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (quận 10), giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện ứng dụng "lớp học xanh." Theo đó, vào 20 giờ mỗi ngày, phụ huynh sẽ cung cấp cho giáo viên chủ nhiệm tình hình sức khỏe của thành viên gia đình. Cuối buổi chiều Chủ nhật trong tuần, phụ huynh cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh.
"Việc này giúp trường nắm bắt được các trường hợp F0, F1, đảm bảo học sinh đến trường đều khỏe mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan", lãnh đạo trường giải thích.
Đối với các trường ngoài công lập, công tác chuẩn bị và tổ chức dạy học nội, ngoại trú cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tại Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Ngô Thời Nhiệm, ngày 4/1 có hơn 2.000 học sinh đi học trở lại; trong đó có 700-800 em ở nội trú. Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch cho các em, trường đã chuẩn bị thêm phòng ngủ để giãn số lượng học sinh mỗi phòng còn 12 em thay vì 24 em/phòng như trước đây. Trường đã chuẩn bị một lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm nhanh, hệ thống bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế… ở trường lẫn khu nội trú.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Ngô Thời Nhiệm, cho hay trong ngày đầu học sinh đi học, trường tổ chức xét nghiệm nhanh cho các em và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường. Sau đó, cứ ba ngày, trường sẽ cho xét nghiệm ngẫu nhiên học sinh để đảm bảo an toàn. Trường sẽ gắn camera và ghi âm tại một lớp để đảm bảo học sinh đi học hay phải ở nhà vẫn theo dõi bài học đầy đủ.
Ngày 31/12/2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh. Theo quyết định này, các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 4/1/2022 cho học sinh các khối lớp từ 7 đến 12. Riêng xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được học trực tiếp.
Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức học trực tiếp khi đảm bảo được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức hoặc các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng, chống dịch trước khi tổ chức học tập trực tiếp.
Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập đảm bảo đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine (đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi COVID-19. Người thuộc diện phải tiêm vaccine nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế./.
Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)