KHI TRẺ BỊ BẠO HÀNH, XÂM HẠI
Theo luật định, trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Đây là giai đoạn mà trẻ cần sự nuôi dưỡng, dạy bảo, chăm sóc của gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành những đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Quãng thời gian đầu đời là giai đoạn đẹp nhất gắn liền với những ký ức, kỷ niệm tuổi thơ; những bài học về đạo lý, về đối nhân, xử thế, tạo nền tảng tri thức, vốn văn hóa và sức đề kháng để cá nhân từng bước trưởng thành, từ đó trân quý những giá trị cao đẹp cũng như biết lên án, phê phán và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội.
Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương trước ngoại cảnh khi năng lực nhận thức và khả năng làm chủ hành vi, suy nghĩ của trẻ còn non nớt, thiếu kiểm soát, trong khi những toan tính, mong ước, kỳ vọng của không ít cha mẹ lại quá lớn, vượt xa khả năng đáp ứng, thực hành của trẻ. Điều này dễ đẩy trẻ em vào những sang chấn tâm lý, những áp lực căng thẳng, bế tắc khi phải gồng mình thực hiện những nhiệm vụ do người lớn đặt ra.
Bên cạnh đó, trẻ em cũng luôn là đối tượng mà những thế lực xấu tìm đến nhằm dụ dỗ, lôi kéo trẻ tham gia vào con đường phạm pháp, bóc lột sức lao động của trẻ, buôn bán, xâm hại tình dục trẻ em… Những vụ việc được phát giác trong thời gian qua gây rúng động dư luận. Đặc biệt là nạn bạo hành, xâm hại thân thể, xúc phạm nhân phẩm, danh dự đối với trẻ em có chiều hướng gia tăng với những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, để lại những hậu quả lớn cho trẻ, đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của những bậc sinh thành, của cộng đồng, xã hội trong việc chăm sóc, đảm bảo quyền của trẻ em.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, “từ 15/6/2020-14/6/2021 so với cùng thời kỳ 15/6/2019 - 14/6/2020 tăng cả về số vụ, số đối tượng, số trẻ em bị xâm hại lần lượt là 26,8%, 12,5%, 25,7%; nhất là nhóm hành vi giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi tăng 20%, hiếp dâm trẻ em tăng 13,2%, bạo lực trong gia đình chiếm 77,1% số vụ bạo lực trẻ em (từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2019, trẻ em bị bạo lực trong gia đình chiếm 65,9%); tỷ lệ can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng chiếm tỷ lệ 26,4% tổng số ca can thiệp hỗ trợ của Tổng đài 111”(1).
Đặc biệt thời gian qua, những vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại về thể chất, tinh thần của trẻ xuất phát từ trong chính không gian gia đình dẫn đến những hậu quả thương tâm khiến trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lí, trầm cảm, phẫn uất, bi kịch, cô đơn, phải tìm đến cái chết để giải thoát vì áp lực học hành. Đó là tình trạng cha mẹ, người thân dùng đòn roi tra tấn, đánh đập trong quá trình dạy dỗ, nuôi dưỡng bé khiến trẻ kiệt sức, rơi vào hôn mê, dẫn đến tử vong… Sự ra đi của những đứa trẻ vô tội, trong sáng, hôn nhiên, ngây thơ làm bàng hoàng dư luận, gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em dẫn đến những hậu quả khôn lường, những tổn thất, mất mát, đau thương cho gia đình và xã hội.
Điều đáng quan ngại là tình trạng bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em chiếm tỷ lệ lớn về số vụ lại diễn ra trong chính không gian của gia đình, nơi có những người thân yêu, gần gũi nhất của trẻ; nơi trẻ tiếp cận và thực hành những tri thức đầu tiên về giao tiếp, ứng xử, về đạo lý làm người. Tiếp đến là tình trạng bạo hành, đánh đập, tra tấn trẻ bằng những những trận đòn roi, trói buộc chân tay, nhúng đầu trẻ vào thùng nước trong một số cơ sở trông giữ trẻ. Thậm chí ở một số trường học, trẻ không chỉ bị thầy cô, bạn bè xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm, danh dự; bị phân biệt, đối xử thiếu công bằng mà nhiều học sinh cả nam và nữ bị quấy rối, xâm hại tình dục trong thời gian dài, để lại những di chứng, những ám ảnh nặng nề trong suy nghĩ, hành động và tương lai của trẻ sau này.
Trong bối cảnh, tình hình hiện nay khi mạng internet đã trở nên phổ biến với số lượng người dùng ở Việt Nam lên đến hơn 70% dân số, trong đó chiếm phần đông là trẻ em, thanh thiếu niên. Sự phát triển của internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới đem lại cho trẻ những cơ hội trong học tập, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, tri thức, thiết lập các mối quan hệ mới. Tuy nhiên mặt trái của internet, mạng xã hội cũng đã và đang tác động xấu đến nhận thức, hành vi, lối sống của không ít trẻ em khi trẻ thiếu kỹ năng kiểm soát, lựa chọn thông tin, hình ảnh trước sự tấn công của những luồng tư tưởng độc hại, những ấn phẩm kém giá trị. Trên không gian mạng, nhiều trẻ bị dụ dỗ, mua chuộc, bị tra tấn tinh thần, tham gia vào các trò chơi mang tính bạo lực, khiêu dâm, cá độ, mê tín dị đoan, sa ngã vào con đường tội lỗi, vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật, để lại những hệ luỵ xấu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Có thể nói tình trạng bạo hành, xâm hại thân thể, tinh thần của trẻ trong những năm qua có những diễn biến phức tạp với những vụ việc nguy hiểm, đau lòng, lấy đi tính mạng, tương lai tươi sáng của trẻ. Hậu quả của những vụ việc bạo hành trẻ để lại những di chứng nặng nề, những ám ảnh khó quên trong kí ức trẻ thơ cũng như cuộc sống sau này của trẻ.
Bạo hành trẻ em là việc làm phi nhân đạo, vô nhân tính, là những hình ảnh xấu xí không thể chấp nhận trong xã hội văn minh, tiến bộ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, yêu thương đặc biệt đến thiếu niên nhi đồng - những mầm xanh, “búp trên cành” sẽ là người chủ tương lai của nước nhà. Vì thế, việc chăm sóc, giáo dục tốt trẻ em là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội thì công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta luôn được quan tâm chú trọng, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, lâu dài nhằm kiến tạo môi trường an toàn, lành mạnh nhất để mọi trẻ em đều được chăm sóc, phát triển toàn diện. Đây là điều kiện quan trọng trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - nhân tố có ý nghĩa quyết định đến tương lai, vận mệnh và sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong hiện tại và tương lai. |
ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN BẠO HÀNH TRẺ EM
Nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trẻ em có nhiều nhưng điểm chung là bắt nguồn từ những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, thiếu tình thương yêu trẻ của người lớn. Vì sự ích kỷ nhỏ nhen, sự bồng bột, tức giận thiếu kiểm soát của người thân cũng như vì tiền, vì lợi nhuận mà nhiều kẻ ác đã lợi dụng sự hồn nhiên, ngây dại của trẻ làm những điều phạm pháp.
Trong phạm vi gia đình, hành vi bạo lực đối với trẻ có một phần nguyên do từ quan niệm “yêu cho roi cho vọt”. Quan niệm này có mặt tích cực là đề cao tính nghiêm minh trong dạy dỗ con cái theo nếp nhà, gia phong, truyền thống, theo những chuẩn mực đạo đức xã hội. Tuy nhiên nhiều gia đình quan niệm dạy trẻ phải dùng đòn roi, phải đánh đập, mắng chửi thì trẻ mới nên người nên đòn roi được tận dụng mọi lúc, mọi nơi khiến nhiều trẻ bị bạo hành về thể xác, để lại những di chứng, thương tích trên cơ thể cùng những ám ảnh về mặt tâm lí. Bên cạnh đó, với tâm lý “khoe con hơn khoe của”, chạy theo thành tích, muốn mở mày mở mặt với bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng; thích khoe khoang con cái, nhiều gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng vào năng lực siêu phàm, vượt trội của con. Họ tìm mọi cách, sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn đề đầu tư cho con cái học hành. Tuy nhiên họ lại quên mất năng lực, sở trường và những khuyết điểm, hạn chế của con em mình khiến nhiều trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lí, bi kịch, sự cô đơn và những khối mâu thuẫn lớn. Vì áp lực học hành, vì thành tích và sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ vượt quá năng lực thực tế của trẻ cộng với những tác động bất lợi của việc học trực tuyến (căng thẳng, thiếu tập trung) khiến nhiều trẻ không kịp thích ứng, không chịu được những áp lực từ gia đình, nhà trường, thầy cô nên trong giây phút bồng bột, không tìm được lối thoát, trẻ đã có những hành động dại dột, liều lĩnh, tự huỷ hoại cuộc sống, tương lai.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi giai tầng, lứa tuổi, nghề nghiệp, đến từng gia đình, trong đó có đối tượng trẻ em. Vì thiếu kiến thức, kỹ năng dạy bảo, chăm sóc con cái trong mùa dịch cũng như hỗ trợ con trong học tập, một số cha mẹ trẻ vì nóng vội, lo lắng thái quá về trình độ, năng lực, khả năng tiếp thu kiến thức của con, nhất là với những trẻ đầu cấp nên đã có những hành vi chửi mắng, đánh đập trẻ nhỏ khiến trẻ hoảng loạn, trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tâm thần và tâm lí tuổi thơ.
Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh, gấp cộng với những áp lực công việc, sinh kế, nhiều bậc cha mẹ phó mặc việc dạy bảo con cái cho người giúp việc hoặc nhờ cậy người thân, láng giềng. Vì quá tin tưởng, vì bận công việc, vì mải mê làm ăn, nhiều cha mẹ lơ đãng, thiếu quan tâm, để ý đến con cái, thậm chí con bị người thân, người giúp việc bạo hành, xâm hại nhưng không hề hay biết. Đặc biệt đối với trẻ sống trong gia đình bố mệ ly thân, li hôn, trẻ không chỉ thiếu vắng tình thương yêu trọn vẹn mà nhiều trẻ bị cha dượng, mẹ kế, người tình của cha hoặc mẹ vì “giận cá chém thớt” đã trút hết những bực bội, sự căm giận, ghen ghét, đố kỵ cá nhân lên đầu con trẻ. Thậm chí có nhiều trường hợp trẻ em gái bị cha dượng, người tình của mẹ hãm hiếp, xâm hại tình dục, để lại những ám ảnh, nỗi đau về thể xác, tâm hồn.
Gia đình là tổ ấm, là không gian của tình yêu thương, sự quan tâm, che chở. Tuy nhiên với nhiều trẻ hiện nay, không gian gia đình lại trở nên ngột ngạt, thiếu liên kết, sẻ chia, thông hiểu bởi sự ngăn cách của những bức tường, những căn phòng khép kín; sự chi phối của các phương tiện di động; của những áp lực tâm lí khiến trẻ rơi vào trạng thái cô đơn ngay trong chính gia đình mình.
Trong một số cơ sở giáo dục. Nhà trường là một thiết chế đặc biệt, nơi gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ, giúp trẻ hình thành nhân cách, phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mĩ. Tuy nhiên, vì bệnh thành tích, chạy theo thi đua, muốn đẹp về điểm số, hạnh kiểm, chỉ tiêu học sinh khá giỏi, tỷ lệ học sinh được lên lớp khiến nhiều thầy cô hiểu sai về triết lý giáo dục, có những hành vi phản sư phạm như chửi mắng, đánh đập học trò. Một số thầy cô áp dụng những hình phạt quá nghiêm khắc, vi phạm Luật Giáo dục và Điều lệ trường trung học khi bắt học sinh quỳ suốt cả buổi, uống nước giẻ lau, thậm chí tra tấn tinh thần người học bằng cách không nói, không giao tiếp với học sinh trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, một số thầy cô do có suy nghĩ lệch lạc, lối sống lệch chuẩn để cho dục vọng cá nhân trỗi dậy nên đã có những hành động xâm hại, quấy rối tính dục trẻ em, trong đó có cả trẻ em nữ và nam đều là nạn nhân. Những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa diễn ra ở nơi tôn nghiêm vốn được cả xã hội tin tưởng, kính trọng để lại những hậu quả lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, hành động của trẻ, gây mất niềm tin xã hội về đạo đức, nhân cách, phẩm giá, hình ảnh của người thầy.
Không chỉ có tình trạng bạo lực giữa thầy cô với học sinh mà hiện nay những vụ việc bạo hành, bạo lực giữa các học sinh đang trở nên nhức nhối với những vụ xô xát, đâm chém giữa các nhóm học sinh diễn ra ngay trước cổng trường vì những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cuộc sống. Do tác động xấu của phim ảnh hành động trên mạng, mặt trái của kinh tế thị trường, lối sống lệch lạc, những suy nghĩ thiếu chín chắn, một số học sinh đã biết sử dụng chất kích thích, ma tuý và vũ khí nóng để tấn công, uy hiếp người khác, gây nhức nhối xã hội, dấy lên những lo lắng, trăn trở về tương lai tuổi trẻ.
Trong cộng đồng, xã hội và trên không gian mạng. Có thể nói trẻ em và phụ nữ luôn là đối tượng mà những kẻ có mưu đồ xấu hướng đến, nhất là phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhiều trẻ em bị bắt cóc, bị buôn bán, bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, ngược đãi khi không đáp ứng được yêu cầu của chủ quán, nhà hàng khi họ đã bỏ ra một khoản tiền để mua bán, sử dụng trẻ em vào mục đích kinh doanh, thương mại. Vì tiền, lợi ích vật chất, nhiều kẻ phi nhân tính đã làm những việc trái với đạo đức, lương tri, phẩm giá của con người, đẩy nhiều trẻ vào con đường nguy hiểm đến tính mạng, tước đoạt những quyền cơ bản mà trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ.
Có thể nói, những vụ việc liên quan đến nạn bạo hành, tra tấn, đánh đập, xâm hại thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trong nhiều không gian, trong đó có môi trường của gia đình, nhà trường, xã hội. Để không xảy ra những vụ việc thương tâm, đau lòng liên quan đến trẻ em, cần sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, nhất là những bậc sinh thành, những thế hệ đi trước; sự chung tay, lên án của cộng đồng và các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trước vấn nạn trẻ em bị bạo hành, vì “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG SỐNG AN LÀNH, AN TOÀN CHO TRẺ EM
Để đảm bảo tốt nhất quyền được sống, được quan tâm, chăm sóc, yêu thương, không bị phân biệt, đối xử đối với mọi trẻ em, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gắn với tinh thần, ý thức trách nhiệm sâu sắc của các cấp, các ngành, của mỗi người, mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội trong việc chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Thứ nhất, thực thi tốt các điều khoản quy định trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (1989) mà Việt Nam là thành viên sớm tham gia ký kết, trong đó cần thống nhất quan điểm nhất quán, xuyên suốt là: Trẻ em có quyền được hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt. Gia đình, với ý nghĩa là tế bào xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mọi thành viên, nhất là trẻ em, cần được sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để đảm đương được đầy đủ trách nhiệm của mình trong cộng đồng. Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông.
Các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan giám sát, hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần thực hiện có hiệu quả những quy định trong Luật Trẻ em(2016) cùng những đề án, chương trình hành động, chiến lược, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cần nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em. Không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý đầy đủ với việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo quyền trẻ em trong bối cảnh tình hình có nhiều phức tạp, biến động.
Nâng cao năng lực dự báo và khả năng ứng phó giải quyết các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm đến tính mạng, quyền lợi của trẻ em. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể người dân trong việc chung tay bảo vệ trẻ em, tránh những tình huống xấu xảy ra.
Phát hiện kịp thời và xử lý, trừng trị nghiêm minh những hành vi vi phạm quyền trẻ em, nhất là nạn bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh để trẻ em được sống, học tập trong điều kiện an toàn, lành mạnh, tràn ngập tình thương yêu.
Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về quyền của trẻ em; vai trò, vị trí của trẻ em – thế hệ mới sẽ kế thừa, gìn giữ, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, sẽ là chủ nhân, tương lai của đất nước. Việc quan tâm, yêu thương, chăm sóc trẻ ngay từ khi chập chững bước vào đời sẽ tạo điểm tựa, nền tảng tinh thần, không gian, môi trường sống với những giá trị nhân văn, nhân bản, góp phần hình thành những đức tính, phẩm chất tốt đẹp để các em sẽ trở thành những công dân tốt, có nhiều đóng góp vào sự lớn mạnh của quốc gia, dân tộc.
Việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, đa dạng với những đổi mới trong nội dung, hình thức theo hướng chân thực, gần gũi, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, cộng đồng dân cư, tộc người, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, vị thế của trẻ em trong đời sống xã hội. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, qua tuyên truyền miệng, qua những tấm panô, những bức tranh, khẩu hiệu tuyên truyền, những bộ phim, phóng sự truyền hình, các chương trình văn hóa, văn nghệ, các môn học trong nhà trường, các buổi tập huấn…, cần lồng ghép những nội dung cơ bản về quyền trẻ em, trong đó có những quyền cơ bản như quyền sống (trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển), quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục; quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt…
Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản về đời sống vật chất, điều kiện, dịch vụ chăm sóc y tế, sức khoẻ, giáo dục, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa). Còn đối với trẻ em ở thành phố, đô thị, sống trong những khu chung cư, các thế hệ đi trước cần dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để động viên, điều chỉnh kịp thời, tránh những “cú sốc” về mặt tâm lí, những áp lực học học hành, sự thiếu vắng của những mối quan hệ tình cảm.
Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường trong việc dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với những điều kiện tốt nhất. Cha mẹ, anh chị em trong gia đình cũng như thầy cô giáo trong nhà trường phải là những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, trí tuệ với những chuẩn mực trong hành vi, lời nói, phong cách sống để làm gương cho trẻ noi theo. Gia đình và nhà trường là hai không gian quan trọng mà ở đó trẻ được thực hành, trao truyền vốn sống, vốn tri thức, kinh nghiệm để hình thành nhân cách, định hướng tương lai. Vì thế mỗi gia đình, nhà trường cần kiến tạo không gian, môi trường sống, lao động, học tập lành mạnh, an toàn với những giá trị nhân văn, nhân bản, tiến bộ.
Thứ tư, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế đầy đủ, đồng bộ, chuyên biệt dành cho trẻ em ở tất cả các vùng miền, đảm bảo sự công bằng về cơ hội, khả năng tiếp cận các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao tri thức của trẻ em. Việc xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa như thư viện, bảo tàng, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, công viên, khu vui chơi thể dục thể thao, nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt, học tập cộng đồng…, tạo những sân chơi bổ ích, thú vị để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức. Khi được sống, học tập, vui chơi trong những không gian lành mạnh sẽ giúp trẻ gia tăng sức đề kháng để nhận diện, đẩy lùi, tránh xa những hành vi, hiện tượng phản văn hóa, phản giá trị, hướng đến những giá trị nhân bản, cao đẹp của chân, thiện, mĩ./.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
----
(1)Chính phủ: Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quat việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em(Báo cáo số 401/BC-CP, ngày 12/10/2021), Hà Nội, tr. 10