Hôm nay 16/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá chương trình bình ổn giá của Chính phủ với một số Bộ, ngành và 36 tỉnh, thành trên cả nước.
Dần trở thành một chương trình thường xuyên
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong nhiều năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ tết, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai khá tốt chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Chương trình đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, số DN và tổng giá trị hàng hóa tham gia triển khai chương trình ngày càng tăng và đa dạng phong phú về các mặt hàng.
Đi đầu trong triển khai chương trình bình ổn giá là TP.HCM. Năm 2002, với quy mô ban đầu chỉ 2 DN triển khai dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán với số lượng vốn vay là 45 tỷ đồng. Đến nay Chương trình bình ổn giá của TP.HCM đã tăng lên 20 DN tham gia và với vốn vay là 446 tỷ đồng.
Chương trình bình ổn đã không ngừng được nhân rộng ra ở các địa phương, đến nay cả nước có 36 tỉnh thành thực hiện chương trình bình ổn giá với số vốn vay khoảng 1.650 tỷ đồng, các điểm bán hàng bình ổn cũng không ngừng tăng lên theo hướng chuyển các địa điểm bán hàng lẻ về khu vực nông thôn, hiện cả nước có khoảng 6.400 điểm bán hàng. Hai địa phương triển khai hiệu quả nhất của chương trình này là Hà Nội và TP.HCM đã nhận được sự đánh giá tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt trong Chương trình bình ổn giá các địa phương đã kết hợp tốt với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tập trung xúc tiến thương mại nội địa, các mặt hàng trong nước… từ đó góp phần vào thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Đối tượng mặt hàng và thời gian thực hiện chương trình cũng không ngừng được mở rộng, từ chỗ chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm dịp Tết, đến nay chương trình đã bình ổn đối với các mặt hàng thiết yếu khác như giấy vở, dược phẩm, sữa,... và thời gian thực hiện chương trình kéo dài gần hết cả năm.
Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các DN tham gia chương trình bình ổn tại các địa phương được giữ tương đối ổn định và đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%, 2 năm liên tiếp, CPI 2 TP lớn đều thấp hơn CPI cả nước, điều này đã tạo định hướng rất tốt cho thị trường toàn quốc và các tỉnh lân cận góp phần hạn chế tăng mức giá chung, nhất là trong dịp lễ tết…
Bên cạnh các kết quả, tác động tích cực, phát biểu từ các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại tham dự chương trình đi sâu phân tích những phương hướng mới, các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cần được điều chỉnh trong triển khai thời gian tới.
Đó là yêu cầu mở rộng hơn nữa diện "phủ sóng" của chương trình, các điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là khu vực nông thôn; công tác phối hợp giữa các bên để tạo nguồn hàng ổn định, giá hợp lý hơn; việc hỗ trợ vốn vay mới tập trung cho một bộ phận DN phân phối, chưa mang tính phổ biến và nhất là tới cả các DN sản xuất; việc tổ chức phê duyệt giá bán chưa tốt ở nhiều nơi gây sự hiểu sai về chương trình hoặc tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, hưởng chênh lệnh giá...
Nêu cao trách nhiệm xã hội của DN
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả, tác động tích cực của các chương trình bình ổn giá thời gian qua. Đặc biệt là các kết quả chỉ tiêu về số địa phương, số doanh nghiệp, điểm bán hàng,... đều tăng lên, trong đó điều đáng mừng là đã tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ giảm giá duy trì được thường xuyên, đáng kể.
"Đây là một trong những biện pháp đóng góp hết sức quan trọng trong bài toán kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ và có tác động tích cực đến mục tiêu an sinh toàn xã hội", Phó Thủ tướng nói.
Tán thành với các phân tích, đề xuất của các địa phương, các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới những vấn đề cần tháo gỡ để chương trình bình ổn giá tiếp tục phát huy tác dụng mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, chương trình cần tập trung đẩy mạnh mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia. Và đặc biệt, nâng cao nhận thức của DN, coi trọng lợi ích cộng đồng trong đó có lợi ích của chính mình, việc bình ổn giá là việc làm thường xuyên và là trách nhiệm xã hội của từng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng mong muốn: "Thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng là vận động mạnh mẽ tinh thần các doanh nghiệp, xây dựng nền văn hóa, nề nếp kinh doanh coi trọng chữ Tín, chung vai chia sẻ với cộng đồng cũng chính là giúp đỡ chính mình, cứu cánh của mình. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thị trường sức mua suy giảm hiện nay."
Mức độ xã hội hóa của chương trình ngày càng mạnh mẽ. Từ chỗ 100% các DN tham gia chương trình bình ổn nhận vốn vay, đến nay đã có khá nhiều DN tham gia chương trình mà không cần ứng vốn hoặc tự tăng thêm khá nhiều giá trị hàng hóa đưa vào bình ổn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện về mặt chủ trương, cơ chế để các địa phương thực hiện chương trình bình ổn, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng hàng hóa, quản lý phân phối hàng hóa, thường xuyên cập nhất, thể chế hóa các chương trình thành các quy định chặt chẽ.
Trên tinh thần đó, các địa phương hết sức ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng bình ổn, kiên định, bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong điều hành quản lý thị trường, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và có chính sách đi kèm nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia chương trình bình ổn.
Đối với một số đề xuất của địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp thu, có hướng giải quyết như vấn đề lập quỹ bình ổn giá ở địa phương, biện pháp kiểm soát các mặt hàng "nhạy cảm" như gạo, muối, đường, VLXD../.
(Cổng TTĐTCP)