Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 15/6/2012 15:49'(GMT+7)

Khủng hoảng nợ công tấn công hệ thống ngân hàng Eurozone

Một cuộc họp của Quốc hội Hy Lạp.

Một cuộc họp của Quốc hội Hy Lạp.

Người dân Hy Lạp đứng trước quyết định “sống còn”

Ảnh hưởng của cuộc bầu cử Quốc hội ở Hy Lạp cũng đang khiến châu Âu đối mặt với những thách thức để chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng.

Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, lãnh đạo Đảng cánh tả Syriza của Hy Lạp là ông Alexis Tsipras sẽ chấm dứt thỏa thuận cứu trợ của nước này với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tới.

Trường hợp đúng như lời ông Alexis Tsipras nói thì có nghĩa là Hy Lạp buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Bởi lẽ, Đảng cánh tả là phe phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu công - điều kiện mà EU và IMF buộc Athens phải thực hiện mới được giải ngân khoản vốn cứu trợ.

Trong những ngày này, cảnh thường thấy ở Hy Lạp là đông đảo người dân  đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền và tích trữ lương thực để đề phòng sự gián đoạn nguồn cung nếu như kết quả bầu cử Quốc hội tới buộc nước này rời khỏi Eurozone. Nguồn tin từ các ngân hàng Hy Lạp cho biết, đang có khoảng 800 triệu euro (tương đương 1 tỷ USD) bị rút khỏi các ngân hàng mỗi ngày.

Ngân hàng Trung ương Hy Lạp dự đoán một viễn cảnh cho ngày “tận thế” rằng, nếu nước này rời khỏi Eurozone thì nền kinh tế sẽ giảm tới 22%, tỷ lệ thất nghiệp là 34%, giảm 55% mức thu nhập bình quân/người, tỷ lệ lạm phát là khoảng 30%.

Trong hai năm qua, đời sống của người dân Hy Lạp đã thay đổi đáng kể do tác động của việc cắt giảm tiền lương, lương hưu, tăng thuế và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Đối với họ bây giờ, Hy Lạp ở lại hay rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu, lựa chọn bầu cho Đảng nào không còn là vấn đề quan trọng. Điều mà họ quan tâm nhất hiện nay là sẽ phải đối mặt với sự bất ổn của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn, thời gian dài hơn.

Nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với những thách thức mới

Ông Andre Sapir, chuyên gia tư vấn kinh tế của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết, điều đáng lo ngại là chi phí giải cứu trực tiếp cho Hy Lạp đã lên tới 400 tỷ euro, trong khi đó chi phí gián tiếp còn cao hơn nữa.

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ để hoá giải nợ công.

Khả năng chiến thắng của phe phản đối gói cứu trợ ở Hy Lạp có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề của Tây Ban Nha. Không ít người lo ngại rằng Tây Ban Nha sẽ là nước tiếp theo, vì nguy cơ Hy Lạp bị “khai trừ” khỏi Eurozone đã dẫn đến tình trạng ồ ạt rút tiền gửi khỏi các ngân hàng Tây Ban Nha trong những tháng gần đây. Điều đó đã làm suy yếu ngành ngân hàng đến nỗi Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã buộc phải kêu gọi gói cứu trợ 100 tỷ euro (tương đương 125 tỷ USD) từ EU và IMF sau nhiều tuần cực lực bác bỏ.

Theo ông Andre Sapir, những chi phí tài chính cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Ireland và các nước khác trong khu vực có thể sẽ còn tăng hơn nữa. Có thể 1 hoặc 2 trong nhóm 4 nước trên sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế sau Hy Lạp.

Hiện nay, ngân hàng châu Âu đang cho Chính phủ 4 nước nói trên vay tới 1.200 tỷ USD. Một khi tình hình xấu đi, cuộc khủng hoảng nợ công sẽ lan rộng trong hệ thống ngân hàng đồng tiền chung châu Âu.

Trong một cảnh báo gần đây, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu một cách có trật tự thì nền kinh tế của khu vực có thể giảm tới 2%. GDP của toàn khu vực sẽ giảm 1% hoặc thậm chí còn thấp hơn. Tuy nhiên, nếu khu vực đồng tiền chung châu Âu sụp đổ, sự sụt giảm của nền kinh tế có thể nhân lên gấp đôi.

Josept Lupton, chuyên gia kinh tế từ công ty tài chính JP Morgan cho rằng, Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế thế giới thông qua thương mại, tài chính, lòng tin của nhà đầu tư và có thể giảm 0,5% tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Những “nạn nhân” đầu tiên bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng nợ là những nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với khu vực châu Âu như: Hungary, Cộng hòa Czech. Trong khi đó, Nga và các nước Trung Đông dựa vào sản xuất dầu mỏ; Australia và Brazil- những nước có trữ lượng xuất khẩu quặng sắt sang EU sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Trong một báo cáo, Tập đoàn vốn quốc tế của Trung Quốc cho biết, nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung chung châu Âu, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 3,9% trong năm nay. Còn nếu Hy Lạp ở lại Eurozone, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng 10%.

Lo ngại cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ và cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, trong những ngày gần đây, Tổng thống Barack Obama liên tục kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thực hiện các biện pháp nhanh chóng nhằm vực dậy đồng euro.

Mặc dù Hy Lạp đang phải đối mặt sự quyết định khó khăn nhưng đến thời điểm này, hầu hết tất cả các bên đều ủng hộ Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nhiều nhà phân tích nhận định, cơ hội cho Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng vẫn còn mặc dù bất ổn chính trị và kinh tế của nước này đang trong vòng xoáy đi xuống.

Giáo sư Martin Feldstein, trường Đại học Harvard cho rằng, Hy Lạp nên lựa chọn để ở lại khu vực đồng tiền chung, vì đây là cách duy nhất để hồi sinh lại nền kinh tế.

Ông Martin Feldstein giải thích rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng hiện nay, Hy Lạp có thể tận dụng lợi thế của đồng tiền mất giá để đạt được tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù châu Âu đã có những biện pháp phòng ngừa nhằm tránh xảy hỗn loạn trong Eurozone một khi cử tri Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ liên minh phản đối gói cứu trợ nhưng vấn đề này sẽ tác động rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu./.

(Theo: Bích Lan/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất