GẮN VỚI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (Chỉ thị 05) của Bộ Chính trị được triển khai kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành công việc thường xuyên và đi vào nền nếp của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên… Các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc học tập và làm theo Bác gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền đã gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các quy định của Đảng về nêu gương đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các tệ tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời xây dựng kế hoạch học tập và làm theo, tổ chức hội nghị học tập, nghiên cứu nội dung các chuyên đề; cấp ủy các cấp đã đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của chi, đảng bộ; Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đưa vào sinh hoạt trong đoàn viên, hội viên...
Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân, những việc cần tập trung giải quyết ngay tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, tình trạng ô nhiễm môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Với tinh thần chủ động, đổi mới, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ đã kịp thời ban hành 6 chương trình hành động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 3 nghị quyết để cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và nhiều nghị quyết chuyên đề khác. Việc lựa chọn, thực hiện nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; luôn chú trọng chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm nêu gương của cá nhân; có phong cách làm việc khoa học, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; phát huy dân chủ trong Đảng và cơ quan, nói đi đôi với làm; tăng thời gian, chất lượng đi cơ sở, tích cực tiếp xúc đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ, phân công đại diện lãnh đạo chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham dự để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, qua đó có hướng xử lý kịp thời, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định hướng dẫn của Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng bộ tỉnh đã có sự đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm tư tưởng chỉ đạo “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, tiến hành kiểm tra 2.430 tổ chức đảng, 462 đảng viên (có 138 cấp ủy viên); giám sát 2.095 tổ chức đảng, 162 đảng viên (có 68 cấp ủy viên) về việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc kê khai tài sản, thu nhập; nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về nêu gương, các phong trào thi đua yêu nước đã trở thành việc làm thường xuyên và đi vào nền nếp của các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị triển khai có hiệu quả nội dung học tập và làm theo gương Bác, gắn với việc đánh giá và triển khai công việc tại các buổi chào cờ sáng thứ hai hằng tuần; thực hiện tốt phương châm “Thân thiện, nghĩa tình, tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật” và phương châm 5 biết “Biết chào hỏi, biết lắng nghe, biết giải thích, biết xin lỗi, biết cảm ơn”. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã có chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hành chuẩn mực đạo đức công vụ. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, yếu kém kéo dài ở cơ sở đã được giải quyết. Công tác dân vận, mặt trận, các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng sát cơ sở, chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Nhiều phong trào thi đua được phát động và triển khai có hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị… đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Thông qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt đô thị, nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực.
Việc giảng dạy và học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các trường học trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc. Theo đó, các trường học đã thực hiện tích hợp, đưa nội dung các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào một số môn khoa học xã hội, nhiều trường học đã đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12 theo hướng mỗi tháng một bài lồng ghép trong môn Đạo đức, Giáo dục công dân, các môn học liên quan và trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, hội, đội… Một số trường học tổ chức cho học sinh và giáo viên kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào giờ chào cờ đầu tuần và thông qua các đợt sinh hoạt chủ điểm, hoạt động ngoài giờ. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần giáo dục hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đoàn viên, thanh niên đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, xung kích, tình nguyện, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, tích cực tham gia các phong trào, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể, mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo từng chủ đề, lĩnh vực khác nhau, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên và thế hệ trẻ. Các cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên trong việc sử dụng, chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội; nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chính trị và phương thức hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
KẾT QUẢ NGÀY CÀNG RÕ NÉT
Việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Phú Yên ngày càng thể hiện rõ nét.
Lãnh đạo, cấp ủy các cấp tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện tốt theo phương châm “lãnh đạo huyện về từng xã, phường, thị trấn; lãnh đạo xã, phường, thị trấn về từng thôn, buôn, khu phố” để lắng nghe ý kiến và kiến nghị những vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm kịp thời giải quyết, xử lý, góp phần tạo sự ổn định về tư tưởng, tâm trạng xã hội. Thực hiện cơ chế chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng, trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ hằng tháng đều có nhận xét, đánh giá việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, xem đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật được xử lý nghiêm. Việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ Phú Yên, góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Đảng các cấp của Đảng bộ tỉnh. Đây là kết quả tổng hợp của công tác xây dựng Đảng trong đó có vai trò của việc triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ.
Đối với chính quyền, đã thành lập “Trung tâm Phục vụ hành chính công” năm 2019, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” của chính quyền các cấp, xây dựng cơ chế đối thoại với nhân dân, quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính. Đây được coi là một nội dung quan trọng trong triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Thái độ của cán bộ nhà nước với dân trong thực thi công vụ có chuyển biến tích cực, nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện làm thêm giờ, làm sáng thứ bảy, có nơi nêu khẩu hiệu “làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ” để đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Các cấp chính quyền đều thực hiện rà soát lại các văn bản, đơn giản hoá các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã gắn với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, củng cố vai trò, uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân. Đổi mới phong cách, tác phong, nâng cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; nhiều địa phương đã xây dựng các cơ chế nhằm phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân trong góp ý, xây dựng chính quyền.
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức ăn uống linh đình, xa hoa, lãng phí trong việc cưới, việc tang, lễ hội… đẩy mạnh các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, “Vì người nghèo”; vận động nhân dân đóng góp quỹ xây dựng nhà đại đoàn kết, hiến, tặng đất để xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng trường học…
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của tỉnh thực hiện hiệu quả phong trào “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”; tổ chức các diễn đàn “Bác Hồ với thanh niên - Thanh niên với Bác Hồ”, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, một mặt tạo sân chơi cho thanh thiếu niên, mặt khác nhằm thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, hội; xây dựng tủ sách thanh niên; thành lập các tổ “Thanh niên xung kích”, “Thanh niên tình nguyện” vì cuộc sống cộng đồng, làm nòng cốt trong các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội… ở cơ sở.
Hội Phụ nữ các cấp thực hiện hiệu quả những mô hình như: “Thùng gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”, những mô hình này nhằm xây dựng quỹ giúp đỡ gia đình hội viên, chị em phụ nữ nghèo, những gia đình gặp khó khăn đột xuất. Nhiều cơ sở hội chủ động lồng ghép việc thực hiện tiết kiệm với các hoạt động nhân đạo, từ thiện để tương trợ cho những hội viên, gia đình khó khăn, qua đó xã hội thấy được việc “làm theo” của mỗi hội viên tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực.
Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn thực hiện các phong trào “Nông dân - Cựu chiến binh sản xuất giỏi”, thành lập các “Tổ tình nguyện bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ môi trường ở các thôn, xóm”, phong trào xóa nhà ở tạm, mái ấm công đoàn, Hội Chữ thập đỏ cũng đã có nhiều nỗ lực, tích cực hoạt động từ thiện nhân đạo, nhất là thông qua các hoạt động cứu trợ, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt…
Từ những việc làm thiết thực của từng cấp, từng ngành, đã cổ vũ, động viên nhân dân trong tỉnh thực hiện việc học tập và làm theo Bác ngày càng tốt hơn và đi vào chiều sâu, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
XÂY DỰNG, NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH, CÁCH LÀM HAY
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả thiết thực, các cấp ủy trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên công tác thông tin, tuyên truyền việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh và các địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền trên báo chí, tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các cuộc thi...
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo được duy trì trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng và duy trì nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong đó, có những mô hình tiêu biểu như: Mô hình “Tổ chức chào cờ Tổ quốc và học tập dưới cờ trong tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức từ cuối năm 2009; mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” từ năm 2014, đến nay tiếp tục được phát huy, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực tiếp xúc đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ, phân công đại diện lãnh đạo chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham dự để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong thời gian qua, một số mô hình tiếp tục được triển khai và đang được nhân rộng, trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày của các tập thể và cá nhân ở một số địa phương, đơn vị, tạo sức lan toả trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thành phố Tuy Hòa với mô hình “Tuyến đường hai không”: không rác, không lấn chiếm lòng - lề đường của các phường nội thành.
Công an thành phố Tuy Hòa với mô hình “Diễn đàn công an lắng nghe ý kiến nhân dân”. Huyện Sơn Hòa với các mô hình “Kết nghĩa chi hội người Kinh với chi hội người dân tộc thiểu số”, “Tham gia quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn phát rừng làm nương rẫy”...
Thị xã Sông Cầu với mô hình “Mỗi khu dân cư đóng góp, trợ giúp 1 hộ nghèo được vay Quỹ Vì người nghèo không tính lãi để sản xuất kinh doanh thoát nghèo bền vững”…
Huyện Tây Hòa với mô hình “Đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với trưởng phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân huyện”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Hộp tiền tiết kiệm giúp trẻ em đến trường”, “Tuyên truyền, cảm hóa giáo dục các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và có nguy cơ phát sinh tội phạm”.
Huyện Đông Hòa với nhiều mô hình mang tính xã hội hóa cao như: “Vận động giúp đỡ địa chỉ an sinh xã hội”, “Xây dựng quỹ khuyến học”, “Xây dựng nhà nhân ái”, “Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh”.
Huyện Phú Hòa với phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.
Huyện Đồng Xuân với mô hình “Chuối cô Na” của đoàn viên thanh niên Phạm Vi Na, thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước; “Cho đi là còn mãi” của Chi hội Phụ nữ Triêm Đức 2, xã Xuân Quang 2; nhóm từ thiện “Hạt gạo tình thương” của hội viên phụ nữ thị trấn La Hai.
Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh với các phong trào nổi bật như “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Hiến máu tình nguyện”.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Công an tỉnh với các mô hình “Ghi sổ vàng lập công”, “Tiết kiệm theo gương Bác”, “Ngôi nhà thân ái”…
Ngành Y tế tỉnh Phú Yên ngày một thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Rèn luyện nâng cao y đức” trong toàn ngành. Các bệnh viện, tuy cơ sở vật chất trang thiết bị khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, thường xuyên quá tải bệnh nhân nhưng đã chủ động trong việc khám, chữa bệnh, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, điều trị bệnh cho nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hộp thư góp ý, điện thoại nóng tại các khoa, phòng để bệnh nhân và gia đình bệnh nhân kịp thời góp ý, phản ánh tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng.
Ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”; “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo”; thực hiện hiệu quả khẩu hiệu học giỏi, chăm ngoan; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; thực hiện Cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung trong các trường học.
|
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA
Việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được thực hiện xuyên suốt, liên tục, sâu rộng, tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong Đảng, trong xã hội, huy động được đông đảo nhân dân tham gia, hình thành phong trào làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần thiết thực vào những thành tựu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân hoan nghênh và ghi nhận. Từ thực tiễn, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã rút ra những kinh nghiệm quý trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là:
Thứ nhất, cấp ủy các cấp và tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung Chỉ thị của Bộ Chính trị, phải tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng, trong nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo gương Bác, xem đây là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và trong xây dựng đời sống tinh thần, xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội.
Thứ hai, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với nhiệm vụ then chốt là công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng. Trong tổ chức thực hiện, cấp ủy và lãnh đạo các cấp cần xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng năm và từng giai đoạn, tập trung vào những nội dung thiết thực để giải quyết, mang lại kết quả cụ thể, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ ba, cấp ủy và thủ trưởng cơ quan chủ động, sáng tạo trong xây dựng chương trình, kế hoạch tìm ra những cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị và tập trung chỉ đạo thực hiện, lôi cuốn cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; xây dựng quy chế nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, phát huy dân chủ, chống đặc quyền, đặc lợi, tiết kiệm trong sử dụng tài sản công, trong việc cưới, việc tang, lễ hội… để cấp dưới và nhân dân noi theo theo tinh thần “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”. Việc cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu, trực tiếp là bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, có nhận thức đúng đắn về nội dung, yêu cầu của chỉ thị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tự mình làm trước, nói đi đôi với làm, thực sự có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị trên địa bàn, góp phần tạo sự lan tỏa trong Đảng và trong toàn xã hội.
Thứ tư, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn việc “học tập”, “làm theo” với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tuyên truyền, báo chí, văn hóa văn nghệ và các loại hình thông tin cổ động trực quan về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp dưới. Định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt, việc tốt các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác, tạo sức lan tỏa trong Đảng và xã hội.
Nguyễn Văn Sự
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên