Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 20/12/2010 21:8'(GMT+7)

Phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: “Tiến” cũng phải có lộ trình

Thí sinh làm bài thi tuyển sinh ĐH tại Hội đồng thi Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Viết Thành

Thí sinh làm bài thi tuyển sinh ĐH tại Hội đồng thi Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Viết Thành

Phương án mới, nỗi lo cũ

Sáu trường được Bộ chọn mặt gửi vàng là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương. Nhìn qua có thể thấy, đây đều là các trường thuộc hàng "top". Ngoại trừ hai ĐH QG là những mô hình đặc thù vốn đã có nhiều quyền tự chủ, phần lớn các trường còn lại đều có ít nhiều nhu cầu được chủ động trong tuyển sinh như tự ra đề hay có những tiêu chí riêng trong tuyển đầu vào.

Tại hội nghị tổng kết năm học tổ chức hồi tháng 10, những cải tiến mà Bộ đề cập tới chủ yếu xoay quanh việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, về "một cách tiếp cận mới" về tuyển sinh, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc tổ chức thi… nhằm giảm thiểu những gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, không ít trường đã tỏ ra ngỡ ngàng khi biết Bộ có chủ trương cho các trường nói trên thí điểm tự chịu trách nhiệm từ việc ra đề, tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển, triệu tập thí sinh hay giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Trước quyết định này của Bộ GD-ĐT, viễn cảnh trở về cách thi trước khi áp dụng "3 chung" khiến nhiều chuyên gia tuyển sinh e ngại. Trước hết, việc các trường tự ra đề sẽ lại khiến các "lò luyện" ăn theo mọc lên như nấm, gây tốn kém cho thí sinh và xã hội. Thứ hai, việc các trường tổ chức thi vào các thời điểm khác nhau liệu có thể làm tái diễn việc mỗi thí sinh dự thi quá nhiều trường trong mỗi mùa thi? Còn nếu các trường tổ chức thi cùng ngày, liệu kết quả thi của thí sinh ở các trường tự tổ chức thi có được công nhận ở những trường thi "3 chung" hay không, nếu muốn công nhận kết quả lẫn nhau thì sẽ dựa trên thang giá trị nào?

Có lẽ vì thế, không phải tất cả đơn vị được Bộ tin tưởng đều đã sẵn sàng cho phương án mới. ĐH Quốc gia Hà Nội, các trường ĐH Y và Ngoại thương đều khẳng định sẽ "chung thủy" với "3 chung", ít nhất là trong thời gian trước mắt. Còn hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Bách khoa Hà Nội thì cho biết hiện đang xây dựng phương án cụ thể để thực hiện tự chủ tuyển sinh nhưng đều không cho biết cụ thể nội dung của phương án.

Giao quyền gì và giao thế nào?

Tại văn bản khẳng định phương án giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu, Bộ GD-ĐT lý giải rằng, việc làm này là để thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Nghị quyết 37/2004/QH11 ngày 3-12-2004 ghi rõ: "Tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực"; Nghị quyết 50/2010/QH12 ngày 19-6-2010 và Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 đều khẳng định giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH. Rõ ràng, phải đổi mới công tác tuyển sinh và xu hướng giao quyền tự chủ một cách đầy đủ cho cơ sở đào tạo là tất yếu. Nhưng giao quyền gì và giao như thế nào trong công tác tuyển sinh lại là điều cần cân nhắc kỹ bởi những thay đổi trong công tác tuyển sinh không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn có tác động rất lớn đối với xã hội.

Trước năm 2002, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng được giao cho các trường tự chủ hoàn toàn và đã nảy sinh những hậu quả xã hội lớn đến mức Bộ GD-ĐT đã phải quyết tâm tổ chức kỳ thi này theo phương án "3 chung" (chung đợt, chung đề thi, chung kết quả). Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng đề án đổi mới công tác thi và tuyển sinh giai đoạn 2002-2007, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có hướng tới một "lộ trình" khác. Đó là tiến tới tổ chức một kỳ thi sau THPT để xét tốt nghiệp và làm một căn cứ để tuyển sinh. Phương án này cũng đã được bàn bạc trong thời gian khá dài, ngành GD-ĐT rất nỗ lực để kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có đủ độ tin cậy làm một căn cứ xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tính khả thi và hiệu quả của phương án này không có trong điều kiện hiện nay và có thể cả nhiều năm tới. Có lẽ vì thế, phương án một kỳ thi hai mục đích đang trên bờ "phá sản" cho nên việc xây dựng những phương án mới trong tuyển sinh để khắc phục những bất cập mà hình thức thi "3 chung" đang bộc lộ có lẽ đã trở nên bức thiết.

Giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH là xu hướng tất yếu và tự chủ hôm nay hẳn phải khác với tự chủ của mươi năm trước. Nhưng để trả lời chính xác câu hỏi "giao quyền gì và giao như thế nào?" đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự đồng thuận của cả xã hội. Khi chưa cải tiến, đổi mới được thì hãy giữ sự ổn định bởi "đầu vào" cũng chỉ là một yếu tố làm nên chất lượng đào tạo, trong khi tuyển sinh lại là vấn đề lớn của xã hội. Đó vừa là đòi hỏi, vừa là mong muốn của xã hội đối với ngành GD-ĐT, dù ngày 17-12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định: Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi của xã hội và báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.

(Theo HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất