Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 13/12/2010 10:22'(GMT+7)

Hạnh phúc khi mang kiến thức đến cho trẻ em làng phong Hòa Vân

Trước khi nghỉ  hưu, chị Nguyễn Thị Quảng là giáo viên trường Tiểu học Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ở trường, chị luôn được các cô giáo trẻ  coi như "người chị cả", với kinh nghiệm giáo dục từng trải và tình cảm chân thành, thương yêu học sinh. Chính những tháng năm dạy học ấy đã trở thành hành trang cho chị bây giờ, khi đã nghỉ hưu, tình nguyện ra làng phong Hòa Vân dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh tiểu học nơi đây.

Chị chia sẻ: Hòa Vân là ngôi làng nằm cách biệt với thành phố Đà Nẵng phát triển sôi động và nhộn nhịp. Nơi đây lặng lẽ với những nỗi niềm thân phận của căn bệnh mà một thời ai cũng ái ngại - bệnh phong. Chính vì cảm thương những cuộc đời phải chịu lam lũ nghèo khổ bởi việc học hành trước đây không đến nơi đến chốn, cảm thương các em học trò ngây thơ, nhỏ dại hàng ngày đến trường, đến lớp mà lòng lo lắng vì thiếu sách vở, thiếu kiến thức, kỹ năng để theo kịp bài giảng của thầy cô, mà 3 năm nay, cứ mỗi tuần, chị dành hai ngày, mỗi  ngày đi bộ 12 km dọc theo tuyến đường sắt, men theo lối mòn sườn núi, chân đèo Hải Vân để đến với lớp tiếng Anh tiểu học ở thôn Hòa Vân.

Chị kể lại, năm 2007, lớp học ban đầu chỉ gồm 16 em, ghép cả học sinh ba khối lớp 3,4,5. Qua một thời gian học, các em đã không phụ lòng cô giáo Quảng, những bài kiểm ra tiếng Anh đầu năm của học sinh Hòa Vân luôn đạt điểm 9,10. Điều này như tiếp thêm sức lực cho cô giáo tuổi đã xế chiều.

Đến năm 2008, lớp học được học ghép thêm nhiều, để học thêm một số giáo trình bổ trợ. Công việc giảng dạy tuy vất vả hơn, nhưng cứ nhìn nét mặt đầy phấn khởi, hào hứng của các em đã phần nào xua đi cái mệt mỏi của những ngày nắng mưa, vào hầm, leo dốc, xóa đi cảm giác sợ hãi mỗi khi chị đi lạc đường, quên đi cảm giác hiểm nguy trên đường theo tuyến đường sắt, bởi tiếng tàu hỏa từ xa chẳng khác mấy so với tiếng sóng biển vỗ vào bờ đá.

 Khi tôi hỏi, điều gì đã giúp chị bền bỉ và dẻo dai vượt khó ngày qua ngày đến với trẻ thơ, chị chỉ mỉm cười và nói, chị tâm đắc nhất câu nói của Bác "Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói "Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời". Niềm vui của chị giờ là những buổi sáng vượt đèo đến với Hòa Vân, được nghe tiếng khoe ríu rít của lũ học trò nghèo, được nhìn thấy những trang vở điểm 9, điểm 10 đỏ chói.

Trở về với Đà Nẵng sau Hội nghị,  chị sẽ mang theo những tấm ảnh chụp ở Lăng Bác, ở Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng bao kỷ niệm lần về báo công với Bác lần này để kể với lũ trẻ ở Hòa Vân. Chị nói, rồi chúng sẽ  hỏi chị  về Bác, về nơi Người an nghỉ cùng những câu chuyện về Người. Mãi mãi đó vẫn là những câu chuyện, những kỷ niệm làm hành trang cho chị tiếp tục vững bước trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời, tiếp tục mang ánh sáng đến cho những trẻ em nghèo nơi xóm nhỏ Hòa Vân./.

Ngọc Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất