Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 17/12/2010 16:6'(GMT+7)

Tỉnh Đồng Tháp: Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở trong tình hình mới

Hội nghị giao ban sở giáo dục và đào tạo các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long lần thứ I năm học 2010 - 2011

Hội nghị giao ban sở giáo dục và đào tạo các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long lần thứ I năm học 2010 - 2011

Đáp ứng yêu cầu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, trong 5 năm qua, công tác giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, chất lượng giáo dục được thực hiện toàn diện, hiệu quả đào tạo có nhiều tiến bộ, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên.

Hiện nay, mạng lưới trường lớp không ngừng phát triển, toàn Tỉnh có 833 cơ sở giáo dục và đào tạo (trong đó, giáo dục mầm non 172, giáo dục phổ thông 501, giáo dục thường xuyên 156, giáo dục chuyên nghiệp 02, giáo dục cao đẳng đại học 02). Tổng số học sinh, sinh viên đang học trong Tỉnh là 352.565 (trong đó, 56.004 cháu mầm non, 266.000 học sinh phổ thông, 6.447 học viên giáo dục thường xuyên, 24.114 sinh viên trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng đại học). Đa số học sinh, sinh viên chăm ngoan, vượt khó học tập, tích cực tham gia hoạt động giáo dục và số lượng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi năng khiếu cấp quốc gia, tuyển sinh đại học ngày càng nhiều.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn Tỉnh hiện có 23.102 thầy giáo, cô giáo, cơ bản đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên 95% đạt và vượt chuẩn đào tạo, đa số nhiệt tình, tận tụy với nghề. Công tác quản lý giáo dục được đổi mới theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Từ 2006 đến 2010, chất lượng giáo dục có tiến bộ, bình quân trong năm tỷ lệ học sinh học lực yếu, kém giảm 4%; học sinh chưa ngoan (hạnh kiểm trung bình, yếu) giảm 1%; tỷ lệ học sinh lưu ban giảm 0,3%; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm 0,5%.

Bên cạnh sự phát triển nhanh quy mô về giáo dục phổ thông thì mạng lưới giáo dục trung cấp chuyên nghiệp chưa phát triển, làm cho sự phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở không thực hiện được theo yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực lao động có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Số ít cán bộ quản lý chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới. Chất lượng giáo dục Tỉnh nhà phát triển chậm, chưa ổn định so với mặt bằng chung cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2010: tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu, kém cấp THCS 10% (cả nước 9,12%); cấp THPT 27% (cả nước 15%); kết quả kỳ thi tốt nghiệo THPT là 51/63 tỉnh, thành; điểm trung bình thi tuyển sinh vào trường đại học xếp hạng thứ 37/63 tỉnh, thành.

Trong 5 năm tới (2011 – 2015), để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Tỉnh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, song song việc tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng, củng cố chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thì ngành giáo dục và đào tạo Tỉnh nhà cần tập trung thực hiện tốt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 – 2015” và cần tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tổ chức dạy học “hiệu quả” phù hợp trình độ học sinh, tập trung xây dựng và nhân rộng “Mô hình nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, dạy học phân hoá”, tạo ra sự chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục; tư vấn hướng nghiệp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Hai là, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong quản lý và dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử.... Tăng cường hơn nữa vai trò của Sở, Phòng, cơ sở giáo dục trong việc quản lý việc thực hiện chương trình giáo dục, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục, đặc biệt giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Ba là, nâng cao năng lực tham mưu, quản lý, điều hành của Sở, Phòng giáo dục và đào tạo, điều động cán bộ quản lý năng động, giáo viên giỏi về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng phải là người tiêu biểu, chuyên gia hàng đầu thuộc lĩnh vực chỉ đạo, điều hành, quản lý.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trường học và giáo viên, đây là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành Giáo dục chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị, thành phố tham mưu đề xuất với UBND Tỉnh: tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", khơi dậy tâm huyết nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm người thầy đối với học sinh, để từ đó giáo viên tận tâm, tận lực giúp đỡ học sinh vươn lên trong học tập. Triển khai có hiệu quả việc đánh giá hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng, đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên; xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng để cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ cao hơn. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên, kỹ năng quản trị nhà trường, quản lý chất lượng giáo dục cho cán bộ quản lý nhà trường. Rà soát, đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ giáo viên để tổ chức đào tạo lại, sàn lọc, tinh giảm, bổ sung đội ngũ, đủ số lượng theo cơ cấu ngành học; chất lượng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới quản lý giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Tổ chức thi tuyển giáo viên mới, thí điểm thi tuyển chọn giáo viên, cán bộ quản lý trường học giỏi về Sở, Phòng làm cán bộ quản lý, chỉ đạo chuyên môn.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh ủy, cùng với sự đồng thuận phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự quyết tâm phát huy nội lực của ngành, chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Tháp sẽ có bước đột phá và phát triển vững chắc, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Nguyễn Minh Phú - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất