Hiện
nay, trên thế giới, vấn đề “an ninh” được tiếp cận ở nhiều phương diện
khác nhau, điển hình như: an ninh tập thể (collective securty); an ninh
chung (common security); an ninh con người (human security); an
ninh toàn diện (comprehensive security)… Quan điểm “an ninh toàn diện”
được chính thức đưa ra dưới thời chính phủ Ohira ở Nhật Bản vào giữa
thập niên 70 của thế kỷ XX để chỉ các mối đe dọa quân sự và phi quân sự
đối với sự phát triển của một quốc gia. Để đối phó với những mối đe dọa
đó, theo quan điểm này, cần huy động
tổng hợp nguồn lực, từ nguồn lực chính trị đến nguồn lực kinh tế, văn
hóa, ngoại giao; trong đó, nguồn lực kinh tế được coi là công cụ hữu
hiệu, có vai trò quan trọng trong đối phó với các vấn đề liên quan đến
an ninh. Quan điểm này được cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ, do
đó, được mở rộng từ phạm vi an ninh quốc gia đến an ninh khu vực với sự
ra đời của Tuyên bố Khu vực hòa bình, tự do và trung lập
được ký kết vào ngày 27/11/1971, tại Malaysia, với mong muốn hòa bình,
ổn định, cũng như ý thức về tự cường khu vực. Với tinh thần đó, năm
2003, Tuyên bố về Thỏa ước ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) II (Tuyên bố Bali II) nhấn mạnh: “Cộng
đồng an ninh ASEAN tán thành nguyên tắc an ninh toàn diện như là những
khía cạnh rộng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội”(1). Năm 2007, Hiến chương của ASEAN
tiếp tục khẳng định: “Đối phó hữu hiệu với tất cả các mối đe dọa, các
loại tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới, phù hợp
với nguyên tắc an ninh toàn diện”(2).
Phương
châm “an ninh toàn diện” được tiếp cận, xem xét trên nhiều mặt, từ an
ninh quốc gia, an ninh khu vực, an ninh quốc tế; từ an ninh truyền thống
đến an ninh phi truyền thống; từ an ninh chính trị đến an ninh kinh tế,
an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh con người, an ninh mạng… Cần phải
nhận rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của từng loại an ninh để có
những chính sách, biện pháp xây dựng và phát huy cho phù hợp. Song, yếu
tố đầu tiên của an ninh là an
ninh quốc gia, là an ninh đối với chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ
và an ninh của nhà nước và nhân dân. Việc theo đuổi an ninh khu vực và
quốc tế phải dựa trên cơ sở an ninh quốc gia; vấn đề an ninh truyền
thống và phi truyền thống quan hệ mật thiết với nhau. Những vấn đề an
ninh phi truyền thống, như: an ninh môi trường, an ninh lương thực, an
ninh sức khỏe... ngày càng có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện
nay.
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH PHƯƠNG CHÂM AN NINH TOÀN DIỆN TRONG BẢO ĐẢM AN NINH QUỐC GIA
Luật
An ninh quốc gia (2004) quy định: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát
triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(3). Theo đó, “bảo đảm an ninh
quốc gia” là sự cam đoan, làm cho an ninh quốc gia có được sự vững chắc,
mạnh mẽ; phát huy sức mạnh tổng hợp, củng cố mọi tiềm lực và chủ động
phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa, đấu tranh làm thất bại
các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Trong
những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức
tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt,
trên nhiều lĩnh vực, phạm vi ảnh hưởng rộng; vấn đề hợp tác và xung đột,
chiến tranh và hòa bình tồn tại đan xen nhau, tạo ra nhiều thách thức
đối với việc bảo đảm an ninh quốc gia. Vì vậy, phải thật sự quán
triệt phương châm an ninh toàn diện, nghĩa là quan tâm chú ý thực hiện
trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực, tránh phiến diện, một chiều. Điều
này phải được thể hiện từ mục tiêu, quan điểm, chính sách đến nguyên
tắc, nhiệm vụ, biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia; từ việc kết hợp giữa
phòng ngừa và đấu tranh; từ lý luận về bảo đảm an ninh quốc gia đến thực
tiễn hiện thực hóa điều đó...
Phương
châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia cần thiết phải
chú ý đến mối liên hệ giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền
thống, coi đây là hai vấn đề gắn bó chặt chẽ và cần thiết giải quyết
đồng bộ. Trong Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia của Đảng nhấn mạnh:
“Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và
phi truyền thống”(5).
Những
mối liên hệ đến an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia tuy khách
quan, phổ biến, nhưng đồng thời cũng có tính đa dạng, có vai trò, vị
trí, tầm quan trọng khác nhau. Bởi vậy, cách nhìn nhận tổng thể khi quán
triệt phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia đòi
hỏi cần tiến hành vừa bao quát về diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm,
xác định được yếu tố, lĩnh vực, mặt hoạt động nào là cơ bản, cần thiết,
cấp bách là bên trong, chủ yếu, bản chất, phải tập trung giải quyết
trước; yếu tố, lĩnh vực, mặt hoạt động nào là bên ngoài, không bản chất,
có thể giải quyết sau.
Phương
châm an ninh toàn diện đòi hỏi trong xử lý các vấn đề liên quan đến an
ninh quốc gia, phải “đặt độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, đồng thời phải
luôn coi trọng lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân”(6);
chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa, lấy phòng ngừa, giữ vững bên
trong là chính; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, yên
dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.
Đặc biệt, trong giải quyết các vụ, việc phức tạp về an ninh quốc gia,
phải từ cơ sở, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính
quyền địa phương theo phương châm “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ
và hậu cần tại chỗ”; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn
dân, trong đó công an nhân dân đóng vai trò tham mưu, nòng cốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Phải xây dựng và lãnh đạo vững chắc lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân, bảo đảm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào”(7).
Theo đó, một nguyên tắc quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia từ
phương châm an ninh toàn diện chính là “công tác bảo vệ an ninh quốc gia
phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự
quản lý thống nhất của Nhà nước; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của
toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của các cấp, các ngành; người đứng đầu
cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm chính”(8).
Việc
bảo đảm an ninh quốc gia theo phương châm an ninh toàn diện thời gian
qua ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Theo đó, chúng ta đã “bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế
độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển đất nước… Tiềm lực quốc
phòng, an ninh được tăng cường, thế trận lòng dân được chú trọng”(9).
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, việc bảo đảm an ninh quốc gia còn có
những hạn chế nhất định, như lý luận về bảo đảm an ninh quốc gia chưa
hoàn thiện; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược có lúc thiếu chủ
động; tội phạm và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; an ninh trên
một số địa bàn chưa thật vững chắc, nhất là an ninh mạng, an ninh trong
đầu tư nước ngoài. Một số yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn con
người chưa được quan tâm xử lý triệt để. Việc kết hợp giữa bảo đảm an
ninh quốc gia với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở một số địa
phương thiếu chặt chẽ, hiệu quả.
Lực lượng hải quan và biên phòng phối hợp tuần tra tại cảng Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHƯƠNG CHÂM AN NINH TOÀN DIỆN TRONG BẢO ĐẢM AN NINH QUỐC GIA HIỆN NAY
Văn
kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước,
nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia -
dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc
gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành
mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(10).
Mục tiêu này đã thể hiện rõ tầm nhìn tổng thể, toàn diện trong chiến
lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng ta;
đồng thời, xác lập nguyên tắc hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia: “Kết
hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ xây
dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phối hợp có hiệu quả hoạt
động quốc phòng, an ninh và đối ngoại”(11). Cùng với mục
tiêu, nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc gia, thì các biện pháp để thực
hiện bảo đảm an ninh quốc gia cũng cần thiết phải được xem xét một cách
toàn diện.
Trong
giai đoạn hiện nay, để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được,
khắc phục những hạn chế trong bảo đảm an ninh quốc gia theo phương châm
an ninh toàn diện, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất,
tiếp tục nghiên cứu, nhận thức một cách toàn diện, tổng thể các vấn đề
có liên quan đến bảo đảm an ninh quốc gia, hoàn thiện lý luận về quốc
phòng, an ninh; gắn chặt lý luận với thực tiễn; nắm tình hình một cách
khách quan, đầy đủ, tránh bị động, thiếu thông tin; kết hợp chặt chẽ
giữa bảo đảm an ninh quốc gia với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội;
tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế cục bộ mà
coi nhẹ an ninh; xem xét và chủ động có biện pháp giải quyết tất
cả những yếu tố, lĩnh vực, mặt hoạt động, những nguy cơ đối với an ninh
quốc gia, từ an ninh quốc gia tới khu vực và an ninh quốc tế; từ an
ninh truyền thống đến an ninh phi truyền thống; lưu ý đến những vấn đề
mới nảy sinh trong bảo đảm an ninh quốc gia, không để sót phương diện
nào.
Thứ hai,
trong quá trình nghiên cứu, xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan
đến bảo đảm an ninh quốc gia, cần có sự phân loại, xác định các nội dung
cần thiết, trọng tâm, cấp bách và chủ động có những quan điểm, giải
pháp tác động phù hợp. Kiên định bảo đảm an ninh quốc gia theo phương
châm đặt độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
và lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; giữ vững nguyên tắc bảo đảm
sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với việc bảo
đảm an ninh quốc gia; kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề chiến
lược, cấp bách, phức tạp nổi lên trên lĩnh vực an ninh; phòng ngừa, đấu
tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù
địch, phản động; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động,
bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; kiềm chế gia tăng tội phạm,
tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến
lược; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy”, trên
cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận
lòng dân vững chắc. Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số an ninh, an
sinh, an toàn quốc gia nhằm phát triển bền vững; rà soát, bổ sung, điều
chỉnh, luyện tập, diễn tập các phương án bảo vệ an ninh quốc gia; xây
dựng đề án bảo đảm an ninh, trật tự ở các cấp, các lĩnh vực.
Thứ ba,
xây dựng công an, quân đội - lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh
quốc gia - cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trên cơ sở phát
huy vai trò, nguồn lực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng sức mạnh
tổng hợp của đất nước. Thúc đẩy phát triển các yếu tố kinh tế, văn hóa,
xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh,… trong một chỉnh thể gắn
kết, thống nhất(12), phối hợp với các yếu tố của
khoa học - công nghệ của thời đại, như xã hội số, công dân số, nhằm tạo
nên sức mạnh tổng hợp, nguồn lực quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc
gia. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong hệ thống chính
trị, trên các lĩnh vực có tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo, năng lực
chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt đẹp, tinh thần nêu gương, nói đi đôi
với làm; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có kiến thức về quốc
phòng - an ninh, nhận thức đúng đắn về bảo vệ an ninh quốc gia để không
chỉ bảo đảm được an ninh, quân sự, mà còn bảo đảm vững chắc toàn diện
trên các trận địa an ninh chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, ngoại
giao...; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, âm mưu “diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh quốc gia. Thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Để
giải quyết các vấn đề an ninh, trong đó có an ninh môi trường, an ninh
năng lượng… thì không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được.
Theo đó, thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và
hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của
nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Đồng thời, đa phương hóa, đa dạng hóa
quan hệ đối ngoại; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên
tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên cơ sở bảo đảm cao
nhất lợi ích quốc gia - dân tộc./.
TS. Đại tá PHẠM DUY HOÀNG
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân
____________________
(1) Tuyên bố về Thỏa ước ASEAN II (Thỏa ước BALI II) tại Indonesia ngày 7/10/2003, (Nguồn: thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Tuyen-bo-ve-Thoa-uoc-ASEAN-II-228912.aspx).
(2) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asean Nations): Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Singapore năm 2007, (Nguồn: www.asean.org/wp-content/uploads/images/archive/AC-Vietnam.pdf).
(3) (11) Bộ Công An, Ban Chỉ đạo tập huấn Luật An ninh quốc gia: Tài liệu tập huấn chuyên sâu Luật An ninh Quốc gia, Tập I - Giới thiệu Luật An ninh quốc gia và các văn bản có liên quan, Nxb. Công an nhân dân, H, 2006, tr. 205, 207.
(4) (9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.106-107, 67-68, 156.
(5) (6) (8) Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về "Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia".
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.14, tr.608.
(12) Phạm Minh Tuấn: Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, Tạp chí Cộng sản Chuyên đề, số 9/2023, tr. 50.
(Nguồn: tapchicongsan.org.vn)