(TG) - Có
những địa phương thuộc diện nghèo, hằng năm phải xin Trung ương “cứu
đói” cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vào những tháng giáp hạt,
nhưng nhiều cơ quan, ban, ngành ở tỉnh, huyện, xã vẫn chưa biết “liệu
cơm gắp mắm”, chi tiêu đón tiếp khách, ăn uống vượt mức tiêu chuẩn, gây
lãng phí.
Ngày cuối tuần, đang “lang thang” trên mạng, tôi gặp một nhà nghiên cứu văn hóa, người luôn dành cho tôi tình cảm trân quý. Sắp đến trưa, tôi nhã ý mời ông ra một nhà hàng gọi là có chút “nhâm nhi” để dễ bề trò chuyện, thì ông từ chối khéo với lý do phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành khắp nơi mọi chốn. Rồi ông bảo: “Nhắc đến chuyện ăn uống, cậu thấy những ngày qua dư luận xôn xao về việc gì không?”. “Có phải bác muốn nhắc tới một cơ quan huyện nghèo ở miền núi mắc nợ hơn 50 tỷ đồng liên quan đến đủ thứ chi tiêu, nào là tiền sửa sang công sở, tiền sửa xe công bị hư hỏng, tiền tặng quà các dịp lễ lạt,… trong đó đáng nói nhất là khoản nợ không nhỏ do chi tiêu tiếp khách, ăn uống quá đà”.
Ông bảo rằng, tiếp khách, ăn uống là chuyện tế nhị, đáng ra không nên đưa ra bàn tán, nhưng thời gian gần đây lại tạo ra những “làn sóng” xì xào, râm ran làm nhức nhối dư luận xã hội. Có người bảo, thời nay nhiều quan chức “rủng rỉnh” tiền bạc. Thế nên, không ít khách sạn sang trọng, nhà hàng cao cấp trở thành “điểm hẹn” thường xuyên của họ. Người khác cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cấp cơ sở và cấp trung gian có vẻ dư dả thời gian, thế nên khi rảnh rỗi lại mời mọc, lôi kéo nhau ra quán xá ăn uống, nhậu nhẹt - mà như người dân nói là chè chén đến mức “tẹt ga, liên tu bất tận”. Cũng có ý kiến cho hay, xuất phát từ đặc điểm tâm lý người Việt là trọng tình hiếu khách, thế nên mỗi lần có khách đến thăm, làm việc tại cơ quan, đơn vị mình thì thể nào chủ nhà cũng phải có “mâm ra, mâm vào” để chứng tỏ ta là người chu đáo trước sau. Xem ra, ý kiến nào ít nhiều cũng có lý!
Từng nhiều năm nghiên cứu văn hóa, theo ông, việc tổ chức ăn uống, tiệc tùng, giao lưu với anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác là một nét văn hóa của người Việt. Việc này góp phần củng cố, tăng cường gắn kết các mối quan hệ, làm cho tình cảm con người thêm sâu sắc hơn. Tuy vậy, nếu sa đà vào ăn nhậu, người ta tự làm tổn hại sức khỏe, tư cách của chính mình. Đáng nói hơn, không ít cán bộ từng có những năm tháng rèn luyện chỉn chu, có nếp sống giản dị, đạm bạc, nhưng sau khi được thăng quan tiến chức nên hay được cấp dưới, doanh nghiệp, đối tác mời mọc ra các nhà hàng sang chảnh ăn uống, giao lưu. Ngày này qua ngày khác, nếu cán bộ cứ tự mình dễ dãi tham dự những buổi tiệc tùng như vậy vừa dễ bị người khác lợi dụng, mua chuộc, vừa dễ sa ngã vào lối sống buông thả. Lối sống “trên dân, xa dân” cũng từ đó dần “lớn lên” trong con người cán bộ và đây chính là mầm mống của căn bệnh quan liêu, vô cảm với dân. Đúng như một ý kiến từng nhận định chí lý rằng, khi cán bộ chỉ còn biết có cá nhân mình, chỉ ngày đêm chăm lo cho sự giàu có của bản thân và gia đình, tìm mọi cách để ăn ngon, mặc đẹp, thoả mãn những thú vui vật chất thì làm sao còn rung động được trước những cảnh nghèo đói, đau khổ của người dân?
Đấy là chưa kể mấy năm gần đây, “nạn” tiếp khách, ăn uống tràn lan có xu hướng gia tăng ở nhiều cơ sở, cơ quan, ban, ngành dẫn đến dính líu cảnh nợ nần tràn lan. Cũng chỉ vì ăn uống, tiếp khách quá nhiều, không ít cán bộ, đảng viên tự biến mình vừa là “khổ chủ”, vừa là “con nợ”. Có những địa phương thuộc diện nghèo, hằng năm phải xin Trung ương “cứu đói” cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vào những tháng giáp hạt, nhưng nhiều cơ quan, ban, ngành ở tỉnh, huyện, xã vẫn chưa biết “liệu cơm gắp mắm”, chi tiêu đón tiếp khách, ăn uống vượt mức tiêu chuẩn, gây lãng phí. Nếu không ngăn chặn được tình trạng “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” sẽ vô hình trung tạo thêm hố sâu ngăn cách về sự bất công xã hội - một điều hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu xây dựng xã hội công bằng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực thực hiện.
Nói đến đây, nhà nghiên cứu văn hóa cho hay: Để giữ nét đẹp văn hóa trong ăn uống, ông cha ta đã có nhiều lời căn dặn chí tình như: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, nhưng đồng thời cũng cảnh tỉnh, khuyên răn: “Miệng ăn núi lở”, “Quá khẩu thành tàn”, “Miếng ăn là miếng nhục”, “Rượu nhạt uống lắm cũng say”… Lời người xưa cảnh báo đến nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi, mà nếu cán bộ, đảng viên nào không thấm thía thì tự mình đánh mất bản chất thiện lương của người cộng sản, thậm chí tự biến mình trở thành những kẻ “phàm phu tục tử” trong con mắt người dân./.
Thiện Văn