Thứ Hai, 9/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 13/4/2020 8:45'(GMT+7)

Biết “từ chối”, nhưng chớ “từ nan”

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Vừa hết quý đầu của năm, lại nói chuyện chữ “từ” (với nghĩa là bỏ), có vẻ như không thuận. Nhưng xét rộng ra, sự “từ” với nghĩa từ chối cái không thuộc về mình, không xứng với mình, không phù hợp với mình, thậm chí dẫn mình tới sai phạm, kỷ luật, truy tố… nghe ra lại là đúng đắn. Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập tới “từ chối”, “từ nan” từ góc độ công tác của cán bộ, đảng viên, chứ không mở rộng ra các lĩnh vực, hoạt động khác.

Từ chối trong Từ điển Tiếng Việt là không chịu nhận cái được dành cho hoặc được yêu cầu.

Trong thực tế, muôn mặt của “từ chối” thể hiện trong nhiều trường hợp. Loại thứ nhất là từ chối theo hướng tích cực. Đó là việc kiên quyết không “bắt tay” với sai phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc, điều lệ Đảng; là việc thấy có kẻ đưa hối lộ, lót tay thì “dũng cảm” khước từ; thấy việc đề xuất, phối hợp sai nguyên tắc, cho dù có mang lại khoản “lợi” khổng lồ cũng quyết liệt từ chối, thậm chí phải chỉ rõ, vạch rõ trong cơ quan, tổ chức để làm sáng tỏ vấn đề… Nhìn lại bài học xót xa trong những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, thậm chí cả những người giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước gần đây, ở góc độ này, góc độ khác, có việc, họ không dũng cảm từ chối những cám dỗ vật chất; từ chối những việc mà họ biết, họ hiểu là sai, là vi phạm; từ chối cả việc dừng lại khi còn chưa muộn, khi manh nha nhận ra rằng, mình đang đứng bên bờ vực của sự sa ngã và có thể mất tất cả. Lời hối hận, ăn năn trước tòa của các bị cáo trong hàng loạt đại án tham nhũng lúc nào cũng có hai chữ “Giá như”. Hẳn nhiên, sẽ có những “giá như” biết từ chối mãnh lực của đồng tiền, của lợi ích nhóm, của tư túi cá nhân… Loại thứ hai là từ chối theo hướng tiêu cực, trong một số trường hợp còn gọi là “từ nan” như: tìm mọi cách không nhận việc khó, việc khổ; từ chối công việc, chức vụ mà bản thân cho là không mang lại bổng lộc, tiền bạc cho mình và gia đình; là việc lảng tránh, chối bỏ trách nhiệm của mình, chối lỗi, đổ lỗi cho cấp dưới khi xảy ra sai phạm… Ví dụ của “từ nan” thì “muôn màu, muôn vẻ”, nhưng xin nêu một điển hình. Không ít cán bộ, đảng viên đang giữ trọng trách ở cơ quan chính quyền liên quan tới kinh tế, đất đai, được tổ chức tín nhiệm giới thiệu giữ chức vụ trong Đảng, thậm chí đứng đầu hệ thống tuyên giáo, dân vận, nhưng tìm mọi cách để từ chối, thoái thác. Dĩ nhiên, lý do được nêu ra luôn là không phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ, tuổi cao nên xin tại vị đến khi về hưu… nhưng sâu xa hơn là cán bộ ấy, đảng viên ấy không muốn bỏ “vị trí” có thể mang lại nhiều lợi ích để đến với vị trí mà bản thân cho rằng “quyền rơm vạ đá”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”…

Vài phân tích và ví dụ nhỏ, không đủ để nói lên bức tranh muôn mặt của cái sự “từ chối” hay “từ nan”, nhưng đủ để thấy rằng, để từ chối (dĩ nhiên là từ chối theo hướng tích cực) thì chưa nhiều người nghĩ tới, hoặc làm được; nhưng để “từ nan” thì hình như dễ nghĩ ra nhiều cách, nhiều lý do để biện minh. Viện dẫn từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, việc “từ nan” đã được đề cập như một trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn” cần đấu tranh và loại bỏ.

Ngẫm lại, thấy thấm thía hơn lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Suy cho cùng, việc kiên quyết từ chối cám dỗ lợi ích, tiền tài bất chính và tiên phong, gương mẫu, không “từ nan”, cũng chính là góp phần làm trong sạch Đảng, là trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Để làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, phát huy tinh thần, trách nhiệm nêu gương.

Mỗi tổ chức cơ sở Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, để có thể tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức và ý thức trách nhiệm chính trị, tích cực, thường xuyên tiến hành công tác xây dựng Đảng. Luôn đi đầu trong phê phán, đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, lối sống vị kỷ, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung, dũng cảm “điểm mặt, chỉ tên” những thói hư tật xấu, những kiểu “từ chối” theo hướng tiêu cực, hay “từ nan” của bất kỳ cá nhân nào.

Trong bối cảnh toàn Đảng đã và đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, việc phát hiện, xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên thiếu dũng khí, không dám từ chối những cám dỗ của lợi ích nhóm, của vật chất, tiền tài, danh vọng, nhưng lại thẳng thừng “từ nan”, thoái thác nhiệm vụ được phân công, do ngại khó, ngại khổ… chính là góp phần loại trừ những “thói hư, tật xấu” trong Đảng, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng./.

Song Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất