(TG) - Dịch COVID-19 ban đầu chỉ là câu chuyện của Vũ Hán - Trung Quốc nhưng đến nay đã trở thành đại dịch toàn cầu. Chưa biết khi nào sẽ kết thúc nhưng dịch bệnh đã trở thành cuộc “sát hạch” thước đo năng lực quản trị của nhiều quốc gia, bất kể đó là quốc giàu, nghèo, to, nhỏ.
Đối diện với dịch bệnh, mỗi quốc gia có cách ứng xử và rút ra những bài học kinh nghiệm khác nhau. Trung Quốc hiện được coi là khá thành công trong các giải pháp dập dịch với số người mắc mới và số ca tử vong đều giảm. Trung Quốc đã đưa ra đề nghị và có những động thái hỗ trợ chuyên gia, trang thiết bị y tế đối với một số nước châu Âu đang quay cuồng trong cơn đại dịch.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đều khá thành công trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu các ca nhiễm mới và nguồn lây bệnh. Tuy ban đầu hơi chậm trễ, các nước trên sau đó đã thực thi nhiều giải pháp quyết liệt. Các giải pháp đồng bộ và hành động mạnh mẽ của nhà nước được cho là yếu tố then chốt đối với thành quả ngăn chặn đại dịch.
Trái ngược với châu Á, ngay từ đầu một số nhà nước và bản thân người dân Âu Mỹ khá thờ ơ và chủ quan với dịch bệnh. Tổng thống Trumph bị nhiều ý kiến phàn nàn về chỉ chú trọng đến khía cạnh kinh tế và “bầu cử” hơn là mặt xã hội, con người của dịch bệnh. Hàng ngàn tỷ đôla được bơm ra nhưng chủ yếu là để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, trong khi nhiều người dân không có đủ khẩu trang và không có tiền chi trả hóa đơn thanh toán lên đến hàng chục ngàn đôla cho mỗi ca bệnh. Có nước châu Âu ban đầu còn tính toán đến thuyết ưu sinh, phương án miễn dịch cộng đồng, cho phép dịch bệnh lây lan mạnh. Theo phương án đó, ước tính chỉ riêng nước Anh sẽ hơn 40 triệu ca nhiễm bệnh và khoảng hơn 2 triệu người chết. Hậu quả của sự chậm trễ đó đến nay là đóng cửa đất nước, cách ly hàng triệu cư dân với sự bùng phát dịch bệnh và hàng trăm người chết mỗi ngày tại Ý và Tây Ban Nha.
Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore phân tích, trong đại dịch, chế độ dân chủ “mỗi người một phiếu bầu” của phương Tây đứng trước thách thức rất lớn, thể hiện là khó xây dựng được một chính quyền hữu hiệu, dân chủ là ai cũng có thể nói, có thể kháng nghị.. . Minh chứng là sự thờ ơ, phản kháng ban đầu của dân chúng một số nước châu Âu đối với lệnh cách ly của nhà nước đã trở thành nguyên nhân nhân lây lan nhiều ổ bệnh.
Nạn dịch cũng khẳng định tính chất hữu hiệu của thể chế nhà nước thống nhất một khối, cho rằng rất ít quốc gia có thể động viên cả nước với quy mô lớn như Trung Quốc nhằm đối phó trận đại dịch này. Nhưng mặt khác, cũng có rất nhiều ý kiến coi mô hình nhà nước kiểu tập quyền của Trung Quốc là nguồn gốc làm cho nạn dịch loang rộng ra, cho rằng trong thời kỳ đầu, hiện tượng báo cáo thiếu trung thực của chính quyền địa phương, bưng bít thông tin, công tác phòng chống dịch bất lực và các lực lượng xã hội thiếu tham gia hữu hiệu là những nguyên nhân quan trọng.
Trận đại dịch cũng đã cho Việt Nam những bài học và kinh nghiệm riêng. Là một nước còn nhiều khó khăn, tiềm lực quốc gia không thể so sánh với điều kiện của Trung Quốc hay các nước châu Âu. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã gần như đạt đến mục tiêu tuyên bố kết thúc dịch với 17 ca lây nhiễm được khoanh vùng và chữa trị trong khi không phát hiện ca nhiễm mới Cho tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đã phát hiện và điều trị 179 ca nhiễm bệnh, đã có 75 người khỏi bệnh, đặc biệt không để xảy ra trường hợp tử vong vì COVID-19; các ca bệnh nặng đều có tiến triển về sức khỏe. Chúng ta cũng đã khẩn trương, kiên quyết khoanh vùng, kịp thời cách ly các “ổ dịch” được phát hiện. Phương tiện, trang bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch cơ bản được bảo đảm. Vấn đề đời sống, bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng, chống dịch được quan tâm. Nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai; nhiều doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân tích cực ủng hộ nguồn lực cho phòng, chống dịch.Có thể thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh cộng đồng là rất hiệu quả và rõ nét. Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Nhà nước đã có các giải pháp đồng bộ, từ đóng cửa biên giới, cách ly các điểm dịch, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan y tế chuyên môn, các cơ quan truyền thông và thậm chí là mỗi người dân. Trong giai đoạn dịch bắt đầu bùng phát hiện nay, vai trò của hệ thống chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy bài học quý giá về lòng yêu nước và sức mạnh cộng đồng. Tình cảm đại đoàn kết nhân dân phát huy vai trò và sức mạnh to lớn khi được dẫn dắt bởi những chủ trương đúng đắn của Đảng và sự thực thi của một bộ máy nhà nước tinh thông, hiệu quả.
Công tác truyền thông cũng là một bài học và kinh nghiệm quý. Đại dịch Covid-19 là mảnh đất màu mỡ cho những câu chuyện thêu dệt và hoang đường. Có những giải pháp chữa bệnh mang màu sắc mê tín như cầu kinh… có những thông tin như Hà Nội phun khử khuẩn trên cả bầu trời, uống thảo dược như gừng, tỏi… là khỏi bệnh, hay hôm nay đây có người ốm nặng, ngày mai ở kia có người chết vì dịch bệnh. Thông tin theo kiểu không kiểm chứng lan trên mạng xã hội nhanh gấp nhiều lần độ lây lan của những con virut Covid-19 có thể gây ra náo loạn và thiệt hại gấp nhiều lần đại dịch. Hay chỉ sau một tin đồn, hàng ngàn người ở Hà Nội trong đêm đã đổ xô tới các siêu thị “khuân” về cho gia đình mình từ gạo, mỳ tôm đến giấy vệ sinh để dự phòng. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin mặt trái đó, sự thắng thế của thông tin chính thống, những tấm gương tốt đẹp, những câu chuyện sẻ chia đầy tình cảm, những ý kiến phê bình với một số cá nhân từ nước ngoài về ích kỷ đòi hỏi đối với lực lượng chức năng, với đất nước đã lan toả, tạo tâm thế bình an xã hội.
Lần đầu tiên, những tin nhắn đồng loạt từ Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã giúp mỗi người dân tiếp cận được nguồn thông tin đúng để có cách ứng xử phù hợp. Càng đi vào cao trào chống dịch, thông tin trên các mạng xã hội, một cách tự nguyện, tự giác dường như đều trở nên đồng nhất và chuẩn xác hơn. |
“Đứng im khi Tổ quốc cần” là một trong nhiều status làm lay động lòng người. Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia vào cuộc của các lực lượng chức năng, sàng lọc và xử lý những đối tượng đưa thông tin sai thì chắc chắn sự hoang mang, những thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội sẽ rất nặng nề.
Đại dịch Covid-19 cho thấy không phải mọi thứ khoác áo dân chủ đều tốt, dân chủ không kèm theo tri thức, dân chủ chỉ để thoả mãn cái tôi ích kỷ cá nhân sẽ gây hại và đi ngược lại lợi ích chung xã hội. Trong mọi hoàn cảnh, một chính quyền mạnh luôn là cần thiết, đặc biệt trong việc kiểm soát và điều phối các điều kiện, nguồn lực và đặc biệt là thông tin.
Không thể buông vai trò thống nhất, chủ động trong công tác thông tin, dân chủ không có nghĩa là tự do đưa thông tin sai và và phát ngôn không đúng sự thật. |
Tinh thần đoàn kết dân tộc luôn là một giá trị hết sức quý báu. Đại dịch đã cho thấy một vòng tay Việt Nam luôn mở rộng sẵn sàng giang đón những người con thân yêu của mình, với cả bạn bè quốc tế lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Nhiều du khách nước ngoài sau cách ly đã xúc động và nói rằng Việt Nam đã để lại cho họ những ấn tượng và tình cảm quý giá không thể nào quên.
Đại dịch cũng đã khẳng định vai trò của hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị xã hội. Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngay trong ngày đầu phát động quyên góp nguồn lực ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 đã thu hút hàng chục tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn tham gia với kinh phí thu được là hơn 235 tỷ đồng. Cảm xúc và trách nhiệm cộng đồng được nhân lên từ tình cảm của những em đội viên nhịn ăn sáng góp sức nhỏ cho đến những doanh nghiệp lớn đóng góp hàng trăm tỷ cho phòng chống dịch. Kỷ niệm 89 năm thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26-3 năm nay sôi động trong lặng lẽ với hàng triệu đoàn viên thanh niên chia sẻ thông tin chống dịch trên mạng xã hội, quyên góp, lắp đặt hàng ngàn trạm rửa tay… chuẩn bị tham gia phục vụ cho những ngày gian khó phòng chống dịch vẫn còn ở phía trước
Cơn dịch Covid-19 chưa biết khi nào sẽ qua, trường học, các cửa hàng, doanh nghiệp có thể sẽ bị tạm đóng cửa trong thời gian dài, nguồn cung bị gián đoạn, GDP sụt giảm. Hậu quả nhãn tiền, nhưng đây cũng là cơ hội để rút ra và vận dụng triển khai những bài học quý về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kiểm soát thông tin và sẻ chia nhân lên những giá trị thiêng liêng, tốt đẹp của tình cảm gia đình, cộng đồng và toàn dân tộc./.
TS.Nguyễn Phú Trường