Nhiều vấn đề xung quanh việc quản lý và
hút vốn ODA cho hạ tầng giao thông được mổ xẻ tại hội thảo “Thực trạng
quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn
2011-2016” do đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, tổ
chức tại Đà Nẵng hôm qua (5/3).
Kích cầu phát triển giao thông
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ
KH&ĐT, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc
tế thời kỳ 2011-2016 của Việt Nam là 33,857 tỷ USD, cao hơn 57% so với
thời kỳ 2006-2010. Giai đoạn này giải ngân của các nhà tài trợ lớn như
WB, Nhật Bản đã có những tiến bộ vượt bậc, đạt hơn 26,9 tỷ USD. “Riêng
lĩnh vực giao thông, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong giai
đoạn 2011-2016 chiếm tỷ trọng cao nhất (34,63%) trong cơ cấu nguồn vốn
ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ này”, ông Hiếu nói.
Theo ông
Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội,
Việt Nam đang chuyển dần từ vay và hỗ trợ vật chất cho các dự án, các
công trình sang những yêu cầu cao hơn như nâng cao năng lực, tri thức
mềm, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Vấn đề thách thức hiện
nay là cơ cấu giữa ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương. Việc giải
quyết vốn vay nước ngoài cho các địa phương phải đảm bảo sự năng động,
thân thiện, toàn diện giữa các vùng. Hiện nay, nguồn vốn hạn chế, càng
khó vay, nên ưu tiên cho những lĩnh vực có hiệu quả như giao thông.
|
Cũng theo ông Hiếu, nhiều công trình, dự
án trọng điểm quốc gia sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi như cao
tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM-Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh
Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga hành khách
quốc tế T2 sân bay Nội Bài... góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống
cơ sở hạ tầng, KT-XH, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối
cảnh hội nhập sâu rộng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND
TP.HCM chia sẻ, từ năm 2011 đến nay, TP.HCM đã vận động được 13 dự án
mới và bổ sung từ vốn vay ODA cho 3 dự án đang triển khai với tổng vốn
gần 50 nghìn tỷ. “Nhiều dự án từ vốn ODA đã hoàn thành góp phần phát
triển KT - XH, giao thông của thành phố như: Đại lộ Đông- Tây, dự án đầu
tư nạo vét luồng Soài Rạp”, ông Tuyến nói.
Ông Lê Quang Thuận, Trưởng Ban Tài chính
quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho
rằng, nguồn vốn ODA được đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực hạ tầng giao thông,
phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ có các chương trình, dự án ODA
mà nhiều công trình giao thông mới được xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu
cầu đi lại, vận tải hàng hóa, dịch vụ.
“Đây là khoản đầu tư có tính lan tỏa
cao, kết nối các vùng miền và các quốc gia láng giềng, tạo đà tăng
trưởng kinh tế. Điều này dễ nhận biết bởi các địa phương có hệ thống
giao thông huyết mạch được đầu tư bằng vốn ODA kết nối với các trung tâm
như Hà Nội, TP.HCM đều đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao”, ông Thuận
đánh giá.
Cần quản lý hiệu quả
Theo nhiều chuyên gia, điểm đáng lo ngại
nhất là tình hình ký kết vốn ODA có chiều hướng giảm dần trong thời kỳ
2011-2016. Nguyên nhân được chỉ rõ do một số nhà tài trợ giảm dần hoặc
có kế hoạch chấm dứt chương trình viện trợ chính thức dành cho Việt Nam.
Một số nhà tài trợ khác chuyển từ ODA vốn vay ưu đãi sang vay với điều
kiện kém ưu đãi hơn. Bên cạnh đó, thể chế quản lý, sử dụng ODA và vốn
vay ưu đãi chưa theo kịp và đồng bộ với những thay đổi về luật pháp
trong nước về đầu tư công và sự thay đổi các chính sách của nhà tài trợ
khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình; việc lập kế hoạch giải
ngân không phù hợp với tiến độ thực hiện.
Theo ông Tuyến, để sử dụng vốn ODA hiệu
quả cần xây dựng những cơ chế quản lý phù hợp. “Chúng tôi thành lập tổ
công tác và đang xây dựng quy chế quản lý nợ chính quyền của TP.HCM.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới đánh giá hiệu quả
quản lý nợ địa phương nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý và sử dụng
nợ chính quyền địa phương”, ông Tuyến chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó cục trưởng Cục
Kế toán Nhà nước - Kho bạc Nhà nước Trung ương cho rằng, để quản lý vốn
vay ODA hiệu quả cần bố trí dự toán hàng năm gắn với hiệp định đã ký kết
vay vốn ODA và lộ trình giải ngân cam kết với nhà tài trợ để đưa vào dự
toán ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. “Vay vốn ODA chỉ nên
đầu tư dự án trọng điểm quốc gia và khu vực về giao thông và thủy lợi,
như vậy chỉ chi ở ngân sách Trung ương. Địa phương muốn sử dụng vốn ODA
cần phải áp dụng theo cơ chế vay lại. Khi đó, việc sử dụng vốn ODA sẽ
tiết kiệm, hiệu quả. Cơ quan, tổ chức nào vi phạm quy định về quản lý
vốn vay ODA thì phải xử lý theo quy định của điều 18 Luật Ngân sách Nhà
nước”, ông Hào đề xuất./.
Theo baogiaothong.vn