Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 13/5/2012 1:49'(GMT+7)

Quan hệ Anh - Pakistan liệu đã xóa hết rào cản?

Anh không thể thành công ở Afghanistan nếu không có sự hợp tác của Pakistan. (Ảnh minh hoạ)

Anh không thể thành công ở Afghanistan nếu không có sự hợp tác của Pakistan. (Ảnh minh hoạ)

Từ ngày 8 - 12/5, Thủ tướng Pakistan Gilani thăm Anh để tham dự hội nghị đánh giá đối thoại chiến lược thường niên lần thứ nhất, và có cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron. Là đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, nhưng mối quan hệ Anh và Pakistan cũng có không ít rạn nứt.

Hội nghị đánh giá đối thoại chiến lược thường niên lần thứ nhất giữa Pakistan và Anh được tổ chức, nhằm đánh giá mối quan hệ song phương giữa hai nước, thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm như chống khủng bố, tình hình ở Afghanistan và các vấn đề liên quan đến khu vực Nam Á.

Là đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động, nhưng quan hệ Anh và Pakistan cũng trải qua không ít sóng gió và có lúc dường như rơi vào trạng thái đóng băng. Còn nhớ, năm 2010, vụ rò rỉ tài liệu mật của cơ quan tình báo quân sự Mỹ về cuộc chiến Afghanistan trên mạng Wikileaks đã đốt nóng dư luận Mỹ và các quốc gia gửi binh sĩ hỗ trợ chiến trường này.

Theo các tài liệu được "giải mật", Cơ quan Tình báo (ISI) Pakistan đã ngầm hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở Afghanistan. Mặc dù ngay lập tức bác bỏ tính xác thực của những thông tin này, nhưng từ sau sự kiện đó, Pakistan bị cáo buộc là “chơi hai mặt”, khi vừa hứa với Mỹ sẽ truy sát khủng bố nhưng mặt khác lại tiếp tay cho thế lực này. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ Anh và Pakistan rơi vào tình trạng căng thẳng.

Thủ tướng Anh, trong chuyến thăm Ấn Độ ngay sau đó, đã tuyên bố Pakistan chưa nỗ lực đầy đủ chống khủng bố và chỉ trích một số thành viên trong giới chức Islamabad khuyến khích "xuất khẩu khủng bố"... Đáp lại, Hội đồng Lập pháp tỉnh Biên giới Tây Bắc (Pakistan) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ nước này hãy cắt đứt mọi quan hệ với Anh.

Căng thẳng giữa hai nước được coi là đồng minh trên cùng một mặt trận chống khủng bố kéo dài 9 tháng. Và phải đến tháng 4/2011, chuyến công du 1 ngày đến Pakistan của Thủ tướng Anh David Cameron mới phần nào hàn gắn vết rạn nứt giữa hai nước.

Nhận thấy những mối quan tâm chung, những lợi ích chung, hai nhà lãnh đạo khẳng định mối quan hệ giữa Anh và Pakistan là "không thể phá vỡ". Thậm chí, Tổng thống Pakistan còn cho rằng "đây là mối quan hệ hữu nghị không bao giờ đổ vỡ, dù xảy ra bất cứ điều gì". Những tuyên bố làm nồng ấm mối quan hệ này đi kèm với những biên bản hợp tác.

Anh đề nghị viện trợ 650 triệu bảng để Pakistan phát triển giáo dục, đổi lại Pakistan sẽ tăng cường hợp tác an ninh tình báo với Anh. Hai nước cũng thống nhất thành lập trung tâm huấn luyện hỗn hợp, nhằm trao đổi kiến thức về cách đối phó lực lượng khủng bố tại Pakistan và Afghanistan.

Những dấu hiệu tích cực đó chưa thể khẳng định chắc chắn khúc mắc về lòng tin giữa hai nước đã được tháo gỡ hoàn toàn, nhưng rõ ràng cả hai đều cần đến nhau và hướng đến mục tiêu đôi bên cùng có lợi. Điều này cũng dễ thấy bởi chính Thủ tướng Cameron cũng phải thừa nhận rằng, không thể thành công ở Afghanistan nếu không có sự hợp tác của Pakistan.

Sự trợ giúp của Pakistan là cần thiết để một nền hòa bình sớm được vãn hồi ở Afghanistan. Và chỉ có vậy, Anh, Mỹ và đồng minh mới có thể rút quân khỏi đây càng sớm càng tốt. Còn Pakistan cũng tranh thủ sự hỗ trợ của Anh để ổn định tình hình trong nước và đối phó hiệu quả với Taliban.

Hơn 10 năm qua, mỗi năm Pakistan đã nhận hàng tỷ đô la viện trợ quân sự và kinh tế từ Mỹ và các nước đồng minh trong đó có Anh, để đổi lại việc Islamabad hợp tác trong cuộc chiến dai dẳng chống khủng bố. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc chiến ở Afganistan đang đi đến hồi kết, vấn đề an ninh sau hậu chiến, các khoản viện trợ là điều mà Pakistan quan tâm và muốn đặt lên bàn thương thảo với Anh - một thành viên của NATO.

Nhìn vào những thực tế đó, xem ra, hội nghị đánh giá đối thoại chiến lược thường niên lần này, cả Anh và Pakistan đều muốn củng cố lòng tin giữa hai bên, nhằm đi đến một sự hợp tác có lợi cho cả hai./.

(Thanh Huyền/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất