Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Manohan Singh, Tổng Bí thư Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà
nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 19 đến ngày 22/11.
Ấn Độ có trên 5.000 năm lịch sử, là một trong những cái nôi văn minh của
loài người và là nước đa văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Với
diện tích 3,3 triệu km2, dân số 1,24 tỷ người, Ấn Độ là nước lớn nhất ở
Nam Á.
Nền kinh tế Ấn Độ lớn thứ 4 thế giới tính theo sức mua bình quân, với
GDP đạt gần 2000 tỷ USD. Ấn Độ đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12
với mục tiêu tăng trưởng trung bình 9%/năm.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang gặp phải một số khó khăn như tăng trưởng kinh tế
trong năm tài khóa 2012-2013 chỉ đạt trên 5%, đồng tiền mất giá.
Trong thực hiện chính sách đối ngoại, Ấn Độ ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối
tác chiến lược với các nước lớn; tăng cường, cải thiện quan hệ với các
nước láng giềng; triển khai mạnh chính sách hướng Đông, trong đó coi
trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á, nâng cấp quan hệ với ASEAN lên
đối tác chiến lược; phát huy vai trò trên trường quốc tế và Liên hợp
quốc.
Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành
từ những thập niên đầu thế kỷ 20, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng
Jawaharlan Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai
nước dày công vun đắp.
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972; thiết lập quan hệ
Đối tác toàn diện bước vào thế kỷ 21 vào năm 2003. Tháng 7/2007, hai bên
chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Hơn 40 năm qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác
chiến lược, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng phát triển, ngày
càng đi vào chiều sâu; quan hệ song phương mở rộng trên tất cả các lĩnh
vực.
Ấn Độ có nhiều đảng phái chính trị khác nhau, nhưng đều có cảm tình và
coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ luôn khẳng định coi Việt
Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách "hướng Đông." Hai nước có
nhiều điểm tương đồng và lợi ích chung, thường xuyên hợp tác, ủng hộ lẫn
nhau và chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề tại các diễn đàn khu vực và
đa phương.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước chưa tương
xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Kim ngạch thương mại hai chiều
giữa hai nước chỉ đạt 3,94 tỷ USD năm 2012, 5 tháng đầu năm 2013 đạt
trên 2,2 tỷ USD.
Hai bên nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và theo hướng giảm nhập siêu của Việt Nam.
Ấn Độ hiện có 73 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực với vốn đăng ký
hơn 253 triệu USD, đứng thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào
Việt Nam, tính đến tháng 6/2013.
Mới đây, Tập đoàn điện TATA được chỉ định làm nhà thầu dự án điện Long
Phú 2 tại Sóc Trăng. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam
từ trước đến nay. Ngược lại, Việt Nam đầu tư sang Ấn Độ 3 dự án tổng
vốn đang ký 23,6 triệu USD.
Hợp tác khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch giữa Việt Nam và
Ấn Độ tiếp tục được đẩy mạnh. Hai Chính phủ đã ký Hiệp định về hợp tác
Khoa học và Kỹ thuật năm 1978.
Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công
nghệ Ấn Độ đã thành lập tiểu ban Việt Nam-Ấn Độ về Khoa học và Công
nghệ.
Đến nay, hai bên đã tiến hành 9 khóa họp tiểu ban, triển khai được 13 dự
án nghiên cứu chung thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), công nghệ
sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu, khoa học biển và các công
nghệ then chốt khác.
Trong chương trình hợp tác về công nghệ sinh học 2012, phía Ấn Độ đã
giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia và cán bộ nghiên cứu...
Ngoài ra, Ấn Độ giúp Việt Nam nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn và dài
hạn với hơn 150 suất học bổng các loại hàng năm, cả song phương và đa
phương, trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học,
tiếng Anh và viễn thám.
Ấn Độ mở Trung tâm đào tạo tiếng Anh ở Đà Nẵng và nhất trí mở Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại Học viên Ngoại giao Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam và Ấn Độ không ngừng đẩy mạnh giao lưu văn
hóa tại mỗi nước. Hai nước đã gia hạn chương trình giao lưu văn hóa
giữa Việt Nam và Ấn Độ và triển khai thành công "Năm hữu nghị Việt
Nam-Ấn Độ 2012" với nhiều hoạt động sôi nổi tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí
Minh.
Hai bên đang thúc đẩy mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội và khôi phục
Tháp Chàm tại Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu nhân dân,
trong đó có việc kết nghĩa giữa các thành phố của hai nước... cũng được
thúc đẩy.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm
tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại của Đảng,
Nhà nước và tăng cường quan hệ gắn bó với Ấn Độ, một đối tác truyền
thống, quan trọng của Việt Nam trong khu vực; mở rộng và làm sâu sắc nội
hàm của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ, đưa hợp tác song
phương trên 5 trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều
sâu, thực chất, thúc đẩy hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa
hai nước.
Chuyến thăm còn nhằm thúc đẩy và mở rộng quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt
Nam với các đảng phái chính trị tại Ấn Độ, giữa Quốc hội và nhân dân
hai nước, tạo nền tảng chính trị phát triển quan hệ truyền thống giữa
Việt Nam và Ấn Độ.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu
vực và quốc tế cùng quan tâm, về việc tăng cường phối hợp và hợp tác
trên các diễn đàn đa phương./.
Thanh Hải (TTXVN)