Thứ Bảy, 30/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 15/11/2013 20:51'(GMT+7)

Tập huấn tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) cho phóng viên, biên tập các cơ quan thông tấn báo chí năm 2013.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng  định, CVĐ không phải là việc bảo hộ mậu dịch cho các doanh nghiệp trong nước mà chỉ là việc tuyên truyền, khuyến khích định hướng người tiêu dùng quan tâm hơn tới hàng hóa trong nước. Với dân số 90 triệu dân sẽ tạo nên sức mua khá lớn. Ông cho rằng,  CVĐ đã làm thay đổi quan điểm của nhiều doanh nghiệp cũng như người triêu dùng rằng hàng tốt chỉ dành cho xuất khẩu, còn hàng xấu, hoàng “loại 2”  mới để bán trong nước.  Trong những năm CVĐ đã phát huy hiệu quả đáng khích lệ. Lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng nhiều. Đặc biệt người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ lớn. Việc lưu thông cũng đã được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa đến khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa đã được triển khai sâu rộng.

Hơn 3 năm thực hiện mảng thông tin truyền thông cho cuộc vận động đã có nhiều thay đổi.  Phát huy được lòng yêu nước, ý chí tự hào, tự tôn dân tộc. Tạo tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng của người dân cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp giới kinh doanh đã nhận thức sâu đậm hơn được trách nhiệm của mình, trong vấn đề sản xuất kinh doanh phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa...

Tại hội nghị tập huấn, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí được nghe 2 chuyên đề. Chuyên đề thứ nhất do đồng chí Lê Bá Trình - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày về nội dung Tổng quan công tác chỉ đạo của Trung ương về Cuộc vận động, kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Cuộc vận động, những định hướng triển khai trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Bá Trình nhấn mạnh, sau 3 năm triển khai Cuộc vận động, về công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo cấp uỷ các cấp đã kịp thời hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền về Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ đảng, đoàn thể nhân dân, nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội liên quan đến tổ chức triển khai Cuộc vận động. Ngành thông tin và truyền thông thường xuyên phối hợp với ban tuyên giáo, hội nhà báo các cấp hướng dẫn, định hướng các cơ quan báo chí về việc tuyên truyền cuộc vận động.

Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hoá, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, góp phần đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại.

57 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện được 1.443 hội chợ, triển lãm; 54 tỉnh, thành phố đã tổ chức được gần 1.150 đợt bán hàng về nông thôn. Bộ Công thương đã phê duyệt gần 370 đề án xúc tiến thương mại. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động.

Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng quy mô cung - cầu của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế thế giới và khó khăn của kinh tế đất nước. Trong 10 tháng đầu năm 2012, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.917,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, kinh doanh thương nghiệp đạt 1.478,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 16,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt 187,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó xuất khẩu đạt 93,8% tỷ USD, tăng 18,9% và nhập khẩu đạt 93,7 tỷ, tăng 6,7% so với 10 tháng năm 2011.

Về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ đến năm 2013, đồng chí Lê Bá Trình khẳng định cần phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, tinh thần chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ; tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của mọi người dân Việt Nam trong thực hiện Cuộc vận động. Qua đó, góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ; phát triển và mở rộng thị trường nội địa, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2015, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên sắm hàng hoá sản xuất trong nước khi  mua sắm công. 100% cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục định kỳ về cuộc vận động. 100% các tổ chức đoàn thể các cấp tuyên truyền về Cuộc vận động và vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng cuộc vận động. 90% cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Giảm 50% hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. 80% người tiêu dùng ưu tiên hàng hoá thương hiệu Việt, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Đồng chí Lê Bá Trình cũng lưu ý phóng viên, biên tập viên tập huấn một số vấn đề trong công tác tuyên truyền như làm thế nào để cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân các cấp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của cuộc vận động, tạo nên sự đồng thuận cao và quyết tâm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động ở mọi cấp, mọi ngành. Báo chí và truyền thông góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, hàng hoá tốt của Việt Nam. Tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội để xây dựng văn hoá sản xuất, tiêu dùng: kịp thời biểu dương, tôn vinh; tạo dư luận xã hội phê phán, lên án và bài trừ những hành vi tiêu cực trong sản xuất và tiêu dùng. Hỗ trợ và cung cấp thông tin để các cơ quan pháp luật, làm công tác quản lý nhà nước xử lý những vấn đề về thị trường nhanh, chính xác, đủ sức răn đe và tạo niềm tin trong xã hội.

Chuyên đề thứ hai do bà Lê Việt Nga Phó Vụ truởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển thị trường trong nước đối với hàng Việt Nam và phương hướng phát triển trong thời tới.

Bà Lê Việt Nga cho biết, để phát triển thị trường trong nước về hàng Việt Nam, cần chú ý tới chương trình thông tin và truyền thông, quảng bá, tôn vinh hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý tới chương trình sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu trong nước sản xuất được ngày càng mở rộng, chương trình mở rộng và đa dạng hoá kênh phân phối hàng Việt; hoạt động mở rộng kết nối cung cầu từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử.

Trong thời gian tới, bà Lê Việt Nga  nhấn mạnh cần thực hiện nhóm các giải pháp như sau: Nhóm giải pháp giúp thay đổi về nhận thức và hành vi đối với cộng đồng hàng Việt; nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt; nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, với giai đoạn 2014-2015, cần hỗ trợ xây dựng thí điểm chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” cho khoảng 50-60 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương để truyền thông về Cuộc vận động lồng ghép với việc quảng bá, tuyên truyền cho doanh nghiệp Việt uy tín (ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa); hỗ trợ xây dựng 1 chương trình thông tin, tuyên truyền “Tự hào hàng Việt Nam”  trong cộng đồng, đoàn thể; phát triển hiệu quả 1 cổng thông tin “Tự hào hàng Việt Nam”  giới thiệu, quảng bá hàng Việt trực tuyến; xây dựng 1 chương trình xác nhận và công  bố, quảng bá các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu trong nước đã sản xuất được với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; tổ chức 2 chương trình Nhận diện Hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” thường niên trên quy mô toàn quốc; tổ chức vinh danh và trao giải  “Tự hào Việt” cho các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động.

Tại hội nghị tập huấn, các học viên, đại biểu đã có dịp trao đổi thảo luận giữa Doanh nghiệp với các cơ quan thông tin đại chúng để Cuộc vận động đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Ông Phan Sỹ Minh – Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần sữa Quốc tế IDP và bà Hoàng Thị Thục, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã Chè Thiên Phú An đã giới thiệu về sản phẩm của mình.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất