Thứ Bảy, 30/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 12/11/2013 22:35'(GMT+7)

Thực trạng tiếp cận công lý và bảo vệ các quyền cơ bản cho người dân

Tiếp nối sự thành công của Hội thảo giới thiệu báo cáo “Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh – PAPI 2012” diễn ra tháng 7/2013, ngày 12-11, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Dự án “Tăng cường cung cấp và trao đổi thông tin lập pháp giữa các cơ quan của Quốc hội Việt Nam” do Cơ quan phát triển Liên hợp Quốc UNDP hỗ trợ trân trọng tổ chức một buổi giới thiệu đến các đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo về “Chỉ số công lý – Thực trạng về Công bằng và Bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012” .

Theo Báo cáo, hơn 20% tranh chấp lao động, khiếu nại chính sách xã hội và môi trường không được giải quyết; gần 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường đang tồn đọng, chưa được giải quyết xong; tranh chấp kinh tế và dân sự được giải quyết tốt hơn các loại tranh chấp khác, tỷ lệ đã giải quyết hơn 70%...

Báo cáo đưa ra những phát hiện chung như: Bảo đảm các quyền cơ bản trên thực tế còn hạn chế (như quyền biểu tình, tự do lập hội, tự do báo chí); Hiện diện của bất bình đẳng về quyền, cơ hội và tiếp cận các thiết chế công được ghi nhận ở các nhóm dân cư yếu thế (người có học vấn thấp, người nghèo, phụ nữ); Tiếp cận toà án và các thiết chế bổ trợ tư pháp còn rất hạn chế. Cơ quan hành chính nhà nước địa phương có vai trò chủ đạo trong giải quyết vướng mắc và tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính; Hiệu quả của các thiết chế công còn hạn chế: thời gian thụ lý, kết quả giải quyết; Người dân kỳ vọng vào một hệ thống tư pháp hiệu quả, nghiêm minh và chuyên nghiệp hơn.

Từ đó, báo cáo đưa ra định hướng chính sách: Cần tiếp tục cải cách tư pháp và nâng cao hiệu lực của pháp luật để đảm bảo công lý cho người dân. Xây dựng hệ thống tư pháp hiện đại, hữu hiệu, liêm chính và dân chủ, đáp ứng các yêu cầu của người dân – “của dân, do dân và vì dân”. Sử dụng Chỉ số Công lý trong công tác theo dõi, giám sát và đánh giá tiến trình cải cách tư pháp ở các địa phương

Về khuyến nghị chung, báo cáo cũng nêu rõ: Các quyền hiến định cần được luật định. Người dân cần được biết về các quyền cơ bản của mình và có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm tôn trọng và bảo vệ các quyền này trên thực tế. Hiệu quả của các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự cần được tăng cường: giảm thời gian thụ lý, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả và cải thiện niềm tin của người dân vào các thiết chế công. Dịch vụ hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp cần tiếp tục được cải thiện, đảm bảo thân thiện và dễ tiếp cận với người dân, đặc biệt là người nghèo, nhóm yếu thế. Vai trò của các cơ quan dân cử trong giám sát hoạt động tư pháp cần được tăng cường và cụ thể hoá.

Về đề xuất cụ thể, với các cơ quan quản lý nhà nước, cần rà soát về thủ tục hành chính tư pháp, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, tăng cường dân chủ cơ sở. Cần rà soát thủ tục và thực tế cấp GCNQSDĐ cho người dân ở địa phương; cần đối xử công bằng với người dân cũng như với doanh nghiệp trong sử dụng và tiếp cận đất đai. Cần rà soát công tác giải quyết khiếu nại hành chính ở địa phương, giải quyết thỏa đáng và hiệu quả yêu cầu của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, tập trung vào các chuyên đề về Hiến pháp, các quyền cơ bản của công dân cũng như cơ chế và biện pháp người dân có thể sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nâng cao thái độ và phong cách chuyên nghiệp của cán bộ nhà nước; tăng cường trách nhiệm giải trình. Rà soát việc thực thi các chính sách xã hội với người nghèo, người nhập cư, và các nhóm yếu thế để đảm bảo tốt hơn công bằng xã hội.

Với cơ quan tư pháp/toà án, các biện pháp cụ thể cần được triển khai để cải thiện niềm tin của của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống toà án theo hướng dễ tiếp cận, liêm chính và nghiêm minh

Với các cơ quan dân cử, sử dụng kết quả và thông tin từ Chỉ số Công lý (và các chỉ số quản trị nói chung) như một công cụ chính sách cung cấp cho Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, và Hội đồng Nhân dân các cấp những thông tin, dữ liệu khách quan về hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng và hệ thống các cơ quan công quyền nói chung

Báo cáo trên là thành quả hợp tác nghiên cứu của Hội Luật gia Việt Nam (VLA), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Dựa vào các kinh nghiệm khảo sát về tiếp cận công lý đã được tiến hành trước đây, chỉ số Công lý giới thiệu một hướng tiếp cận mới để đánh giá kết quả tiến trình cải cách luật pháp và tư pháp đang diễn ra. Chỉ số này dựa trên kinh nghiệm thực tế của hơn 5.000 người dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội đang sinh sống ở 21 tỉnh, thành trên khắp đất nước Việt Nam, phản ánh năm khía cạnh của quản trị công lý và chế độ pháp quyền theo ý kiến và sự trải nghiệm của người dân, cụ thể là khả năng tiếp cận, sự bình đẳng, tính liêm khiết, độ tin cậy và tính hiệu quả, cùng với việc bảo đảm các quyền cơ bản.

Báo cáo này sẽ giúp các đại biểu Hội đồng nhân dân có được bức tranh toàn cảnh về thực trạng tiếp cận công lý và bảo vệ các quyền cơ bản cho người dân cũng như hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính ở Việt Nam hiện nay.

PV

           

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất