Tiếp tục kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại
tổ, thảo luận, cho ý kiến về về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng, đại biểu Trần Tiến
Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật cần quy định một
cách toàn diện, quy định rõ những việc nào thuộc lĩnh vực công chứng,
lĩnh vực nào thuộc về chứng thực. Chủ trương xã hội hóa hoạt động công
chứng là đúng đắn nhưng cần có những quy định đảm bảo sự quản lý chặt
chẽ của nhà nước. Dự án Luật cần quy định rõ nội dung, phương thức,
trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.
Đại biểu Trần Tiến Dũng cũng đề nghị Luật nên mở rộng quy định đối với
các nhóm đối tượng trước đây đã là công chứng viên được bổ nhiệm theo
Nghị định 75 năm 2000 của Chính phủ. Đó là những công chức nhà nước
nhưng do công việc nên được điều chuyển đi làm công tác khác. Đây là
những đối tượng không cần phải bồi dưỡng kiến thức, mà có thể hành nghề
công chứng viên tại các văn phòng công chứng của Ủy ban Nhân dân huyện,
xã.
Tham gia góp ý kiến, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) không đồng tình
với quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về bản dịch công
chứng bởi theo đại biểu quy định về tiêu chuẩn công chứng viên của dự án
Luật không có yêu cầu công chứng viên phải thông thạo ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, đại biểu Ngô Văn Minh cũng đề nghị ban soạn thảo cần có chế
tài ràng buộc để thực hiện quy định văn phòng công chứng phải mua bảo
hiểm. Bởi, chưa có ai quản lý việc các văn phòng công chứng có mua bảo
hiểm hay không.
Đại biểu kiến nghị dự án Luật cần quy định văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm trước mới dược cấp phép hoạt động./
Phúc Hằng (TTXVN)