Trên tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt, năm 2013 việc thực hiện các
thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào đã đạt được mục tiêu đề
ra, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước tiếp tục được củng cố
vững chắc.
Trong các ngày từ 26 - 31/10, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Phó
Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam-Lào Cao Viết Sinh và Phó Chủ tịch
Phân ban hợp tác Lào-Việt Nam Phonesouk Khounsombath đã đồng chủ trì
cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai
Chính phủ Việt Nam-Lào năm 2013; chuẩn bị nội dung kỳ họp Ủy ban liên
Chính phủ hai nước lần thứ 36 vào đầu năm 2014.
Trên tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt, năm 2013 việc thực hiện các
thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào đã đạt được mục tiêu đề
ra, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước tiếp tục được củng cố
vững chắc.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Việt Nam đã có 413 dự án đầu
tư sang Lào với tổng số vốn trên 4,9 tỷ USD. Riêng 10 tháng qua, Việt
Nam có 12 dự án đầu tư tại Lào, với tổng số vốn trên 138 triệu USD. Đặc
biệt, hai bên đã tích cực phối hợp triển khai có hiệu quả các dự án hợp
tác về thương mại, giáo dục, an ninh trật tự khu vực biên giới...
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam-Lào Cao Viết Sinh
nhấn mạnh nhìn lại năm qua, hai nước Việt Nam-Lào đã triển khai hợp tác
trên nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục thực hiện.
Trên cơ sở truyền thống hợp tác, hữu nghị giữa hai nước, hai bên sẽ tìm
ra những giải pháp thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trên tinh thần xây
dựng, hợp tác để hai nước ngày càng phát triển, tiến bộ.
Phó Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào-Việt Nam Phonesouk Khounsombath cho
rằng: với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của hai Chính phủ, hai bên đã
triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đạt kết quả tốt. Đây là năm
thứ 2 hai bên thực hiện chương trình viện trợ không hoàn lại; hình thức
này đem lại hiệu quả và cần được tiếp tục nhân rộng.
Ông Phonesouk cũng nêu ra một số vướng mắc cần giải quyết trong thời
gian tới, đó là một số lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhiều dự án còn
chậm tiến độ; đề nghị hai Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu để đưa kim
ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng cao; tiếp tục hợp tác trong
lĩnh vực giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cũng như một số lĩnh vực
quan trọng khác.
Cuộc họp đã thông qua báo cáo kết quả phiên họp cấp chuyên viên hai phân
ban hợp tác Việt Nam-Lào (ngày 29/10/2013) với 6 nhóm nội dung: Hợp tác
về chính trị-ngoại giao và an ninh-quốc phòng, hợp tác về giáo dục-đào
tạo và phát triển nguồn nhân lực, hợp tác về đầu tư trực tiếp của doanh
nghiệp, hợp tác về thương mại, hợp tác về giao thông vận tải và hợp tác
về sử dụng vốn viện trợ.
Theo đó, việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước tại Hiệp
định hợp tác năm 2013 đã ký giữa hai Chính phủ về cơ bản đạt mục tiêu đề
ra. Trong đó, quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam-Lào tiếp tục được
củng cố vững chắc. Tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào cơ bản ổn
định, an ninh trật tự tại khu vực biên giới được giữ vững.
Hai bên đã ký kết Thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết vấn đề
người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới; các dự
án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới và cụm bản phát triển được
triển khai tốt, đúng tiến độ. Hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân
lực tiếp tục được ưu tiên, có chuyển biến tích cực. Đầu tư của doanh
nghiệp Việt Nam vào Lào vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu các nước và vùng lãnh
thổ có doanh nghiệp đầu tư tại Lào.
Hai bên đã tích cực phối hợp triển khai các thỏa thuận về hợp tác phát
triển thương mại; tăng cường hợp tác trong thương mại biên giới và trong
lĩnh vực quản lý thị trường. Các dự án sử dụng vốn viện trợ của Việt
Nam dành cho Lào về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tiến độ đề ra. Hai
bên đã tiến hành ký kết Hiệp định hợp tác về lao động Việt Nam-Lào.
Trên cơ sở đó, hai bên cũng trao đổi, thống nhất các nội dung hợp tác
cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy. Đặc biệt là chương trình xây dựng các
cụm bản; xây dựng Quy chế quản lý lưu học sinh người nước ngoài học tại
Việt Nam; xây dựng nhà máy thủy điện Xêkamản 1, Xêkamản 3; thực hiện các
chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ...
Hai bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận một số vấn đề còn vướng mắc,
khó khăn trên một số lĩnh vực hợp tác; trao đổi ý kiến về phương hướng
hợp tác và bàn các giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời
gian tới./.
Trần Tĩnh (TTXVN)