Khai thác gắn với đầu tư bảo tồn
Với phương châm đầu tư, tu bổ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các công trình phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đến nay trên Vịnh Hạ Long đã triển khai đầu tư nhiều dự án công trình như tại khu vực động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti Tốp, bãi tắm Soi Sim, Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn....
Các công trình, dự án trên cơ bản tuân thủ theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020, đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ được các giá trị tự nhiên, vừa làm tăng giá trị và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, góp phần quan trọng phục vụ phát triển du lịch Vịnh Hạ Long.
Cùng với các hoạt động quản lý, bảo tồn, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ, giao lưu quốc tế, tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như: Ủy ban Di sản thế giới, Trung tâm Di sản thế giới, mạng lưới các Di sản thiên nhiên thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Diễn đàn Du lịch Đông Á (EATOF ), Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, tổ chức NewOpenWorld , Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)….
Từ các mối quan hệ trên, nhiều hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế, văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực du lịch đã được triển khai, nhiều chương trình dự án được tài trợ thực hiện, từng bước đưa công tác quản lý Di sản hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo tồn Di sản-Kỳ quan thế giới, nâng cao vị thế, uy tín và góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long và Quảng Ninh, Việt Nam ra thế giới.
Để tạo thêm các sản phẩm, các tuyến điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long, đồng thời giảm áp lực của khách du lịch tại vùng lõi của Di sản, tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định công nhận thêm 3 tuyến tham quan mới trên Vịnh Bái Tử Long nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho khách tham quan và tạo thuận lợi, cơ hội cho công tác bảo tồn, phát huy.
Cùng nhau chia sẻ lợi ích
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, lượng khách đến tham quan Vịnh Hạ Long ngày càng tăng. Từ 1996 đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón 26,6 triệu lượt khách, trong đó trên 13,7 triệu lượt khách Việt Nam và 12,9 triệu lượt khách nước ngoài, doanh thu từ phí tham quan hơn 1.000 tỷ đồng.
Đây là con số rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý, phát huy vịnh Hạ Long.
Một trong những nhân tố thúc đẩy góp phần tạo nên thành tựu về quản lý, phát huy giá trị di sản đó là sự chia sẻ về lợi ích với doanh nghiệp, cộng đồng. Trước hết, đối tượng chiếm phần lớn và trực tiếp hưởng lợi, được chia sẻ lợi ích từ khai thác, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, giá trị di sản đó là các cá nhân, tổ chức, đơn vị trực tiếp tham gia hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, trong đó hoạt động kinh doanh vận chuyển khách trên vịnh được coi là chủ yếu và điển hình nhất.
Theo thống kê, trên Vịnh Hạ Long hiện nay có khoảng 500 tàu thuyền các loại có khả năng vận chuyển 30.000 lượt khách du lịch/ngày thăm Vịnh, trong đó có trên 145 tàu lưu trú nghỉ đêm. Chỉ tính riêng lượt khách tham quan trung bình hàng năm đạt từ 2,5 đến 2,7 triệu lượt khách đã có thể thấy sự sôi động, nhộn nhịp và giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp từ hoạt động này.
Bên cạnh đó là hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh, hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ…khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long để phục vụ cho khách du lịch tham quan cũng được hưởng lợi gián tiếp từ Vịnh.
Đặc biệt, cộng đồng ngư dân địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ngoài việc phát triển của các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản từ nguồn lợi biển, ngư dân còn trực tiếp tham gia và được chia sẻ lợi ích về phát triển du lịch thông qua hoạt động dịch vụ du lịch, điển hình là hoạt động chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Đây là dịch vụ có từ năm 2009 - một sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng mới, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài. Hiện nay có 4 đơn vị tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ này với tổng số 108 đò vận chuyển khách tham quan.
Trung bình mỗi tháng có khoảng 20.000 lượt khách tham gia sử dụng dịch vụ. Dịch vụ này đã góp phần tạo việc làm cho hơn 100 ngư dân, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra ngư dân còn được làm việc trực tiếp tại Ban Quản lý vịnh Hạ Long và một số doanh nghiệp khác.
Tỉnh Quảng Ninh còn áp dụng cơ chế đầu tư công, quản trị tư đối với một số điểm du lịch đã có đầu tư từ ngân sách nhà nước; kêu gọi, lập dự án đầu tư đối với các điểm du lịch, điểm nghỉ đêm, các hoạt động dịch vụ mới.
Các dự án phát triển các hoạt động dịch vụ trên Vịnh bằng nguồn kêu gọi xã hội hóa theo cơ chế Nhà nước thu phí tài nguyên, danh lam thắng cảnh, các doanh nghiệp khai thác các dịch vụ du lịch. Lực lượng tham gia phát triển các sản phẩm du lịch từ việc bảo tồn 4 mô hình làng chài và phát triển khu tái định cư chính là những cộng đồng ngư dân.
Cần hoàn thiện cơ chế pháp lý
Hiện nay hoạt động phát huy giá trị Vịnh Hạ Long vẫn chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng. Khái niệm “chia sẻ” phần lớn vẫn chỉ là từ một phía mà chưa có mối quan hệ tương tác, qua lại.
Ngoài một số doanh nghiệp luôn có ý thức trách nhiệm định hướng phát triển du lịch sinh thái thân thiện với môi trường, đồng hành cùng nhà nước trong quản lý bảo tồn thì phần lớn các tổ chức, cá nhân khai thác phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh, giá trị di sản vịnh Hạ Long thực sự lại chưa có sự quan tâm thích đáng trở lại đối với công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, mặc dù đã được tuyên tuyền, ý thức, nhận thức trách nhiệm đã được nâng lên nhưng c ộng đồng dân cư chưa thực sự tích cực vào cuộc cùng tham gia công tác bảo tồn Di sản.
Để phát huy hơn nữa giá trị Vịnh Hạ Long, xứng đáng với những danh hiệu đã được trao tặng, trước hết cần phải làm tốt công tác quản lý, bảo tồn. Bởi có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy di sản văn hóa và giữa bảo tồn, phát huy di sản với hoạt động phát triển du lịch.
Mối quan hệ này cần được đánh giá, nhìn nhận đúng, đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các gía trị di sản phục vụ phát triển du lịch và xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp tích cực và trách nhiệm nhất cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Cơ chế pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy như chỉnh sửa bổ sung Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long với sự tham vấn của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, xây dựng và triển khai các Quy hoạch chi tiết về vịnh Hạ Long cần được xây dựng, tạo tiền đề cho hoạt động phát huy.
Thêm nữa, cần có một chiến lược phát huy dài hơi, có tầm nhìn mang tính chất tổng thể; ưu tiên các sản phẩm du lịch sinh thái, chất lượng cao gắn với hoạt động bảo tồn. Điều quan trọng là các hoạt động phát huy cần dựa trên cộng đồng, gắn với cộng đồng, doanh nghiệp, huy động được nhiều nguồn lực tham gia và có sự chia sẻ lợi ích, thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
Để có sự tham gia tích cực và vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng khai thác Di sản đối với hoạt động quản lý, bảo tồn lớn hơn thì cần có những cơ chế quyết liệt, đồng bộ hơn nữa như quy định cụ thể để gắn kết và ràng buộc việc khai thác dịch vụ, du lịch của các tổ chức, cá nhân trên Vịnh Hạ Long với công tác bảo tồn Di sản./.
Vietnam+