(TG) - Được xem lãnh đạo đoàn hỏi han, tặng quà cho những gia đình nghèo và cho “ý kiến chỉ đạo” đội ngũ cán bộ địa phương, một số người dân ở thành phố tỏ ý “đánh giá cao” về sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với đồng bào miền núi vùng sâu, vùng cao. Đúng là cũng có sự quan tâm. Nhưng tác phong làm việc như vậy thật xa thực tiễn.
Mấy chiếc xe con nối đuôi nhau chạy trên đường, cuốn theo những đám bụi mù mịt. Sau vài tiếng đồng hồ vượt qua chặng đường rừng núi quanh co, hiểm trở, đoàn xe dừng lại tại một xã miền núi thuộc diện nghèo nhất, nhì của tỉnh.
Thời tiết hạn hán kéo dài. Cả một vùng đồi núi vốn xanh tươi như bị “vắt kiệt sức” sau vài tháng thiếu nước trầm trọng. Cây cối héo úa tàn tạ. Những mái nhà tranh vách nứa đơn sơ đứng nép mình lặng lẽ trên những sườn đồi cằn cỗi. Bà con nông dân mấy ngày nay đã chạy xuôi, chạy ngược để đi kiếm từng giọt nước ăn đã thấy nhọc nhằn lắm rồi, nói gì đến việc kiếm nước tưới cho cây cối. Cảnh vật xơ xác, người cũng “xác xơ” không kém. Vì cái hạn hán đến quá nhanh mà đi quá chậm.
Đoàn kiểm tra đi cơ sở lần này gồm lãnh đạo huyện và cán bộ chủ chốt một số phòng của địa phương. Trước hết, đoàn đến thăm một số gia đình, hỏi han tình hình đời sống sản xuất của bà con. Tiếp đó là những gói quà được lãnh đạo đoàn trao tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Theo chương trình đã sắp xếp, cuối buổi, đoàn làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của xã. Một bài phát biểu chuẩn bị sẵn được lãnh đạo đoàn đọc “hùng hồn” trong hội trường. Sau khi “nhiệt liệt biểu dương” cán bộ và nhân dân địa phương luôn phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng của quê hương, có nhiều cố gắng trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, lãnh đạo đoàn đã cho “ý kiến chỉ đạo”. Rằng, trong thời gian trước mắt, đảng bộ, Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân xã phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc chống hạn “làm sao” cho có hiệu quả. Rằng, phải nghiên cứu “làm sao” để thay đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những loại cây chịu hạn tốt. Rằng, phải “làm sao” để thâm canh tăng vụ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm không ngừng nâng cao sản lượng lương thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trước mắt và lâu dài của nhân dân. Rằng, phải chú ý chăm lo đến việc học hành của trẻ em - những chủ nhân tương lai của nước nhà; chú trọng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là đầu tư cho phát triển và quan tâm đến các đối tượng chính sách là thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Rằng, phải nhận thức rõ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thì phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng, v.v và v.v.. Cuối cùng là những lời chúc: “Trong một tương lai gần, xã ta sẽ trở thành một điểm sáng của huyện về mọi mặt, xứng đáng là một xã vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng- an ninh”. Đội ngũ cán bộ của xã trong hội trường chăm chú ngồi nghe một cách “say sưa” vì lãnh đạo đoàn nói trau truốt, suôn sẻ và... hay quá!
'
Buổi tối hôm sau, chương trình thời sự của đài truyền hình địa phương đưa tin về đoàn kiểm tra ở xã đó. Được xem lãnh đạo đoàn hỏi han, tặng quà cho những gia đình nghèo và cho “ý kiến chỉ đạo” đội ngũ cán bộ địa phương, một số người dân ở thành phố tỏ ý “đánh giá cao” về sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với đồng bào miền núi vùng sâu, vùng cao. Đúng là cũng có sự quan tâm. Nhưng tác phong làm việc như vậy thật xa thực tiễn. Đến thăm đồng bào đang bị hạn hán nghiêm trọng mà vẫn tổ chức đi thành đoàn nườm nượp như thế, những người dân nghèo nghĩ gì? Những lời hỏi thăm, động viên bà con rất xã giao; bài “phát biểu chỉ đạo” dài dòng với nội dung chung chung; đôi ba câu chúc sáo mòn quen thuộc, phải chăng đó là phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở?
Tuy vậy, đúng như một ý kiến của một bác cựu chiến binh đã nêu ra rằng, nếu “quan tâm” như thế thì làm lãnh đạo cũng không mấy... khó khăn lắm. Bởi chỉ cần “học thuộc” mấy câu “bài bản” theo dạng “kinh điển” đó, thì ai chỉ đạo cấp dưới cũng... “lọt tai”! Có lẽ câu nhận xét thẳng thắn này - rất đáng để những người lãnh đạo có tác phong làm việc quan liêu, hình thức - không thể không suy ngẫm một cách nghiêm túc.
Thiện Văn