Tuy nhiên, chưa thể tự hào về thể trạng của thế hệ trẻ nói riêng và thể trạng của con người Việt Nam nói chung. Đã đến lúc cần phải chuyển trọng tâm trong công cuộc phòng chống suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng con người Việt Nam. Đồng thời cũng cần giảm nhanh tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều.
Trẻ em suy dinh dưỡng
Hãy nhớ lại, cách đây vài chục năm, với ý thức Trẻ em hôm nay Thế giới ngày mai, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, với truyền thống ông bà, cha mẹ yêu thương chăm sóc con cháu,…,Việt Nam đã là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới ký Công ước Quyền trẻ em. Một trong những nội dung quan trọng để thực hiện Quyền trẻ em là phòng chống suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng trẻ em bao gồm suy dinh dưỡng nhẹ cân theo tháng tuổi và suy dinh dưỡng về chiều cao. Trong vài chục năm qua, Việt Nam đã tập trung vào việc phòng chống suy dinh dưỡng nhẹ cân và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nhẹ cân giảm nhanh, nhưng hiện vẫn còn cao, bởi cứ 6 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân. Bên cạnh việc phòng chống suy dinh dưỡng nhẹ cân, thì cũng không thể xem thường tình trạng đã xuất hiện tỷ lệ trẻ em béo phì. Tỷ lệ trẻ béo phì tuy mới xuất hiện dăm mười năm nay, nhưng đã có xu hướng gia tăng tương đối nhanh, lên tới 3- 4%; có những đơn vị lên tới 6- 10%, thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ suy dinh dưỡng.
Cùng với tình hình trên là tỷ lệ suy dinh dưỡng về chiều cao theo tuổi (thấp còi). Tỷ lệ này của Việt Nam có ba đặc điểm đáng lưu ý. Một, tỷ lệ này năm 2009 còn khá cao (lên đến 32,6%- tức là gần một phần ba tổng số trẻ em Việt Nam bị thấp còi, cao gấp rưỡi tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân). Hai, tỷ lệ này giảm chậm (năm 2000 là 36,4%, gần chục năm sau mới chỉ giảm được 3,8 điểm phần trăm). Ba, đó là để cải thiện về tầm vóc, chiều cao, đòi hỏi nhiều yếu tố, nhiều thời gian thậm chí hàng thế hệ, mới có thể có chuyển biến rõ rệt.
Vì vậy, một mặt tiếp tục phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, đề phòng sự tăng lên của việc gia tăng tỷ lệ béo phì, cần chuyển trọng tâm sang phòng chống suy dinh dưỡng về chiều cao. Phòng chống suy dinh dưỡng về chiều cao có tác dụng trực tiếp cải thiện tầm vóc thân thể, thể lực và trí tuệ, cải thiện nòi giống con người Việt Nam, bởi suy dinh dưỡng về chiều cao để lại hậu quả xấu lâu dài về thể chất, dễ mắc phải các bệnh thừa cân béo phì (so với chiều cao), tiểu đường; khả năng lao động cũng bị hạn chế.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tầm vóc, thể lực con người phụ thuộc vào các yếu tố: dinh dưỡng chiếm 31%, di truyền chiếm 23%, thể dục, thể thao chiếm 20%, môi trường chiếm 16%, tâm lý xã hội chiếm 10%.
Nói đến dinh dưỡng, di truyền, thể dục thể thao, môi trường, tâm lý xã hội của trẻ em là nói đến cả cha lẫn mẹ, mọi người trong gia đình, cả cộng đồng, cả Nhà nước. Nhưng do dinh dưỡng là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn nhất và dinh dưỡng của trẻ em ngay từ những ngày đầu đời là rất quan trọng; vì vậy người mẹ, người bà, của Hội Phụ nữ, của ngành Y tế,… có vai trò quan trọng hàng đầu. Chỉ tiêu về phòng chống suy dinh dưỡng nói chung và phòng chống suy dinh dưỡng về chiều cao đã được đưa vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, những năm từ 2010 trở về trước đã đưa vào và cần tiếp tục đưa vào kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Trẻ em nghèo đa chiều
Nghèo trẻ em lâu nay thường được hiểu, được tính từ số trẻ em của những hộ nghèo chung, do đó thường chỉ cao hơn so với tỷ lệ hộ nghèo chung. Nhưng nghèo hiểu theo cách đó chỉ là nghèo đơn chiều (nghèo thu nhập hoặc nghèo chi tiêu). Trong cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình (tiến hành hai năm một lần) vào năm 2008, Tổng cục Thống kê đã đưa ra cách tính tỷ lệ trẻ em nghèo theo cách nhìn đa chiều- tức là tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều. Tỷ lệ này được xét trên 7 lĩnh vực khác thuộc về nhu cầu phát triển của trẻ em, gồm: Giáo dục, Y tế, Nhà ở, Nước sạch và điều kiện vệ sinh, Không lao động sớm, Vui chơi giải trí, Bảo trợ xã hội.
Những trẻ em (dưới 16 tuổi) không được bảo đảm ít nhất 2 trong 7 nhu cầu trên thì coi là trẻ em nghèo đa chiều.
|
Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2008 - Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê |
Như vậy, tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều ở nông thôn cao hơn nhiều ở thành thị; cao nhất ở Tây Bắc, tiếp đến là Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Bắc; thấp nhất là Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ,…
Mặc dù tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều năm 2008 đã thấp hơn năm 2006 (28,9% so với 30,7%) nhưng đó vẫn là tỷ lệ cao.
Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều cao hơn tỷ lệ trẻ em nghèo đơn chiều (28,9% so với 20,7%). Điều đó chứng tỏ, những đứa trẻ có thể không nghèo đơn chiều, tức là sống trong các hộ có mức thu nhập hoặc chi tiêu bình quân đầu người cao hơn chuẩn nghèo, nhưng vẫn không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển theo 7 lĩnh vực trên và vẫn thuộc diện nghèo đa chiều.
Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều lớn hơn nghèo đơn chiều chung như trên (8,2%); chứng tỏ còn có một tỷ lệ cao hơn thế của số trẻ em sống ở những hộ không nằm trong diện hộ nghèo. Kết quả khảo sát mức sống 2008 cũng cho thấy, ngay trong các hộ giàu cũng có 6,5% trẻ em nghèo đa chiều.
Các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nghèo đa chiều cao hơn tỷ lệ nghèo đơn chiều. Đáng lưu ý, đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ trẻ em nghèo đơn chiều (tính theo mức chi tiêu) chỉ có 15,5%, nhưng tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều lên đến 52,8%, cao hơn gấp 3,4 lần tỷ lệ nghèo đơn chiều. Ngay vùng Đông Nam Bộ, tỷ lệ nghèo đa chiều cũng cao hơn nhiều tỷ lệ nghèo đơn chiều (14,8% so với 5,5%).
|
Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều (được điều tra năm 2008) - Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê |
Như vậy, tỷ lệ nghèo trẻ em ở 4 lĩnh vực thấp hơn tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều chung, nhưng có hai lĩnh vực lại cao hơn nhiều.
Đã đến lúc cần chuyển trọng tâm, mở rộng tiêu chí, nâng cao chất lượng của công cuộc phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống trẻ em nghèo.
Minh Ngọc