Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 2/8/2012 14:46'(GMT+7)

Quan tâm hơn nữa y tế cơ sở

Cán bộ Trạm y tế xã Hộ Ðộ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) khám chữa bệnh cho trẻ em trong xã.

Cán bộ Trạm y tế xã Hộ Ðộ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) khám chữa bệnh cho trẻ em trong xã.

 

Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu cơ bản trong chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, mạng lưới y tế cơ sở cần được đầu tư hơn nữa để thật sự là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế nước nhà. 

Thay đổi rõ nét nhất là nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở (YTCS) đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các cấp, các ngành đã nhận thức sâu sắc quan điểm của Ðảng, định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển hệ thống y tế nước nhà, trong đó củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (MLYTCS), nhất là y tế xã, phường, thôn bản là nhiệm vụ quan trọng và đã đưa các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trở thành nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, các tổ chức xã hội với ngành y tế đã được đẩy mạnh và ngày càng chặt chẽ hơn. Nhờ vậy, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến rõ nét, người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị 06, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 370/2002/QÐ-BYT về "Chuẩn quốc gia về y tế xã". Ðến hết năm 2011, cả nước có hơn 80% số xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã và việc thực hiện các chuẩn luôn coi là "cột mốc" để các xã phấn đấu, là thước đo nhằm đánh giá hiệu quả của y tế xã trong việc bảo đảm các điều kiện tối thiểu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Việc thực hiện chuẩn, nguồn nhân lực của các trạm y tế đã được chuẩn hóa về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cán bộ trạm y tế được đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn, quản lý... Ðiểm nổi bật, hầu hết các xã đạt chuẩn được đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp bằng các nguồn ngân sách của tỉnh, huyện, xã và người dân đóng góp. Hiện nay cả nước có hơn 65 nghìn cán bộ công tác tại trạm y tế, bình quân có 5,9 cán bộ/trạm, số trạm y tế có bác sĩ đạt 66,7%, số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi là 91,37%. Ngoài ra cả nước còn có hơn 103 nghìn nhân viên y tế thôn bản đang hoạt động tại 126.927 thôn bản. Ðội ngũ này đóng một vai trò quan trọng, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với nhiệm vụ chính là: tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phát hiện sớm dịch bệnh, xử trí cấp cứu ban đầu, chăm sóc người bệnh tại gia đình...

Bằng các nguồn tài chính từ trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu y tế quốc gia và nguồn ngân sách địa phương..., cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến YTCS đã được đầu tư một cách khá toàn diện. Chỉ riêng nguồn từ trái phiếu Chính phủ, địa phương đầu tư cho bệnh viện huyện, một số phòng khám đa khoa khu vực trong giai đoạn 2008 - 2011 lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư và đã có 145 bệnh viện tuyến huyện, 46 phòng khám đa khoa khu vực được hoàn thành đưa vào sử dụng, số còn lại đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục cuối cùng. Qua đánh giá tại một số bệnh viện tuyến huyện bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, công suất sử dụng giường bệnh tăng, nhiều nơi tăng hơn 30%, chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, có nhiều bệnh viện thực hiện được hơn 80% số kỹ thuật theo phân tuyến, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Với những đóng góp của MLYTCS đã góp phần đạt được các thành tựu nổi bật như: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt tăng từ 71,3 tuổi (năm 2002) lên 73 tuổi (năm 2011), tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm đầy đủ đạt 96%, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng còn 16,8%... MLYTCS đã cung cấp khoảng 80%  các dịch vụ y tế cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa và góp phần giảm chi phí trong khám, chữa bệnh cho người dân. Việc tổ chức khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã đã tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận được cơ sở khám, chữa bệnh ngay tại tuyến cơ sở.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 06 vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục. Ở một số địa phương, cấp ủy Ðảng, chính quyền còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của YTCS, nhiều Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân hoạt động mang tính hình thức, với tâm lý "giao khoán" trách nhiệm cho ngành y tế. Mô hình tổ chức YTCS có nhiều sự biến động, dẫn đến nhiều đơn vị y tế hoạt động trong tình trạng thiếu cán bộ, nguồn lực bị phân tán, dẫn đến kém hiệu quả. Cán bộ tuyến YTCS thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chế độ ưu đãi chưa thỏa đáng, chưa đủ hấp dẫn cán bộ về làm việc ở tuyến này. Các nguồn đầu tư mới chủ yếu dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn đầu tư trang thiết bị y tế chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng nhiều trạm y tế xã còn thiếu các trang thiết bị thiết yếu và thiếu đồng bộ...

MLYTCS là tuyến gần dân nhất, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tạo sự công bằng trong khám, chữa bệnh cho người dân, vì vậy MLYTCS cần được coi là nền tảng, là xương sống của nền y tế nước nhà. Ðể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 06, cũng như hướng đến bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, chất lượng thì các cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp cần quán triệt, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của MLYTCS và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới này tại địa phương mình. Ðưa mục tiêu về củng cố và hoàn thiện MLYTCS vào Nghị quyết của các cấp ủy Ðảng, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Phong trào xây dựng Nông thôn mới. Kiện toàn mạng lưới y tế tuyến huyện, xã và thôn bản, nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của MLYTCS. Tiếp tục đầu tư cho tuyến huyện, tuyến xã để hoàn chỉnh các hạng mục và mua sắm bổ sung một số trang thiết bị thiết yếu, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Ða dạng hóa các loại hình đào tạo cán bộ YTCS, tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ..., để bổ sung nhanh số lượng cán bộ cho YTCS, y tế dự phòng tại khu vực miền núi, khu vực khó khăn. Có chính sách đãi ngộ hơn nữa cho cán bộ y tế thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, cũng như tăng cường việc quản lý một số bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính tại cộng đồng.

Trung Tuyến/Báo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất