Thứ Sáu, 20/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 5/12/2013 22:2'(GMT+7)

Xây dựng con người, hệ giá trị và nhân cách văn hoá Việt Nam phù hợp với từng thời kỳ lịch sử

                                                                                                                                      

PV: Thưa ông, sau15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là một người nghiên cứu về văn hoá, ông có suy nghĩ như thế nào về quá trình đưa Nghị quyết của Đảng về văn hoá vào cuộc sống?
PGS.TS. Nguyễn Chí Bền: Trước hết, cần phải khẳng định Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một Nghị quyết lịch sử, hợp lòng dân, có giá trị rất to lớn. Điều tra dư luận xã hội do Viện Văn hóa Nghệ thuật thực hiện ở nhiều địa phương đều cho thấy, người dân rất ủng hộ Nghị quyết này. Vì thế, tôi cho rằng, đây là một Nghị quyết có sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội. Trong quá trình triển khai Nghị quyết, chúng ta cần thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, còn những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Từ bài học này, chúng ta phải xem xét  quy trình phát triển văn hóa từ hệ thống văn bản pháp quy đến nguồn nhân lực, việc xây dựng các thiết chế văn hóa phải quán triệt theo tư tưởng này.

Thứ hai, ngay sau khi được ban hành, chúng ta đã triển khai quán triệt kịp thời Nghị quyết với nhiều chương trình hành động từ Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương thể chế hóa kịp thời, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp. Các cơ quan chức năng đã  tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục cả ở tầm vĩ mô và vi mô, đồng thời tiến hành công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết, cần thực hiện nghiêm túc và phát huy hơn nữa phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đây là một trong những tư tưởng nổi bật của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Thứ tư, chú trọng đặt lên hàng đầu công tác đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành văn hóa ở tất cả các khâu sáng tác, biểu diễn và quản lý văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành và đất nước. Huy động sức mạnh tổng hợp từ các chủ thể văn hóa (cộng đồng dân cư, các văn nghệ sỹ, đội ngũ quản lý văn hóa), để họ có thể đóng góp tối đa cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, khi triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, cũng như các nghị quyết khác của Đảng vào cuộc sống, tôi cho rằng chúng ta thiếu một bộ phận, một cơ quan, một chế tài để kiểm tra, đánh giá, giám sát quá trình triển khai nghị  quyết. Thường chúng ta rơi vào tình trạng ban hành nghị quyết rồi triển khai. Theo chu kỳ 5, 10 năm, chúng ta mới tổng kết, đánh giá một lần. Vì vậy, nếu có còn tồn tại những hạn chế, những yếu kém trong quá trình triển khai Nghị quyết cũng là điều dễ hiểu.

PV: Vậy theo ông, cần nhìn nhận những kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 như thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Chí Bền: Cần khẳng định rằng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, rõ ràng nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội đã được nâng lên, chủ trương của Đảng về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Điều đó góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước thời kỳ đầu đổi mới. Nghị quyết vừa giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt vừa có tính định hướng chiến lược lâu dài về xây dựng và phát triển văn hóa. Đời sống văn hóa cơ sở đã có bước phát triển với những phong trào thiết thực; nhận thức về giá trị di sản văn hóa ngày càng nâng cao. Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm, coi trọng; các thể chế và thiết chế văn hóa được củng cố, hoàn thiện…

Song, nếu thẳng thắn nhìn nhận, thì bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn tồn tại không ít những hạn chế, yếu kém. Có thể thấy rõ một số điểm yếu cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa như: Thứ nhất, nhận thức về quản lý văn hóa vẫn là tư duy quản lý văn hóa trong thời bao cấp chứ không phải là tư duy trong nền kinh tế thị trường. Thứ hai, nguồn nhân lực trong quản lý văn hoá chưa được hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đội ngũ quản lý văn hoá của chúng ta vẫn nặng về tác nghiệp nhiều hơn là quản lý. Thứ ba, sự tách bạch giữa quản lý nhà nước về văn hóa với phát triển sự nghiệp văn hóa không rõ ràng. Vừa là cơ quan nhà nước, vừa là cơ quan tổ chức sự kiện văn hóa, đó là điều bất cập. Phải làm thế nào để nhận thức “văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội” trở thành “máu thịt” trong các nhà quản lý văn hoá.

Đáng chú ý là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối liên quan đến văn hoá. Cái khó khăn nhất của việc đánh giá đời sống văn hóa hiện nay là chúng ta đánh giá vào đúng một thời điểm kinh tế suy thoái, lòng người đang có nhiều ưu tư, lo lắng. Nếu chúng ta không vượt lên được những tác động của cuộc sống hôm nay, chúng ta đánh giá sự phát triển của văn hoá trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, đôi khi dễ rơi vào tình trạng chỉ thấy mặt tiêu cực mà thôi.

Trong những năm qua, hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống nếu không ngăn chặn kịp thời, chẳng những gây tổn thương nặng nề cho văn hóa mà còn làm suy giảm sự phát triển kinh tế-xã hội, đe dọa trực tiếp tới sự ổn định và bền vững của chế độ chính trị. Tuy nhiên, khi đánh giá sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tôi vẫn nghĩ rằng, không phải tất cả hơn 3 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đều như vậy. Khi đánh giá sự suy thoái của một bộ phận, một số người nào đó trong nhân dân, như các sự kiện hàng ngày hàng giờ báo chí đưa tin, tôi cũng nghĩ rằng, đó không phải là tất cả 90 triệu người dân Việt Nam. Tôi tin rằng trong sâu thẳm tâm thức, con người Việt Nam vẫn giữ được giá trị truyền thống từ ngàn đời nay.

Xin được nhắc lại một bài học lịch sử, vào thế kỷ XIII, khi đất nước Đại Việt đứng trước nguy cơ xâm lược của Nguyên Mông, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã từng viết Hịch tướng sỹ. Chúng ta đọc lại áng văn đó, thấy rất rõ cái tệ, cái xấu của các tướng lĩnh mà Trần Hưng Đạo chỉ trích rất thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng, qua sự phê phán gay gắt đó, Trần Hưng Đạo đã biết khơi gợi phần tích cực ẩn chứa trong con người họ. Sau đó, cả dân tộc đã đi vào cuộc kháng chiến thần thánh để làm nên kỳ tích lịch sử, chiến thắng đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần. Bài học lịch sử đó, theo tôi vẫn còn nguyên vẹn.

PV: Là một người nghiên cứu về văn hoá, ông có đề xuất gì để khắc phục những hạn chế còn tồn tại hiện nay?

PGS. TS. Nguyễn Chí Bền: Văn hoá được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xác định văn hoá là nguồn lực nội sinh của phát triển thể hiện sự đổi mới vô cùng quan trọng trong tư duy về văn hoá của Đảng. Về vấn đề này, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: "Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi". Trung thành với tư tưởng của Người, trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã chỉ rõ sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá với con người và với sự phát triển xã hội. Ở đây, phát triển vừa có nghĩa là tăng trưởng, lại vừa gắn bó với con người, vì không có sự phát triển nào lại tách rời con người - mà con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hoá, vừa là chủ thể hưởng thụ văn hoá. Nói đến phát triển phải tính đến tăng trưởng về kinh tế và lấy GDP như một tiêu chí, song lại phải chú trọng đến chỉ số phát triển con người (HDI) là một tiêu chí không thể thiếu được của phát triển. Xác định vai trò của văn hoá là mục tiêu và động lực của phát triển chính là nhấn mạnh vai trò của con người với phát triển.

Theo tôi, để khắc phục những hạn chế vẫn còn tồn tại, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải tập trung vào vấn đề xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị Việt Nam và nhân cách văn hoá Việt Nam. Làm sao để con người Việt Nam, hệ giá trị Việt Nam, nhân cách văn hoá Việt Nam đó thích ứng với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Làm sao để con người Việt Nam có đủ “kháng thể” cần thiết để có thể thích ứng với các luồng văn hoá độc hại của thời đại mới, thời đại mà thế giới là một thế giới phẳng.

Không còn con đường nào khác là chúng ta phải xây dựng một nhân cách văn hoá Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam vừa kế thừa tất cả các giá trị của tinh hoa nhân cách truyền thống, đồng thời đổi mới cho phù hợp với điều kiện của xã hội đương đại.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại hệ giá trị Việt Nam, điều gì là kế thừa được, điều gì mặc dù vô cùng quý giá nhưng gắn với một thời đã qua lại không kế thừa được. Tôi lấy ví dụ, tâm lý chín bỏ làm mười, hoà cả làng của người Việt Nam nhìn ở thời kỳ đã qua có thể là thích ứng. Nhưng khi bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng tác phong công nghiệp, tính cách đó trong công việc chắc sẽ không còn phù hợp nữa. Đó là câu chuyện chúng ta phải xem xét, lựa chọn để xây dựng hệ giá trị của thời đại hôm nay. Từ việc lựa chọn, xác định các yếu tố cần phát triển, phát huy, chúng ta mới bắt đầu xây dựng hệ thống chính sách của chúng ta. Hệ thống chính sách ấy hướng tới từng con người, hướng tới từng cá thể, tránh chung chung, đại khái.

Phải khẳng định lại một lần nữa, Nghị quyết Trung ương 5 là Nghị quyết mang tính lịch sử và rất có giá trị, nhưng Nghị quyết chưa xoáy sâu vào vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam phù hợp với từng thời kỳ lịch sử.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng
(thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất