Là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, một vùng đất linh thiêng, giàu truyền thống cách mạng, từng được ví như một nước “Việt Nam thu nhỏ”, con người và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Sự đa dạng về các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể được thể hiện bởi một hệ thống 626 di tích, danh lam, thắng cảnh dày đặc, trải dài từ Tây sang Đông. Những cảnh quan nổi trội như: Vịnh Hạ Long - 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới; 2 di tích được cấp bằng quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công lẫy lừng của dân tộc Việt Nam và Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử - trung tâm của Phật giáo Việt Nam... Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có các di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và mang nét đặc trưng của mỗi vùng đất, như: Lễ hội Đền Cửa Ông; Lễ hội Yên Tử; Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Đình Trà Cổ; Lễ hội Đình Quan Lạn... cùng với các phong tục, tập quán, những hình thái diễn xướng như: Hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long; hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; hát Then của dân tộc Dao; hát Nhà tơ, Lễ cấp sắc của người Dao... Các di sản văn hóa phi vật thể này rất phù hợp cho việc phát triển các loại hình du lịch, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, cũng như phát huy các giá trị truyền thống văn hóa bản địa được hình thành từ lâu đời.
Những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng như trên đã góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch của Quảng Ninh phát triển.
Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, mở cửa hội nhập những năm qua đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời là cơ hội để phát huy và gắn kết chặt chẽ văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Ngay sau khi triển khai, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào đời sống của từng nhà, từng thôn làng, khu dân cư, khu đô thị; đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, về ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, khơi dậy truyền thống yêu nước... đã được nâng lên; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Các hủ tục lạc hậu từng bước được loại bỏ; văn hóa ngoại lai, mê tín dị đoan được ngăn chặn và dần hình thành nếp sống văn minh; khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc xây dựng con người mới gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thể hiện tinh thần dân chủ xã hội được mở rộng, qua đó niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được tăng cường.
Sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảãng, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong công tác khôi phục, bảo tồn, phục dựng, đầu tư tôn tạo các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí, các di tích văn hóa phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Công tác phục dựng, bảo tồn các lễ hội, các hương ước, quy ước làng xã đã và đang ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt về cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Nhiều công trình văn hóa xứng tầm với tốc độ và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được xây dựng và đưa vào sử dụng như thư viện, bảo tàng, khu quảng trường, khu triển lãm hoành tráng với kinh phí thực hiện lên đến hàng nghìn tỷ đồng...
Để làm được điều đó, trước hết phải kể đến vai trò của nhân dân - chủ thể quan trọng nhất - đã chung sức, đồng lòng đóng góp xã hội hóa hàng ngàn tỷ đồng phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương mình. Không chỉ chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lâu đời do cha ông để lại, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát huy lợi vai trò của văn hóa trong việc phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Phát huy và tạo mối liên kết gắn bó giữa bản sắc văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, giữa văn hóa làng xã với văn hóa công nghiệp - văn hóa của công nhân vùng mỏ với tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” là những yếu tố then chốt tạo ra cho Quảng Ninh một diện mạo văn hóa với những sắc thái riêng biệt, đặc sắc.
Nếu như trước đây, du khách đến Quảng Ninh chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh vịnh Hạ Long, Yên Tử thì nay còn được tham dự những Lễ hội truyền thống tại nhiều địa phương trong tỉnh, tiêu biểu như Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công... Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn đang triển khai nhiều loại hình du lịch văn hóa độc đáo, mới lạ. Điển hình là loại hình du lịch trải nghiệm ở làng chài Vung Viêng trên vịnh Hạ Long. Tham gia tour du lịch này, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa riêng của ngư dân sinh sống trên vịnh, như: Chèo thuyền nan tham quan làng chài, nghe hát đúm, câu cá, kéo lưới cùng ngư dân...; hay tour du lịch làng quê tại xã Yên Đức (Đông Triều) sẽ đưa du khách đến với một không gian làng quê Việt vùng Bắc Bộ dân dã, êm đềm qua các hoạt động sản xuất hàng ngày của người nông dân bản địa; xem người dân múa rối nước; cùng bà con trồng rau, cấy lúa, xay thóc, giã gạo, úp cá, bắt tôm...
Gần đây, tiềm năng văn hóa của các dân tộc trên địa bàn cũng bắt đầu được khai thác nhiều hơn. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc được phục dựng và biểu diễn phục vụ du khách tại các khu du lịch. Những hoạt động văn hóa trên đã làm phong phú, đa dạng hơn các hoạt động nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về văn hóa Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Việc gắn kết giữa bảo tồn và phát triển văn hóa với du lịch để phát triển kinh tế đã đem lại những kết quả rõ rệt. Năm 2012, tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Ninh đạt khoảng 7 triệu lượt, tăng 5,3% so với năm 2011; tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2011. Tính đến tháng 7-2013, Quảng Ninh đã đón gần 5,3 triệu lượt khách du lịch, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhiệm vụ chính trị của tỉnh Quảng Ninh hiện nay là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung trí tuệ, dân chủ và sự đồng tâm đoàn kết nhất trí để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại vào năm 2015 và là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020; đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; mở rộng đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) vào cuộc sống ở Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục:
Thứ nhất, một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức hết vai trò và vị trí của văn hóa, chưa coi trọng công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức và lối sống, chưa có biện pháp kết hợp hữu hiệu giữa xây và chống trên lĩnh vực văn hóa. Nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống đối với mọi tầng lớp trong xã hội đã có đổi mới, nhưng chưa thường xuyên, còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là giáo dục hình thành nếp sống văn minh nơi công cộng.
Thứ hai, những thành tựu và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Nhiệm vụ xây dựng con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Môi trường văn hóa còn bị "ô nhiễm" bởi các tệ nạn xã hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn bất cập, trong đó việc tang làm tốt hơn việc cưới, nông thôn thực hiện tốt hơn thành thị. Còn thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác động tích cực và sâu sắc đối với việc giáo dục con người.
Thứ ba, nhiệm vụ xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh. Hiện tượng coi thường luật pháp, bạo hành trong gia đình, cách ứng xử văn hóa nơi công cộng... đang làm nhức nhối dư luận xã hội. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cùng với những tiến bộ trong sự phát triển, vẫn còn những khía cạnh phức tạp như tệ nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi; các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội... còn nhiều bất cập.
Thứ tư, mức đầu tư ngân sách cho văn hóa còn thấp. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung vẫn ở tình trạng thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc xây dựng thể chế văn hóa còn chậm, cơ chế chính sách, xã hội hóa các hoạt động văn hóa còn chậm được ban hành. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc phổ biến sách, báo, các tác phẩm văn học-nghệ thuật đến với dân vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo còn kém hiệu quả.
Thứ năm, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa đi vào chiều sâu (đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người). Một bộ phận nhân dân chưa thấy hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong xây dựng phong trào tại cộng đồng dân cư, chưa mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, hành vi sai trái; nếp sống văn minh đô thị từng bước có chuyển biến nhưng chưa xứng tầm với sự phát triển của xã hội. Việc khắc phục tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường ở các địa phương có chuyển biến nhưng còn chậm.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), tỉnh Quảng Ninh đã đúc rút một số bài học kinh nghiệm sau: Một là, phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai của cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội là nhân tố quan trọng để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Hai là, xây dựng và phát huy ý thức tự nguyện, tự giác, tinh thần chủ động, tích cực sáng tạo, năng lực tự quản và huy động nguồn lực cộng đồng, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện và nâng cao chất lượng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa phong trào thấm sâu vào mọi tầng lớp xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ba là, thông qua các yếu tố văn hóa và nhân tố con người, xây dựng con người mới về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi các nội dung của Nghị quyết. Bốn là, nội dung của Nghị quyết phải gắn với đời sống xã hội, cụ thể ở từng địa phương, từng ngành, phải được thể hiện thông qua các yếu tố văn hóa và nhân tố con người, hướng tới xây dựng con người mới thông qua các phong trào thi đua; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng và xã hội. Năm là, đa dạng hóa nội dung, phương thức chỉ đạo. Quan tâm tuyên truyền, vận động, lồng ghép nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phong trào. Sáu là, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị để khuyến khích, vận động mọi tổ chức cá nhân tham gia phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng cho văn hóa. Tăng cường công tác quản lý văn hóa trên địa bàn, có chính sách nhằm thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển văn hóa.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, học tập, tuyên truyền quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa đến các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, tôn giáo; quán triệt và thấm nhuần tư tưởng của Đảng phát triển văn hóa là nền tảng tư tưởng xã hội, phát triển kinh tế phải đồng bộ với phát triển văn hóa.
Thứ hai, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) căn cứ vào thực tiễn, tiếp tục đưa văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc văn hóa các nước. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển hài hòa giữa bảo tồn, phục dựng, tôn tạo và khai thác các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế du lịch bền vững. Coi đây là một trong những động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".
Thứ ba, xác định trách nhiệm xây dựng nét văn hóa riêng cho con người, quê hương Quảng Ninh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và quyết tâm xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử trong du lịch, văn hóa xúc tiến đầu tư, văn hóa ứng xử với môi trường, với kỳ quan thiên nhiên thế giới để làm sao mọi người biết đến Quảng Ninh không chỉ là một địa phương nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên mà còn biết đến con người văn hóa Quảng Ninh. Triển khai xây dựng Đề án “Quảng Ninh thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp và ứng xử”.
Thứ tư, tập trung chăm lo con người phát triển toàn diện, thông qua môi trường giáo dục gia đình, giáo dục trong cộng đồng và giáo dục tập trung trong hệ thống các trường học. Song song với đó là nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hoá, khu phố văn hóa, cơ quan - đơn vị văn hóa. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về tư tưởng đạo đức, lối sống, gắn kết chặt chẽ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với việc thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chê, chính sách phát triển văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát huy năng lực sáng tạo của các văn nghệ sĩä; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong tình hình mới; Nghị quyết 05/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về một số chủ trương, giải pháp phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian.
Thứ sáu, lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch Quảng Ninh, xác định tiềm năng du lịch gắn với nguồn tài nguyên du lịch, tổ chức quy hoạch các trung tâm du lịch lớn gắn với thế mạnh của từng vùng tạo thành những "vệ tinh" mạnh, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn; xây dựng kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực du lịch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; giữ gìn, tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Đầu tư nâng cấp, tu bổ, tôn tạo có trọng tâm các di tích lịch sử, văn hoá, lễ hội truyền thống phong tục tập quán... của địa phương, nhằm bảo vệ, gìn giữ những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể./.
Trần Quang Hoàng