Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 3/2/2009 15:59'(GMT+7)

Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua Văn hoá- Thể thao và Du lịch

Những danh lam thắng cảnh quí giá, những giá trị văn hoá Việt Nam được kết tinh qua hàng nghìn năm, những thành tích thể thao nổi bật... Tất cả đều góp phần quảng bá một cách hữu hiệu về hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè thế giới. Vậy làm thế nào để quảng bá hình ảnh Việt Nam qua Văn hoá- Thể thao và Du lịch?

Quảng bá văn hoá Việt Nam phải bắt nguồn từ tinh thần tự tôn dân tộc

Trong năm 2008, lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch đạt nhiều thành công to lớn. Đó là việc Đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup; Việt Nam giành vị trí đứng đầu trong nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế. Nhiều tài năng trẻ của Việt Nam đoạt giải cao trong các cuộc thi về âm nhạc, liên hoan, triển lãm cấp khu vực và thế giới. Những giải thưởng mà các cá nhân đạt được trong năm 2008 chính là kết quả năng khiếu, lòng đam mê, khát vọng vươn tới vinh quang cùng với sự khổ luyện thấm đẫm mồ hôi, cố gắng vượt qua những nhọc nhằn, vất vả không chỉ của những người trực tiếp mang về vinh quang và chiến thắng. Và theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thì "trong xu thế hội nhập và phát triển, những thành tích trong lĩnh vực văn hoá, thể thao là cầu nối, là phương tiện biểu hiện để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về tinh thần tự tôn dân tộc, về trí tuệ tài năng, phầm chất, những khát vọng của con người Việt Nam. Đó cũng chính là hình thức quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế".

Quảng bá hình ảnh VN trên thế giới là một chiến lược to lớn và lâu dài, là sự kết hợp của nhiều "mặt trận": kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá. Để quảng bá một cách hữu hiệu hình ảnh VN, điều quan trọng là mỗi người Việt Nam phải nhận chân được những giá trị đích thực của dân tộc ta và chúng ta phải dựa vào những giá trị đó, phát huy giá trị đó. "Trước tiên mình phải biết lịch sử dân tộc, phải hiểu lịch sử dân tộc, thấy được sự anh dũng, kiên cường của cha ông thì chúng ta mới xây dựng được một tư tưởng yêu nước vững bền. Đây là một tư tưởng yêu nước có cơ sở. Nó bắt nguồn từ những nền tảng văn hoá sâu xa của dân tộc và trên tinh thần yêu nước để đương đầu với những thử thách, những khó khăn của thời đại mới và có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách đó, đưa đất nước ta càng ngày càng phát triển"- Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư sử học Định Xuân Lâm nhấn mạnh.

Trong số những hình thức để quảng bá hình ảnh VN, thì quảng bá bằng văn hoá, bằng nghệ thuật chính là một trong những cách thức hữu hiệu. "Trong giao lưu văn hoá và hội nhập, theo tôi, cầu nối dễ dàng bắc nhất, đi qua dễ dàng nhất, đi qua dễ dàng nhất không cần đến những phụ trợ khác nhiều lắm, đó là nghệ thuật. Văn học, nghệ thuật nó có sức hút với người ta, giúp người ta tiếp nhận dễ dàng và nhanh chóng và chất văn hoá dân tộc nằm trong đó rất nhiều". Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành phân tích.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết- người người được những người hâm mộ và đồng nghiệp mệnh danh là "cải lương chi bảo" trong hơn 40 năm qua, một tài năng lớn của nghệ thuật cải lương, thì việc chúng ta quảng bá hình ảnh dân tộc qua văn hoá chính là cách quảng bá hiệu quả và lâu bền, bởi vì đầu tư về kinh tế có thể thấy hiệu quả ngay, nhưng đầu tư về văn hoá rất lâu mới nhìn thấy hiệu quả của nó, phải nhiều thế hệ góp công, góp sức, nhưng nó có giá trị vững bền...

Đồng lòng đồng sức quảng bá cho hình ảnh Việt Nam

Năm 2009 này được Bộ Ngoại giao VN chọn là Năm ngoại giao văn hoá với 4 nội dung lớn: Thứ nhất, nâng cao giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam thông qua các họat động cụ thể như vận động các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO công nhận các văn hóa vật thể và phi vật thể, các di sản văn hóa của Việt Nam. Năm 2009-2010, sẽ vận động UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Thứ hai, đẩy mạnh việc giáo dục tiếng Việt trong cộng đồng 3,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ ba, tăng cường công tác suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất và 120 năm ngày sinh của Người. Thứ tư, tăng cường giao lưu văn hóa, trong đó có việc tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hình ảnh văn hóa của Việt Nam.

Ông Phạm Sanh Châu- Vụ trưởng Vụ Văn hoá và UNESCO (thuộc Bộ Ngoại giao) cho biết thêm: "Chúng tôi đang triển khai chính sách đối ngoại dựa vào 4 trụ cột, mà một trong các trụ cột ấy là ngoại giao văn hoá. Trong ngoại giao văn hoá, chúng tôi là đưa văn hoá của VN ra nước ngoài và giới thiệu với bạn bè quốc tế và trong nước. Một trong những đặc điểm ngoại giao văn hoá là ngoại giao di sản. Chúng tôi dùng hình ảnh di sản để giới thiệu một đất nước VN thanh bình, mến khách, năng động, đổi mới vàmong muốn nhiều bạn bè quốc tế đến với VN".

Cùng với những tựu to lớn về đổi mới kinh tế, sau gần 25 năm đổi mới, ngày càng nhiều các di sản thiên thiên, di sản văn hoá của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đó là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, để bạn bè đến với Việt Nam nhiều hơn. Góp sức vào nhiệm vụ to lớn này, lần đầu tiên, ngành du lịch Việt Nam đã có sự đồng lòng, đồng sức để xây dựng và triển khai chương trình khuyến mại du lịch trong phạm vi cả nước, từ tháng 1 đến tháng 9/2009. Chương trình khuyến mại có tên "Ấn tượng Việt Nam" với 99 tua du lịch khuyến mại. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng, điều quan trọng nhất là khuyến mãi, giảm giá - một giải pháp cấp bách để ngành du lịch khôi phục lại thị trường, nhưng chất lượng dịch vụ du lịch vẫn phải được đảm bảo và ngày một nâng cao. Trong nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho du lịch VN, ngành du lịch vẫn tiếp tục giành ưu tiên cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các chương trình truyền hình quốc tế.

Những nỗ lực vì một hình ảnh Việt Nam năng động, giàu truyền thống văn hoá, một Việt Nam luôn luôn quyết tâm nỗ lực vươn lên giành những đỉnh cao vinh quang, một Việt Nam thân thiện và mến khách... sẽ giúp tăng sức mạnh nội lực của chúng ta, đồng thời tăng cường vị thế của VN trên thế giới./.

Mai Hồng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất