Thứ Hai, 23/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 23/2/2019 15:59'(GMT+7)

Tâm sáng là lễ đẹp

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tháng Giêng, khi khí xuân đang phơi phới, việc nhiều người tìm đến chùa, đền để làm lễ cầu an, cầu may là điều dễ hiểu. Ai chẳng mong muốn được sống an hòa, hạnh phúc trong một đất nước thái bình. Đầu năm, thong dong đi lễ cầu an, cầu may là nét đẹp văn hóa được truyền lưu từ thời này qua thời khác của dân tộc Việt vốn chịu nhiều thăng trầm, sóng gió trong lịch sử dựng nước và giữ nước bi hùng.

Lên chùa cầu an là hành vi tốt đẹp, thể hiện tính nhập thế sâu rộng, vững bền của đạo Phật. Mong ai cũng thấu hiểu rằng, Phật không có quyền năng ban phát may mắn, tài lộc cho con người mà chỉ muốn ta giác ngộ để sống từ bi hỷ xả, yêu thương đồng loại, thiên nhiên.

Sống tử tế, sống tốt đẹp, sống bình tĩnh đó mới chính là cái gốc của sự an lành, thanh bình, hạnh phúc mà mọi người, mọi nhà, mọi dân tộc, mọi quốc gia hướng tới.

Thực ra, giáo lý đạo Phật rất gần với nhân sinh quan của dân tộc Việt; đó là "Thương người như thể thương thân"... Đến chùa cầu an, phải chăng con người ta nên dọn lòng mình trong sạch, biết thành tâm sám hối lỗi lầm, quyết tiêu trừ chướng nghiệp, phát nguyện tâm thức hồi hướng về những điều tốt đẹp cho mình, cho người, cho đất nước. Cái đích của việc cầu an có gì khác đâu ngoài khát vọng mong quốc thái dân yên. Chỉ một nén hương, đĩa trầu cau, hoa quả cũng làm nên lễ cầu an thanh sạch, giản dị.

Tâm sáng là lễ đẹp. Tôi vẫn hằng nghĩ thế. Đâu cần phải chen chúc, lấn áp lớp lớp trong ngoài ở các chùa lớn nhỏ, đâu phải mâm cao cỗ đầy chất ngất, đâu phải nghi ngút vàng mã, đâu phải sì sụp khấn vái đến độ u mê Thần Phật mới cho bình an, may mắn.

Đạo Phật quan niệm "nhân-quả". Gieo thế nào thì gặt thế ấy. Thế thì việc cầu an đầu năm cũng chỉ nhằm nhắc lại cho người ta triết lý sống ấy mà thôi, chứ đâu hóa giải được tội lỗi. Càng đừng mong "hối lộ" Thánh Thần để thoát tội lỗi và được giàu sang, sung sướng. Còn tham lam, tàn độc, tất yếu tâm sẽ không thanh thản, sống sẽ không nhẹ nhàng và trước sau gì cũng bị trả giá.

Cứ nhìn vào xã hội sẽ rõ, biết bao quan tham phải ra vành móng ngựa, có kẻ từ chót vót quyền lực phải vào tù; những tên tội phạm giết người, buôn bán ma túy, lừa đảo cũng khó thoát sự trừng phạt của công lý. Họ thường là những kẻ nhiều tiền của, rất nhiều tiền của nhưng bây giờ chắc cũng chỉ mơ ước được sống tự do, được làm người tử tế mà thôi.

Có một hiện tượng đang cộm lên khá nhức nhối trong đầu xuân này là dâng sao giải hạn. Người người đổ xô đến các chùa để làm thủ tục này mà không hiểu vì sao phải khổ công như vậy. Cái đáng phê phán hơn là có chùa không biết vô ý hay cố tình đã “chiều” đệ tử, công chúng tổ chức các lễ dâng sao giải hạn cực kỳ rầm rộ và rất thực dụng. Yếu tố cung-cầu lộ rõ trong hoạt động này và tính thực dụng đang chi phối nặng nề tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh.

Không thể làm ô uế chùa chiền vốn được coi là nơi thanh sạch, trong sáng; không thể làm sai lệch những điều tốt đẹp của đạo Phật bằng những hành vi mang tính mê tín dị đoan. Những người có trách nhiệm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng rõ ràng rằng, dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ nhà Phật; đó là triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên.

Vậy do đâu mà một bộ phận không nhỏ người dân lại mê đắm việc dâng sao giải hạn đến vậy? Có nhiều nguyên do nhưng theo tôi chủ yếu là con người nhận thức sai lệch về việc cầu an đầu xuân. Đây là dấu hiệu xấu đáng báo động về văn hóa. Khi tôn giáo mà thực dụng, tín ngưỡng mà u mê, tâm linh mà dị đoan tức là xã hội đang phát triển thiếu lành mạnh.

Nếu chúng ta buông bỏ việc giáo dục, quản lý, cứ cho các hành vi liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh như thế tự do phát triển, lan tỏa chắc chắn sẽ có những hậu quả tiêu cực trong xã hội. Con người trở nên thụ động trong cuộc sống, bấu víu vào những điều không tưởng. Cần đưa tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh trở lại với tính nhân văn cao cả vốn có, đừng để kẻ xấu lợi dụng nó để kiếm tiền và lũng đoạn xã hội.

Thiết nghĩ, việc đến chùa, đền không để làm gì khác ngoài "gạn đục, khơi trong" tâm thức mình, hồi hướng tới những điều tốt đẹp. Đừng ai mong cầu danh lợi ở những nơi chốn linh thiêng đó. Thần Phật, nếu có, đâu dễ “mắc lừa” kẻ tham lam, ích kỷ. "Ở hiền gặp lành", triết lý dân gian mộc mạc đó trùng khít với quan niệm "nhân-quả" của đạo Phật, sẽ giữ nguyên ý nghĩa muôn đời./.

Nguyễn Hữu Quý (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất