Chủ Nhật, 13/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 4/4/2014 8:41'(GMT+7)

Quảng Nam: Đổi mới về nội dung, hình thức học lịch sử địa phương trên địa bàn tỉnh

Lịch sử địa phương (LSĐP) là một bộ phận hợp thành lịch sử dân tộc, làm phong phú, sinh động và sáng tỏ thêm cho lịch sử dân tộc. Việc giảng dạy và học LSĐP không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, mà còn quan trọng hơn là góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước và hình thành nhân cách, đạo đức lối sống cho con người Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước nói chung, ở Quảng Nam nói riêng, tình trạng học sinh không thích học môn lịch sử nói chung, LSĐP nói riêng là khá phổ biến, một bộ phận lớn học sinh rất mơ hồ về lịch sử dân tộc. Lý do của việc học sinh thờ ơ với môn lịch sử có thể lý giải như sau: đó là do phương pháp dạy và học lịch sử hiện nay chưa phù hợp, đòi hỏi học sinh phải nhớ những con số, sự kiện một cách khô khan, máy móc; mặt khác xã hội nhìn nhận bộ môn lịch sử chỉ là một môn phụ, chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí năm nay, trong các môn thi tốt nghiệp THPT việc Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ coi lịch sử làm một môn tự chọn, mà không mang tính bắt buộc và theo thống kê thăm dò cho thấy một số trường không có thí sinh đăng ký thi môn lịch sử, mà không thì thì tất nhiên các em sẽ không học môn lịch sử, đó là một dấu hiệu đáng buồn; hơn nữa việc học và thi vào đại học môn lịch sử nói riêng, các môn xã hội nói chung sau khi ra trường rất hạn chế cơ hội kiếm việc làm, chứ chưa nói đến có thu nhập cao.

Quảng Nam – Đà Nẵng, là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, Lịch sử đấu tranh cách mạng của Quảng Nam là một bộ phận sinh động của lịch sử dân tộc. Thật vậy, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mảnh đất Xứ Quảng, đã được lịch sử lựa chọn với những cái đầu tiên, như: Ngày 1/9/1858 thực dân Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành những người tiên phong đứng lên chống Pháp; Quảng Nam – Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành Đảng bộ ra đời sớm; trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh, thành khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước; rồi sự kiện chiến thắng Núi Thành, Quảng Nam cũng được cả nước biết đến với trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ ở miền Nam… tất cả những điều đó đã làm nên một mảnh đất Quảng Nam “trung dũng kiên cường”.

Với bề dày truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng đó, xác định được vai trò tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tỉnh nhà, trong những năm qua được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Lịch sử Đảng bộ, lịch sử đấu tranh cách mạng của đoàn thể từ tỉnh đến huyện đã cơ bản hoàn thành. Trên cơ sở đó, để phát huy giá trị những công trình lịch sử đã xuất bản, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương “trung dũng kiên cường”, trong những năm qua một số địa phương đơn vị đã nghiên cứu, biên soạn đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trong hệ thống các trường THCS, THPT và Đại học, đồng thời tổ chức nhiều các hoạt động về nguồn thăm địa chỉ đỏ. Tiêu biểu như: Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Chính trị tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Nam…

Tuy nhiên, việc giảng dạy LSĐP trong hệ thống các trường phổ thông, đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra chưa thống nhất, không đồng bộ, chưa có một giáo án, hay đề cương chung cho mỗi cấp học, mà chủ yếu do giáo viên tự biên soạn tùy theo điều kiện, năng lực và khả năng của mình.

Để việc dạy và học LSĐP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hiệu quả cần đổi mới nội dung và hình thức:

Về nội dung: Ngành giáo dục từ tỉnh đến huyện, thành phố cần phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp thống nhất xây dựng đề án, nghiên cứu, biên soạn và đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy phù hợp với nội dung từng cấp học. Tránh tình trạng giảng dạy trùng lặp, chồng chéo. Cụ thể đối với bậc THCS thì dạy các em về những sự kiện, phong trào, những nhân vật tiêu biểu ngay tại nơi các em đang sinh sống và học tập. Đối với bậc THPT thì dạy các em những phong trào, sự kiện, nhân vật biểu tiểu của tỉnh như: Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28/3/1930); Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945; Chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ (25/6/1965); Tổng tiến công mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn quê hương…

Đối với các tiết học lịch sử địa phương ở trên lớp cần giới thiệu chủ đề, nội dung trước cho các em về nhà tự nghiên cứu, tìm hiểu; sau đó lên lớp giáo viên hướng dẫn các em bằng những câu hỏi mở hoặc tổ chức hình thức giải đáp ô chữ như cuộc thi olympia xoay quanh những sự kiện, nhân vật của chủ đề đã cho trước đó; mặt khác để động viên khuyến khích giờ học LSĐP có hiệu quả, chất lượng, sau mỗi câu trả lời đúng của học sinh, giáo viên cần có hình thức thưởng điểm.

Về hình thức: việc học LSĐP từ lâu nay có hai hình thức, đó là học trên lớp như đã nói ở trên và các hoạt động ngoại khóa. Để việc học LSĐP thật sự có hiệu quả, chúng ta cần phát huy tối đa hình thức hoạt động ngoại khóa, đây là hoạt động rất phong phú và sôi nổi nhất, giúp cho học sinh hứng thú và dễ tiếp thu, dễ hiểu nhất. Hiện nay các hoạt động ngoại khóa đã được các trường, địa phương, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tổ chức với nhiều hình thức như: Tổ chức thi tìm hiểu lịch sử địa phương nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương đất nước; học lịch sử tại trận địa, nơi diễn ra sự kiện. Hoặc tổ chức về nguồn thăm những di tích lịch sử, bia tưởng niệm, tượng đài chiến thắng, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, các bà Mẹ Việt Nam anh hùng, tham quan nhà trưng bày lịch sử, bảo tàng, tổ chức các hoạt động sinh hoạt đoàn, đội dưới chân tượng đài chiến thắng lịch sử của tỉnh nhà… Cụ thể huyện Đại Lộc, Phú Ninh, Núi Thành… tổ chức cho các em thi tìm hiểu lịch sử 75 năm, 80 năm thành lập Đảng bộ huyện với những câu hỏi xoay quanh quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện. Đặc biệt, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam đã tổ chức hướng dẫn các tổ chức cơ sở đoàn, đội tổ nhiều hoạt động về nguồn thăm địa chỉ đỏ cho đoàn viên thanh niên, đội viên với nhiều hình thức phong phú, sinh động và đầy ý nghĩa như: Tổ chức kết nạp đội viên tại Nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, sinh hoạt đoàn dưới chân Tượng đài chiến thắng lịch sử, tham quan báo công tại khu di tích Nước Oa….

Được biết hiện nay theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì việc phân bố tiết học LSĐP THCS 1- 2 tiết, THPT 3 tiết/năm nhưng lại bố trí vào cuối tuần của năm học. Vì vậy các trường cần chủ động và tăng cường tổ chức những hoạt động dã ngoại, ngoài giờ nhân những ngày lễ lớn của quê hương đất nước, hoặc những năm tròn, năm chẵn của sự kiện để qua đó giúp các em có điều kiện tìm hiểu lịch sử địa phương.

Để Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, trước hết chúng ta phải giáo dục cho các em về lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước qua những trang sử vẻ vang hơn 4000 ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và bài học đầu tiên dạy các em là bài học về lịch sử truyền thống về mảnh đất, quê hương nơi các em đã sinh ra và lớn lên.

Là mảnh đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, với hàng trăm di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Tượng đài chiến thắng Núi Thành, Bảo tàng tỉnh… và sắp tới sẽ đưa vào sử dụng công trình Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng, vì vậy Quảng Nam phải trở thành tỉnh đi đầu trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử địa phương, xứng đáng với truyền thống mảnh đất “Trung dũng kiên cường”.

Lê Năng Đông - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất