Chủ Nhật, 13/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 3/4/2014 10:37'(GMT+7)

Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2014

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Họp báo

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Họp báo

Ngày 11/6/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút, trong đó có quy định về chế độ nhuận bút cho tác phẩm sử dụng dưới hình thức xuất bản phẩm, nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.

Qua hơn 10 năm thực hiện thì đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các nhà xuất bản, cơ quan báo chí thực hiện lập Quỹ nhuận bút và chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; tạo sự thống nhất; đồng thời các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước thì đây là cơ sở để các cơ quan chủ quản xem xét hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các quy định này đã bộc lộc những tồn tại, hạn chế, những quy định không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và có hiệu lực kể từ ngày 0l/6/2014. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Chương II, Chương V, Chương VI Nghị định số 6 1/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút hết hiệu lực.

Nghị định số 18/2014/NĐ-CP có 5 chương và 16 điều, so với các quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí trong Nghị định 61/2002/NĐ-CP thì quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP có một số điểm mới chính sau:

Toàn bộ Nghị định đã thay cụm từ ''chủ sở hữu tác phẩm'' thành cụm từ ''chủ sở hữu quyền tác giả'' cho phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ.

Nghị định đã bổ sung quy định khung về khiếu nại, tố cáo đối với chế độ  nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản tại Điều 5 Nghị định.

Nghị định đã quy định rõ: Mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến tác phẩm cùng thể loại.

Tác phẩm báo chí đăng tải tại có trích dẫn nguồn của cơ quan báo chí khác đã có thoả thuận chia sẻ thông tin theo quy định về bản quyền, nhuận bút do các cơ quan báo chí thoả thuận quyết định.

Chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy đinh.

Trường hợp cơ quan báo chí đã liên hệ, thông báo ít nhất 3 lần cho người hưởng nhuận bút, thù lao nhưng không nhận được hồi âm thì tiền nhuận bút, thù lao đó được kết chuyển sang Quỹ nhuận bút của năm tiếp theo.

Quy định này để làm căn cứ cho các cơ quan báo chí thực hiện và hạch toán kế toán, đảm bảo quyền lợi của người hưởng nhuận bút, thù lao.

Khung nhuận bút cho báo chí tại Nghị định chỉ quy định hệ số tối đa mà không quy định hệ số tối thiểu. Xuất phát từ điều kiện thực tế của nhiêu cơ quan báo chí thì hệ số tối thiểu của khung nhuận bút tại Nghị định 61/2002/NĐ- CP là quá cao và khó có khả năng chi trả, đặc biệt là báo đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được việc chi trả nhuận bút theo hệ số tối thiểu cho một số thể loại báo chí. Vì vậy Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị không quy định hệ số tối thiểu mà chỉ quy định hệ số tôi đa trong khung nhuận bút và được Chính phủ chấp nhận như trong Nghị định 18/2014/NĐ-CP.

Về giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút cho báo chí: Nghị định đã quy định giá trị một đơn vị nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thay cho 10% mức tiền lương tối thiểu để phù hợp với các quy định về tiền lương.

Về Quỹ nhuận bút: Đối với các cơ quan báo chí cả báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình: Nghị định đã quy định rõ Nguồn hình thành Quỹ nhuận bút từ các nguồn sau:

Nguồn thu từ hoạt động báo chí;

Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí;

Nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có)

Đối với cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động hoặc đài phát thanh, đài truyền hình hoạt động theo cơ chế đặc thù thì quỹ nhuận bút do cơ quan báo chí quyết định trên cơ sở cân đối tài chính của đơn vị.

Đối với cơ quan báo chí chưa bảo đảm chi phí hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cấp kinh phí cho cơ quan báo chí trích lập quỹ nhuận bút trên cơ sở xây dựng dự toán như quy định tại Khoản 2 Điều 8, Khoản 2 Điều 11 Nghị định l8/2014/NĐ-CP

Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử: Bổ sung đối tượng hưởng thù lao là người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí. Đồng thời quy định rõ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên được hưởng thù lao; Bổ sung thêm thể hoại báo chí là trực tuyến, media vào khung nhuận bút, đồng thời bổ sung quy định rõ với thể loại Ký thì đó là 01 kỳ; Bổ sung quy định: Đối với báo điện tử, nhuận bút, thù lao thông tin do độc giả cung cấp sẽ do Tổng biên tập quyết định, trừ những trường hợp có thoả thuận khác; Bổ sung quy định: Đối với các bài phỏng vấn, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn được cơ quan báo chí trả nhuận bút theo quy chế của cơ quan báo chí.

Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình: so với quy định tại Nghị định 61/2002/NĐ-CP thì Nghị định 18/2014/NĐ-CP đã quy định rõ hơn, bổ sung đối tượng được hưởng thù lao như: Lãnh đạo cơ quan báo nói và báo hình, biên tập viên, chuyên viên kỹ thuật âm thanh; Nghị định đã bổ sung thêm thể loại Toạ đàm, giao lưu trong khung nhuận bút cho phù hợp thực tế.

Có quy định dẫn chiếu sang quy định pháp luật về nhuận bút trong lĩnh vực khác, Điểm c Khoản 5 Điều 10 Nghị định 18/2014/NĐ-CP đã quy định: Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, tác phẩm điện ảnh, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm hưởng nhuận bút bằng mức nhuận bút tương ứng theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút cho tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, nhuận bút cho tác phẩm điện ảnh, vi deo.

Để phù hợp với thực tế hoạt động của báo nói và báo hình, tại Điểm b Khoản 6 Điều 10 Nghị định 18/2014/NĐ-CP đã quy định: Đối với thể loại cầu phát thanh, cầu truyền hình, chương trình phát thanh trực tiếp, chương trình truyền hình trực tiếp và những thể loại khác chưa quy định trong Nghị định này, tuỳ theo tính chất, quy mô, Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) các đài phát thanh, truyền hình quyết định mức nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người liên quan thực hiện các chương trình đó.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6./.

Thanh Xuân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất