Thứ Tư, 27/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 25/10/2012 21:41'(GMT+7)

Quảng Nam : Đối thoại với doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ rất cần vốn

Doanh nghiệp nhỏ rất cần vốn

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, ngành dệt và khá nhiều DN đứng trước nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ không ổn định, công nghệ chưa đáp ứng, chất lượng sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và một số dự án lúng túng, trì trệ vì thiếu vốn. Lãi suất vay dù đã được các ngân hàng điều chỉnh, nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vì không đảm bảo các điều kiện cho vay. Phần lớn DN vừa và siêu nhỏ đều có nợ quá hạn hoặc nợ xấu. “Công nghệ yếu, năng lực quản trị, điều hành DN hạn chế, khó tuyển dụng lao động đã có kinh nghiệm hoặc được đào tạo phù hợp, cộng với lãi suất vốn vay quá cao kéo dài nhiều năm và DN không còn tài sản thế chấp để bổ sung vốn lưu động, nên chỉ sản xuất cầm chừng hoặc sản xuất kinh doanh đình trệ, nhất là DN ngành dệt vải và sợi, dẫn tới lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp…” - ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, không một ai có quyền sách nhiễu cản trở những DN làm ăn chân chính. Chính quyền địa phương sẵn sàng tiếp nhận mọi kiến nghị từ phía DN, sẽ tiếp tục xem xét, tháo gỡ các kiến nghị, gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng việc đào tạo nghề. Chính quyền đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định, phát triển và mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất.

Tại cuộc đối thoại chiều 22.10, nhiều ý kiến của các DN tham dự đã tập trung kiến nghị về việc thiếu cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động, khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, cơ chế, chính sách phát triển làng nghề còn hạn chế, hay hiệu lực hành chính của địa phương cấp xã “xuống thang liên tục”, thiếu sự phản hồi từ các cơ quan hữu trách… khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Những ý kiến này cũng tương đồng với bản báo cáo của chính quyền huyện và 30 góp ý khác được gửi tới cơ quan công quyền trước đó. Bà Hằng Sanchéz Barroso, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Kết Đoàn (nhà máy may 100% vốn Tây Ban Nha) nói chính sách “trải thảm đỏ” của địa phương đã khiến nhiều DN cảm kích, nhưng đó không phải là điều kiện đủ để DN phát triển hay mở rộng đầu tư. Nhiều DN đã tỏ ra rất lo lắng về sự chập chờn, thiếu ổn định của hệ thống điện. DN đã sẵn sàng bố trí nhân công và giờ giấc để thích nghi với lịch cấp, cắt điện như thông báo nhưng vẫn không ổn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng có những vấn đề tự thân DN không thể giải quyết được. “Điện chập chờn, tay nghề lao động yếu, DN mất 4 tháng đào tạo lại, kể cả công nhân đã qua trường lớp vẫn không đáp ứng được nhu cầu DN khiến chi phí đội lên cao. DN sẽ chỉ là nơi đào tạo thêm cuối cùng để tạo ra công việc cho người lao động, còn địa phương làm gì để giúp DN trong chuyện này?” - bà Hằng nói.

Rất nhiều DN đồng quan điểm với ý kiến của bà Hằng khi nhắc đến hệ thống điện. Ông Phan Ngọc Anh, một giám đốc công ty sản xuất gạch ở Duy Hòa (doanh nhân tiêu biểu Quảng Nam lần thứ nhất 2012) đến Giám đốc nhà máy Sedovinako đều phàn nàn về điện. Còn đại diện các hợp tác xã (HTX) dệt, ông Trần Công Nghĩa - Phó Chủ nhiệm HTX Dệt Mã Châu cho rằng khó có thể tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư hay ngân hàng vì dường như DN không còn sức để trụ lại. Ở đâu cũng đòi hỏi phải có bất động sản thế chấp thì những DN nhỏ bé và siêu nhỏ ở Duy Xuyên lấy gì có thể tiếp cận được vốn, dù trên các văn bản chính sách vẫn được ghi là HTX có thể vay đến 500 triệu đồng không cần thế chấp? Chưa kể đến việc DN sản xuất, chế biến hải sản ở Duy Hải liên tục bị thanh niên quậy phá, DN nhiều lần gửi đơn đến chính quyền và công an địa phương vẫn không nhận được câu trả lời khiến họ nản chí, tính chuyện dời cơ sở đầu tư đến nơi khác…

Tạo sự thông hiểu

Trả lời những kiến nghị của DN, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, ông Vũ Văn Nghiêm phân trần và mong DN chia sẻ khó khăn khi cho rằng vì chỉ có một tuyến điện duy nhất, kéo dài đến 50km từ vùng đông trở lên Duy Sơn nên rất khó kiểm soát. “Điện thương phẩm không thiếu nhưng sự cố đường dây không kiểm soát được, đường điện dài, hành lang tuyến thiếu an toàn, chưa kể vẫn dựa vào đường dây cũ, cấp điện cho tất cả phụ tải khác. Điện lực Quảng Nam đã đề nghị xây dựng thêm nhưng thiếu vốn nên dự án chưa được phê duyệt. Hy vọng nếu đầu tư thêm trong thời gian tới sẽ cải thiện được tình trạng điện chập chờn hay sự cố như hiện nay” - ông Nghiêm nói. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam nói rằng theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam, tăng trưởng tín dụng 9 tháng chỉ 1,35% nhưng vốn tăng 12%, nghĩa là vốn ngân hàng đảm bảo cho DN. Nhưng đầu ra của đồng vốn là vấn đề. “Có thể có những DN vay phải có tài sản thế chấp 100%, có DN chỉ xem tài sản như để bảo đảm nợ vay một phần, không phải là yêu cầu bắt buộc. Những DN có độ rủi ro cao thì phải có tài sản bảo đảm chứ không bắt buộc tất cả theo quy định này. Nếu DN xếp hạng tín dụng tốt thì không có lý gì ngân hàng không cho vay; có phương án sản xuất kinh doanh tốt thì không ngân hàng nào không đầu tư” - ông Việt nói.

Không phải các ý kiến từ DN đưa ra đều xác đáng; những câu trả lời của chính quyền và cơ quan quản lý chưa hẳn đã làm hài lòng DN. Nhưng cuộc đối thoại DN ngày 22.10 tại Duy Xuyên đã mở ra sự thông hiểu, tạo sự bứt phá hơn để nâng cao năng lực cán bộ, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng khi chính quyền và DN đều tỏ rõ thiện chí, cùng nhau chia sẻ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên cho rằng việc có xây dựng Duy Xuyên thành huyện công nghiệp được hay không là nhờ vào sự phát triển của DN. Vì thế, sẽ làm trong sạch thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các vướng mắc, kiến nghị để tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển, đôi bên cùng có lợi. Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng cam kết chính quyền sẽ làm hết sức mình, nhất là việc chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, nỗ lực huy động vốn để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho DN triển khai nhanh dự án và trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh. Ông Dũng cũng đã đề nghị tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cụm CN, triển khai dự án cấp nước sản xuất và sinh hoạt lẫn dự án nước thải tại cụm công nghiệp Tây An vì vốn vượt quá khả năng đầu tư của ngân sách huyện.

Vượt khó nhờ giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của UBND huyện Duy Xuyên, 9 tháng qua, ngành dệt và nhiều ngành nghề khác gặp không ít khó khăn, 17/198 DN đang chờ giải thể hoặc phá sản, nhưng tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) cũng đã đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng cả năm theo chỉ tiêu 22%. Chính quyền huyện đã vượt qua sự thiếu hụt nguồn lực trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vận động, huy động trên 50 tỷ đồng, đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Tây An và Đông Yên, triển khai 33 dự án kết cấu hạ tầng với tổng vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng, gấp 5 lần mức vốn được giao đầu năm (chưa tính vốn đầu tư của DN và nhân dân khoảng trên 300 tỷ đồng). Ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, nhờ giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện nhanh kết cấu hạ tầng đã góp phần động viên thu hút các DN triển khai dự án và nhanh chóng đi vào sản xuất… Kết quả này đã góp phần rất quan trọng trong việc tạo thêm 18.000 việc làm (5.800 lao động tại các DN) và tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết chuyển lao động từ ngành dệt sang ngành may xuất khẩu và nhiều ngành sản xuất khác.


Theo: Báo Quảng Nam
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất