Thứ Tư, 11/9/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Hai, 17/5/2021 7:30'(GMT+7)

Thực hiện các nguyên tắc cơ bản của bầu cử theo tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân

Công tác bỏ phiếu bầu cử trên đảo Sơn Ca được tổ chức trang trọng, đúng quy định, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Công tác bỏ phiếu bầu cử trên đảo Sơn Ca được tổ chức trang trọng, đúng quy định, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân - cơ sở của các nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở nước ta

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thể hiện trình độ kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin với việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kho tàng tri thức, kinh nghiệm của nhân loại, vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng nhất quán của Người là Nhà nước ta phải là Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”[1].

Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Người khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”[2].

Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân có quyền kiểm soát đại biểu mà mình đã bầu ra. Người viết: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”[3].

Người chỉ ra con đường xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền của dân, do dân, vì dân là Nhà nước có hệ thống pháp luật dân chủ, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân: Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách mạng tháng Tám thành công ta lập ra Chính phủ mới với pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”[4].

Tính dân chủ của pháp luật không chỉ thể hiện ở chỗ nội dung các đạo luật ghi nhận quyền và lợi ích của nhân dân mà còn thể hiện ở chỗ nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng các đạo luật. Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ sáng kiến của nhân dân, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1959, việc bảo đảm sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào xây dựng pháp luật đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Chuẩn bị hòm phiếu cho ngày bầu cử. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ảnh tư liệu

Để đảm bảo pháp luật thực sự của nhân dân, trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bản Hiến pháp mà chúng ta đã thảo ra... phải tiêu biểu được các nguyện vọng của nhân dân... Sau khi thảo xong chúng ta cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi. Có như thế bản Hiến pháp của chúng ta mới thật sự là bản Hiến pháp của chế độ dân chủ”[5].

Người nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của Đảng, Nhà nước và cán bộ đảng viên nếu không làm tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[6].

Nhà nước công nhận và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình, còn công dân phải làm tròn các nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội, đặc biệt là nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật[8].

 2. Chế độ bầu cử tự do - thành tố quan trọng của nhà nước pháp quyền

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không phân chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam đều có hai quyền đó"[9].

Bầu cử tự do và công bằng là một nguyên tắc cốt lõi trong bầu cử, được nhấn mạnh rất nhiều trong các văn kiện quốc tế, trong Hiến pháp và pháp luật nhiều nước. Đó là “một trong những yếu tố then chốt của dân chủ, nhằm tạo điều kiện thực hiện ý chí của nhân dân”. Chẳng hạn, vào năm 1994 Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đã ra Tuyên bố về những chuẩn mực cho một cuộc bầu cử tự do và công bằng sau đó đã được công nhận rộng rãi ở Đại hội đồng liên hợp quốc, Cơ quan trợ giúp về các vấn đề bầu cử của liên hợp quốc, Cơ quan phát triển của liên hợp quốc; các tổ chức khu vực như Hội đồng châu Âu, Tổ chức Liên minh châu Phi.

Về quyền bầu cử của công dân, IPU nhấn mạnh, tất cả các công dân đến tuổi đều có quyền bỏ phiếu mà không bị đối xử phân biệt; được đăng ký danh sách cử tri hiệu quả, khách quan, không phân biệt đối xử; không được tước quyền bỏ phiếu đối với một công dân đủ điều kiện nào hoặc ngăn cản họ đăng ký trong danh sách cử tri, trừ những trường hợp được quy định một cách khách quan trong luật, với điều kiện các quy định đó phải tuân thủ các nghĩa vụ của Nhà nước theo luật quốc tế; tất cả các cử tri có quyền tiếp cận một cách bình đẳng và hiệu quả đối với điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền bỏ phiếu của mình; quyền bỏ phiếu kín là quyền tuyệt đối và không được hạn chế bằng bất kỳ hình thức nào.

Công tác tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Thạch Hà đang được tập trung cao.

Công tác tuyên truyền, cổ động bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang được triển khai tích cực

Mỗi công dân đều có quyền tham gia vào công việc của Chính phủ và phải có cơ hội bình đẳng ứng cử. Các tiêu chí để tham gia chính sự phải được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, và không trái với các nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước. Theo IPU, mỗi công dân có quyền gia nhập hoặc cùng với người khác thành lập chính đảng hoặc tổ chức nhằm mục đích tranh cử. Mỗi công dân đều có quyền cá nhân hoặc cùng với người khác thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không bị can thiệp; được quyền tìm hiểu, tiếp nhận thông tin và có sự lựa chọn dựa trên thông tin; được đi lại tự do trong nước để tranh cử; được tranh cử một cách bình đẳng với các đảng khác, kể cả đảng đang nắm quyền. Mỗi ứng cử viên và mỗi đảng đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận báo chí để thể hiện quan điểm chính trị của mình. Mỗi ứng cử viên và mỗi đảng đều có quyền được pháp luật bảo vệ và được bồi thường khi có vi phạm đối với các quyền bầu cử.

Các quyền nói trên có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật, trong những trường hợp được cân nhắc vì lợi ích an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe, đạo đức công cộng, hoặc bảo vệ các quyền và tự do của người khác, với điều kiện chúng phải tuân thủ các nghĩa vụ của nhà nước theo luật quốc tế. Những biện pháp hạn chế không được phân biệt đối xử về giới tính, sắc tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, nguồn gốc xã hội, tài sản... Bất kỳ ứng viên hay đảng phái nào bị hạn chế hoặc từ chối các quyền nói trên phải có cơ hội khiếu kiện lên cơ quan có thẩm quyền[10]. Mặt khác, các ứng viên và đảng phái phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, đặc biệt không được sử dụng hoặc tham gia vào bạo lực. Họ phải tôn trọng quyền và tự do của người khác; phải chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng[11].

 3. Pháp luật về bầu cử và các nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở Việt Nam

Bầu cử ở Việt Nam là quá trình các cử tri đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam; bao gồm bầu cử Quốc hội (ở Trung ương) và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (ở địa phương). Thông thường, các cuộc bầu cử được tiến hành khi các cơ quan dân cử (hay cơ quan quyền lực nhà nước) hết nhiệm kỳ. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiệm kỳ của Quốc hội mỗi khóa là năm năm, tương tự, năm năm cũng là nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp. Chính vì vậy, năm năm một lần, ở Việt Nam lại định kỳ tiến hành bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tại Việt Nam, các cuộc bầu cử có tính chất pháp lý rất cao, đó là một khâu quan trọng để thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương; là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Điều 6 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”[12]. Thuật ngữ bầu cử ở Việt Nam gắn mật thiết với khái niệm dân chủ, trong đó những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương thức đảm bảo cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đó. Trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân (người bị quản lý). Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.


Bầu cử cũng được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền cho Nhà nước và với tư cách là một chế độ tiên tiến, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể bằng một phương pháp nào khác hơn là bầu cử để thành lập ra các cơ quan của mình. Cuộc bầu cử là một trong những hình thức hoạt động xã hội - chính trị quan trọng của nhân dân. Bầu cử thu hút sự tham gia đông đảo của cử tri đại diện cho các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, giới tính... Bởi vậy, để đạt được kết quả, các cuộc bầu cử phải được tiến hành có tổ chức, theo những trình tự chặt chẽ do pháp luật quy định.

Các nguyên tắc cơ bản của bầu cử là các quy tắc, nguyên lý chỉ đạo được áp dụng cho quyền bầu cử của chủ thể (quyền bầu cử chủ động và quyền bầu cử bị động). Nguyên tắc cơ bản của bầu cử là điều kiện được quy định bởi pháp luật bầu cử của mỗi quốc gia, mà việc thực hiện và tuân thủ quy định đó trong quá trình bầu cử quyết định tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

Sắc lệnh đầu tiên về nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành là Sắc lệnh số 14 ngày 08-9-1945 về mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại biểu. Tiếp sau đó là Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945 ấn định thể lệ tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 06-01-1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra. Ngày 02-3-1946, Quốc hội đã họp kỳ họp đầu tiên. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm 403 đại biểu với nhiều thành phần như: công nhân, nông dân, viên chức, trí thức, quân nhân cách mạng. Quốc hội khóa I cũng đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Việt Nam, ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử ở Việt Nam mà trước đó được thông qua bởi các sắc lệnh nói trên. Đáng chú ý, Hiến pháp năm 1946 ghi nhận 04 nguyên tắc của bầu cử có những khác biệt so với giai đoạn sau, đó là: Chế độ bầu cử là phổ thông, đầu phiếu, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980, nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 1959. Các nguyên tắc trực tiếp, phổ thông, bỏ phiếu kín vẫn tiếp tục được ghi nhận trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959 và Pháp lệnh bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, cũng từ giai đoạn này trở đi, nguyên tắc cơ bản của bầu cử tự do được thay thế bằng nguyên tắc bình đẳng, mà bình đẳng thì đã có trong nội hàm của nguyên tắc phổ thông.

Chế độ bầu cử giai đoạn 1980 - 1992 được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1980 và cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các năm 1983, 1989 với một số điểm đáng lưu ý là quy định về hiệp thương, một thủ tục nhằm cơ cấu, lựa chọn ra ứng cử viên, quy định này vẫn chi phối tiến trình bầu cử ở Việt Nam cho đến hiện nay. Ngoài ra, việc miễn nhiệm đại biểu khi họ không còn xứng đáng với cử tri cũng được cụ thể hóa trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980 và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1983.

Từ năm 1992 đến nay, nguyên tắc cơ bản của bầu cử được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1992: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”[13]. Các nguyên tắc này được cụ thể hóa trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội các năm 1992, 1997 (sửa đổi các năm 2001, 2007, 2010); Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các năm 1994, 2003. 

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 và trong tất cả các văn bản luật về bầu cử (Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2015), ngay tại điều đầu tiên của các Luật này (Điều 1) đều quy định và khẳng định 04 nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở Việt Nam, đó là: “Việc bầu cử ... tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” [14], [15], [16]. Việc quy định nguyên tắc cơ bản của bầu cử ngay tại điều đầu tiên của các Luật về bầu cử không những cho thấy sự quan tâm đặc biệt mà còn khẳng định mạnh mẽ và chắc chắn Đảng ta, Nhà nước ta thực sự của dân, do dân và vì dân, dân làm chủ và quyết định lựa chọn người ưu tú đại diện cho mình trong cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.cơ quan quyền lực trong việc bảo đảm đối với mà còn khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn xác định

Nguyên tắc phổ thông: Đây là nguyên tắc rất quan trọng được khẳng định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho tất cả công dân không bị phân biệt dựa trên căn cứ thành phần dân tộc, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính.

Nguyên tắc bình đẳng: Được thể hiện ở một số khía cạnh như mỗi cử tri không phân biệt đều có số lần bỏ phiếu như nhau, giá trị lá phiếu của mỗi cử tri đều như nhau, số lượng dân cư như nhau thì bầu được số lượng đại biểu bằng nhau.

Nguyên tắc trực tiếp: Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong lựa chọn người đại biểu. Cụ thể, cử tri được trực tiếp bỏ phiếu vào thùng phiếu mà không qua người trung gian, cử tri cũng trực tiếp lựa chọn người mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, không bầu bằng cách thức gửi thư.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tạo điều kiện để quá trình lựa chọn của mỗi cử tri không bị tác động, ảnh hưởng của các cá nhân hoặc tổ chức khác.

 
4. Giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về bầu cử và các nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở Việt Nam


Để bảo đảm thực hiện pháp luật về bầu cử và các nguyên tắc cơ bản của bầu cử, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Một là: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026[17], Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026[18] và Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026[19].

Hai là: Thực hiện quy định tại đoạn 3 Điều 73 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (sau đây gọi là Luật bầu cử): "Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu” theo hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội[20] và Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 về xử lý vi phạm quy định của pháp luật về bầu cử: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”[21]; cụ thể là:

1. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 160 Bộ luật Hình sự): “1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Dần đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 160 Bộ luật Hình sự): “1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”[22].



TS. Đỗ Đức Hồng Hà

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

_______________________________________

 

[1] Điều 1, Hiến pháp năm 1946.

[2] Hồ Chí Minh (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.153.

[3] Hồ Chí Minh (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tập 12, tr.375.

[4] Hồ Chí Minh (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tập 8, tr.262.

[5] Hồ Chí Minh (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tập10, tr.510-511.

[6] Hồ Chí Minh (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tập 9, tr.518.

[7] Hồ Chí Minh (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.258.

[8] PGS.TS Tào Thị Quyên, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và vận dụng trong xây dựng nhà nước pháp quyềnhttps://vksndtc.gov.vn/thong-tin/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh, cập nhật ngày 17/5/2019.

[9] Hồ Chí Minh (1945), Ý nghĩa Tổng tuyển cử, Báo Cứu quốc số 130, ngày 31/12/1945.

[10] Quốc hội (2015), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Điều 69).

[11] Khoa Luật - Đại học Duy Tân (2020), Nguyên tắc của bầu cử tại Việt Namhttps://khoaluat.duytan.edu.vn/goc-hoc-tap/che-do-bau-cu-tu-do-thanh-to-quan-trong-cua-nha-nuoc-phap-quyen-p1, cập nhật ngày 18/10/2020.

[12] Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

[13] Quốc hội (1992), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

[14] Quốc hội (1992), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992.

[15] Quốc hội (1997), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997.

[16] Quốc hội (2015), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

[17] Ban Chấp hành Trung ương (2020), Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

[18] Thủ tướng Chính phủ (2021), Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

[19] Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

[20] Ủy ban thường vụ Quốc hội (2016), Hướng dẫn Điều 73 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 số 1129/UBTVQH13-PL ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[21] Quốc hội (2015), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 95).

[22] Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Quốc hội.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất