Thứ Hai, 9/12/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Năm, 13/5/2021 14:18'(GMT+7)

Quảng Ninh làm theo lời Bác

Thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh - tỉnh địa đầu, phên dậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc; trải qua những thăng trầm lịch sử, với rất nhiều tên gọi khác nhau đến thời Pháp thuộc được đặt tên là Quảng Yên và Hải Ninh; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến hòa bình lập lại năm 1954, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng. Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là Quảng Ninh.

Về sự kiện này, Bác Hồ đã gợi ý gọi là Quảng Ninh, do ghép chữ Quảng (của Hồng Quảng) và chữ Ninh (của Hải Ninh) mà thành. Bác nói “Quảng Ninh còn có nghĩa là một vùng đất lớn an bình”.

Với Quảng Ninh, dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nhân dân các dân tộc và Thợ mỏ Quảng Ninh một tình cảm đặc biệt. Sinh thời, từ năm 1946 đến năm 1965, Người đã 9 lần về thăm, làm việc tại Quảng Ninh; những lần không thể về thăm, động viên, căn dặn cán bộ, công nhân ngành than, nhân dân, học sinh, bộ đội… Bác Hồ còn nhiều lần gửi thư, điện khen ngợi, hỏi thăm Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh.

Qua 58 năm thành lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng phát triển. Hiện nay, tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện có 20 đảng bộ trực thuộc tỉnh (13 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố; 7 đảng bộ cơ quan, ngành) với 726 chi, đảng bộ cơ sở (177 đảng bộ xã, phường, thị trấn), 5014 chi bộ và 103.861 đảng viên.

Ghi nhớ lời Bác dặn “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”[1], Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân Vùng mỏ, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Từ một tỉnh gần như có xuất phát điểm về kinh tế thuộc hàng thấp nhất so với các tỉnh, thành phố vùng châu thổ sông Hồng, thực lực kinh tế - xã hội nổi bật nhất của tỉnh là ản xuất than[2], đến nay, tỉnh đã có sự đổi thay lớn lao cả về tầm vóc và diện mạo, trở thành tâm điểm của đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tiên phong trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chăm lo đời sống nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia. 

Những giá trị, kết quả to lớn đó có được là minh chứng rõ nét về quyết tâm chính trị, về sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, thống nhất ý chí và hành động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Điều này được thể hiện rõ nét ở việc, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi, thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá để tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, tha hoá quyền lực. Trong đó, đã có nhiều biện pháp triển khai sáng tạo, đi trước những chỉ đạo của Trung ương, là cơ sở thực tiễn để Trung ương nhận thức rõ hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt tỉnh đã mạnh dạn, quyết tâm thực hiện các đột phá về thể chế, về tổ chức, bộ máy; về quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng nguồn lực con người; xây dựng mô hình mới về phương thức đầu tư, quản lý, cải cách hành chính, chính quyền điện tử...

Đây chính là tiền đề cho tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phát triển những mô hình, hình thái vận động mới với quy mô, hình thức khác biệt, phá vỡ nếp nghĩ theo cơ chế cũ, kích thích tiếp cận tư duy sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở có bước đi thận trọng (làm thí điểm, rút kinh nghiệm để triển khai rộng hơn). Song hành với đó là sự chủ động, tích cực trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng.

Đến nay, đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã chuyển tải, từng bước cụ thể hóa được “ham muốn tột cùng” của Bác “là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Quảng Ninh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

 Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (giai đoạn 2015-2020) đạt 10,7%, đặc biệt năm 2020 trong điều kiện bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 10,05%, cao hơn so với bình quân chung cả nướcGRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước

 Việc triển khai thực  hiện ba đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đã được đảng bộ tỉnh triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt những kết quả quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá. 

Kế thừa, phát triển những thành quả của giai đoạn 2010-2015, 5 năm trở lại đây, tỉnh tiếp tục thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế, đường cao tốc, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện; quyết liệt xóa bỏ cơ chế “xin - cho” để xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, nhà đầu tư một cách hiệu quả, nhanh nhất. Cách làm của Quảng Ninh đã được Trung ương đánh giá là tạo ra sự thay đổi một cách tổng thể trong cả tư duy lẫn hành động của bộ máy, là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong cả nước tìm hiểu, vận dụng. Đến nay, tỉnh đã thực hiện giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định; trên 75% số thủ tục hành chính cấp tỉnh, 100% thủ tục hành chính cấp huyện vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; cải cách hành chính có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản,góp phầnthúc đẩy, thực hiện có hiệu quả phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. 

 Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh ước đạt 123.044 tỉ đồng. Quảng Ninh đã hoàn thành gần 100km đường cao tốc và đang triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (dự kiến hoàn thành năm 2021).

Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh đứng vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phốcả nướcvề chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); năm 2017, 2018 và 2019tỉnh Quảng Ninh liên tiếp dành vị trí quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), đứng thứ 3 toàn quốc năm 2019, đứng thứ nhất năm 2020.Về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh luôn xác định xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín là nhiệm vụ then chốt để tỉnh bứt phá.

Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho gần 140.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức (trong đó đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho trên 36.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp). Ngoài ra, một chính sách riêng được ban hành nhằm thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh. Với những giải pháp này, chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Ninh đã có sự thay đổi về cơ cấu; đến hết năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 85% (tăng 20,55% so với năm 2015), thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. 

Đường 10 làn xe thành phố Hạ Long.

Đường 10 làn xe tại thành phố Hạ Long.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, tỉnh còn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, với quan điểm xây dựng con người Quảng Ninh văn minh, thân thiện, những giá trị văn hoá tinh thần của giai cấp công nhân Vùng mỏ, các giá trị lịch sử của vùng đất được ví như hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ, đã từng bước được bồi đắp, nâng tầm trong nền hội tụ và giao thoa của văn minh sông Hồng. Nhiều công trình trên lĩnh vực văn hoá - xã hội đã được đầu tư, như: Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP Móng Cái); Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; các dự án hạ tầng, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn... đã góp phần tạo dựng bộ mặt mới cho một Quảng Ninh văn minh, hiện đại. Những lễ hội được tổ chức hằng năm, như: Yên Tử, đền Cửa Ông, hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, chiến thắng Bạch Đằng, hội đình Trà Cổ, đình Quan Lạn, Carnaval Hạ Long, đã trở thành thương hiệu riêng có của Quảng Ninh. Thương hiệu Quảng Ninh dần được định vị trong chuỗi giá trị quốc gia, toàn cầu. Quốc phòng -an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ...

Có thể nói 9 lần Bác về thăm Quảng Ninh và lần tiếp đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch năm 1968 là những sự kiện vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Những lời dạy của Bác năm xưa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhìn lại những diễn biến lịch sử sau những lần Bác Hồ đến thăm, tỉnh Quảng Ninh có thể tự hào trước những thành tựu to lớn cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Một Quảng Ninh năng động phát triển đã và đang khẳng định tầm nhìn, hướng đi và sự đầu tư đúng đắn của Trung ương và tỉnh; thể hiện vai trò to lớn sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chính quyền đồng hành cùng những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ninh với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân Vùng mỏ, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Với 9 lần Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Ninh, trong đó có sự kiện ngày 9/5/1961 Bác ra thăm quân, dân đảo Cô Tô. Từ đó đến nay đã tròn 60 năm Người ra thăm đảo, tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Cô Tô luôn tự hào và biết ơn sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bác Hồ kính yêu của dân tộc. Để thể hiện sự biết ơn đó tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Cô Tô luôn nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Một Quảng Ninh năng động phát triển, một huyện đảo Cô Tô khang trang đã và đang khẳng định tầm nhìn, sự đầu tư đúng đắn của Trung ương và tỉnh; thể hiện vai trò to lớn sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh đồng hành cùng những nỗ lực không mệt mỏi của đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân huyện đảo Cô Tô. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ninh nói chung, Cô Tô nói riêng nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân Vùng mỏ, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp - đó cũng chính là những việc làm, hành động cụ thể của đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh thể hiện lòng tôn kính, yêu quý và làm theo lời Bác.

Hoàng Đại Dương

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh


[1]Lời Bác dặn khi gặp mặt đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968.

[2]Sách Quảng Ninh 30 năm đổi mới cùng đất nước – trang 35-36

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất