Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 11/6/2014 21:6'(GMT+7)

Quảng Nam: Quan tâm công tác giáo dục truyền thống

Tượng đài chiến thắng Thượng Đức. Ảnh minh họa

Tượng đài chiến thắng Thượng Đức. Ảnh minh họa

Có thể khẳng định rằng, tại hội thảo này công tác giáo dục truyền thống đã được quan tâm xứng đáng. Sự quan tâm đó được thể hiện bằng sự có mặt của gần 30 giáo viên bộ môn lịch sử đến từ trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Đại Lộc, cùng với các đại biểu là các đồng chí tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam, các anh hùng lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.

Sự có mặt của giáo viên môn lịch sử - những “đại biểu đặc biệt” này thể hiện, sự quan tâm, coi trọng đối với công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đáp lại tình cảm, sự tôn trọng đó, gần 30 đại biểu nói trên rất chăm chú lắng nghe, ghi ghi chép chép từng chi tiết, sự kiện mà các nhân chứng, những người trong cuộc phát biểu tại hội thảo. Bởi vì, chỉ có qua lời kể của nhân chứng - những người trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Thượng Đức, như Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, người có câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”, mà chúng ta đã có dịp được học qua trang sách lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Hôm nay, với những con người thật, việc thật đó sự kiện lịch sử Chiến thắng Thượng Đức được dựng lại vô cùng sinh động, từ đó thì ý nghĩa của chiến thắng Thượng Đức mới đến được với các em học sinh một cách nhanh nhất, chân thực và phong phú nhất. “Những câu chuyện và cứ liệu lịch sử sống động như thế này rất bổ ích đối với những người dạy sử như chúng tôi, đặc biệt là trong việc giảng dạy lịch sử địa phương. Khi được mời dự hội thảo có quy mô như thế này, chúng tôi cảm thấy mình và công việc mình đang làm được mọi người tôn trọng và vì thế, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và tình yêu trong công việc...”, đó là tâm sự của một giáo viên khi tham dự hội thảo.

Còn đối với thầy giáo Nguyễn Quận, trường THPT Chu Văn An, huyện Đại Lộc, thì cho rằng: “Cần đặt đúng vị trí chiến thắng Thượng Đức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12”. Trong bài tham luận của mình, thầy cho rằng, việc chọn sự kiện chiến thắng đường số 14 - Phước Long (6.1.1975) làm sự kiện quân sự tiêu biểu để minh họa cho chủ trương kế hoạch giải phóng miền Nam là chưa thực sự chính xác. Bởi vì, sau Hiệp định Pari, thì chiến thắng Thượng Đức ngày 07/8/1974 mới là chiến dịch quân sự có tầm chiến lược quan trọng nhất. Và cũng sau chiến thắng Thượng Đức, cuối năm 1974 đầu 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng mới đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Trong khi đó chiến dịch Phước Long bắt đầu từ 12/12/1974 và kết thúc ngày 06/01/1975. Như vậy, trên mặt trận quân sự không thể xem chiến thắng Phước Long là chiến thắng quân sự tiêu biểu, đầu tiên sau Hiệp định Pari, làm cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và chính quyền Sài Gòn được. Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã từng khẳng định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975”. 

“Với ý nghĩa to lớn của chiến thắng Thượng Đức, trong lịch sử cách mạng của dân tộc, thiết nghĩ lần đổi mới chương trình lịch sử và sách giáo khoa sắp tới, sự kiện chiến thắng Thượng Đức sẽ được các nhà biên soạn chú ý, để lịch sử được trung thực như chính những gì nó đã từng diễn ra và để học sinh học và hiểu đúng về chủ trương, kế hoạch giải phóng miền Nam một cách trọn vẹn hơn” - đó là mong muốn của thầy Nguyễn Quận.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu và các vị tướng lĩnh cũng đã lên tiếng ngợi khen, bày tỏ sự vui mừng, lòng biết ơn đối với những giáo viên dạy sử, khi họ có mặt tại hội thảo này. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (đơn vị tham gia chiến dịch Thượng Đức) cho rằng với việc mời giáo viên dạy sử địa phương tham dự hội thảo, những câu chuyện lịch sử sẽ có cơ hội được lan truyền sâu rộng. “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cám ơn sự có mặt của các thầy cô dạy sử...”. Còn Đại tá Nguyễn Huy Toàn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304 thì nói: “Hội thảo hôm nay có sự xuất hiện âm thầm của các đại biểu là giáo viên bộ môn lịch sử trên địa bàn huyện Đại Lộc làm tôi rất xúc động, sự có mặt của họ đã thể hiện sự tri ân đối với những đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Tôi đề nghị hội thảo của chúng ta cho một tràng pháo tay”. Những lời phát biểu rất giản dị, nhưng đã làm cho toàn thể hội thảo và đặc biệt là các thầy cô giáo hết sức xúc động, chính họ cảm thấy mình và công việc mình đang làm được quan tâm hơn, trận trọng hơn.

Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã nói: “Tôi đã được dự và chủ trì nhiều cuộc hội thảo khoa học lịch sử, nhưng đây là cuộc hội thảo thành công và có cách làm hay nhất. Những ngày này, khi tình hình biển đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, thì việc chúng ta mời giáo viên lịch sử tham dự hội thảo như thế này một lần nữa khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông và chính những giáo viên nay sẽ làm cho lịch sử đến gần với học sinh hơn, nhanh hơn và sinh động hơn. Sau hội thảo này, tôi sẽ giới báo cáo với lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự, giới thiệu với địa phương trong cả nước về mô hình, phương pháp tổ chức hội thảo này”.

Có thể khẳng định rằng, với việc chuẩn bị chu đáo, khoa học, Hội thảo “Chiến thắng Thượng Đức - Ý nghĩa và bài học lịch sử” đã cung cấp thêm nhiều cứ liệu khoa học quan trọng để bổ sung vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và lịch sử Đảng bộ, lực lượng vũ trang Quảng Nam nói riêng. Đồng thời góp một nguồn tư liệu quý phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Và một bài học lớn được rút ra tại hội thảo lần này, đó là công tác giáo dục truyền thống đã được quan tâm một cách xứng đáng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà kẻ thù luôn tìm cách chống phá ta về mọi mặt, thì công tác giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông cần được quan tâm hơn lúc nào hết./.

Lê Năng Đông
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất