Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 10/6/2014 17:23'(GMT+7)

Tác động của truyền thông xã hội tới báo chí

Mạng xã hội có tác động rất lớn đến báo chí. Ảnh minh họa

Mạng xã hội có tác động rất lớn đến báo chí. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của truyền thông xã hội (TTXH) với các mạng xã hội như Facebook, MySpace, Twitter, CyWorld, trang web chia sẻ hình ảnh You Tube hay Zing Me, VietSpace... Với các tính năng tiện lợi như trò chuyện (qua messenger chat), chia sẻ tập tin (send files), gửi thư điện tử (email), xem phim, ảnh, điện thoại (voice chat), tạo nhật ký điện tử (blog), diễn đàn (forum), trò chơi (game)… TTXH đã thu hút sự tham gia, sử dụng và trở thành một phần tất yếu trong đời sống của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Rất khó để có những số liệu chính xác về sự gia tăng chia sẻ thông tin trên TTXH, chỉ biết rằng, đó là sự biến đổi hàng ngày. 

Theo các số liệu thống kê, Phát thanh phải mất 38 năm, Truyền hình phải mất 13 năm, Internet phải mất 4 năm mới có được 50 triệu người sử dụng, trong khi Facebook chỉ mất 9 tháng đã có 100 triệu người sử dụng. Trung bình, mỗi ngày Facebook có khoảng 655 triệu tài khoản hoạt động (người sở hữu tài khoản đó thực hiện ít nhất một trong các thao tác trên Facebook như: Cập nhật, chia sẻ trạng thái, đăng ảnh, viết ghi chú, tải video, bình luận, ấn "like", báo cáo vi phạm…). 

Sự lớn mạnh của truyền thông xã hội (TTXH) cùng ưu điểm vượt trội của nó đã và đang làm thay đổi thói quen tìm kiếm, chia sẻ và sử dụng các phương tiện truyền thông của công chúng đối với các vấn đề kinh tế, chính trị nhưng nó lại là kênh thu hút nhiều người, dễ tạo ra trào lưu và hiệu ứng tức thời.

Vậy thông tin trên TTXH có những đặc điểm gì lại thu hút và tác động mạnh mẽ như vậy?

TTXH  có khối lượng thông tin rất lớn. Internet đã chứa đựng một kho thông tin đồ sộ. Thế giới ảo dường như có mọi thứ, thuộc mọi lĩnh vực, ở khắp mọi nơi khiến những rào cản thông thường như biên giới lãnh thổ, ngôn ngữ… cũng trở nên mỏng manh. TTXH ra đời với sự gia tăng liên tục của các hoạt động đăng tải, chia sẻ và lưu trữ thông tin khiến kho thông tin này ngày càng đồ sộ hơn. Số người tham gia đăng ký các tài khoản tại mạng xã hội, hay trang chia sẻ trực tuyến ngày càng tăng nhanh với con số đáng kinh ngạc. Theo thống kê gần đây, số người sử dụng Internet đã chạm mốc con số 2.1 tỷ người, chiếm 1/3 dân số thế giới, trong đó, TTXH, nổi bật với mạng xã hội, là lĩnh vực phát triển mạnh nhất.

Thông tin trên TTXH vô cùng đa dạng, phong phú và nhiều chiều. Việc chia sẻ thông tin hằng giây, hằng phút bằng nhiều hình thức như văn bản, âm thanh, hình ảnh, video… của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đã làm cho lượng thông tin trên TTXH trở nên vô cùng đa dạng và phong phú. Mỗi sự kiện, vấn đề có thể được hàng ngàn người cùng đề cập chia sẻ, thảo luận và mổ xẻ khiến những khía cạnh của nó không thể nhỏ hơn được nữa, bởi mỗi cá nhân là một góc nhìn, một cảm nhận riêng. Trong sự tương tác với báo chí, TTXH đã trở thành một nguồn tin vô cùng phong phú để các nhà báo tận dụng khai thác. 

Thông tin trên TTXH được cập nhật liên tục, nóng hổi. Khi một sự việc xảy ra, status của người dùng có thể trở thành nơi cập nhật từng giây, từng phút diễn biến sự việc. Chỉ mất vài giây để chụp một bức ảnh, thêm vài giây nữa bức ảnh này đã nằm gọn trên trang cá nhân của ai đó. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều thiết bị hiện đại giúp việc truy cập Internet trở nên dễ dàng, phổ biến.

Thông tin trên TTXH có khả năng lan tỏa nhanh chóng. Nhờ cấu trúc, tính năng của các diễn đàn, mạng xã hội, trang chia sẻ mà người sử dụng có thể tìm kiếm, theo dõi được các hoạt động của nhau (đăng bài viết, bình luận, like, chia sẻ...) và tham gia vào những hoạt động trên. Việc truyền tin trên TTXH về cơ bản cũng giống với đời thực, theo kiểu "một đồn mười, mười đồn trăm" nên dễ bị tam sao thất bản, bị thổi phồng. Vấn đề, sự kiện, chủ đề nào thu hút được sự quan tâm hoặc đồng tình của nhiều người thường nhận được nhiều like, comment, reply/trả lời bình luận, share/chia sẻ (trên mạng xã hội) hoặc số trang trên một topic, số người click vào nút "thanhks/ cảm ơn" trong một bài viết (đối với diễn đàn). 

Thông tin trên TTXH không phải lúc nào cũng là sự thật, khách quan. Thông tin cá nhân của người dùng trên TTXH có thể là ảo. Việc "giấu mặt" khiến người tham gia có thể không trung thực với thông tin đưa ra hoặc đưa thông tin mang tính chủ quan, khó xác định thật, giả, không ít thông tin là thất thiệt, ác ý, phiến diện, lừa đảo, quảng cáo không trung thực...

Thông tin trên TTXH có thể bị sửa chữa, xóa dấu vết bất cứ lúc nào. Nội dung của một bài viết trên TTXH có thể bị biến mất hoặc sai lệch ít nhiều so với ban đầu, theo hướng tích cực hay tiêu cực, khiến thông tin "chuẩn" hơn hay "méo mó" đi...Với vai trò to lớn của mình, TTXH có những ảnh hưởng nhất định đến báo chí trên các mặt sau:

Một là, TTXH là một trong những nguồn tin cung cấp thông tin, đề tài cho báo chí.

Bên cạnh những thông tin rác, ít giá trị, trên TTXH có nhiều thông tin hữu ích, dẫn nguồn hoặc có cơ sở để tin tưởng (xác định danh tính người đăng, dẫn chứng trong bài viết, đối tượng được đề cập...) có thể trở thành thông tin cho báo chí. Nhà báo có thể sử dụng TTXH như một nguồn tin  để nhận diện, thu thập, tiếp cận và phát hiện thêm nhiều thông tin, đề tài mới và nóng, biết thêm các góc nhìn khác nhau của công chúng để phục vụ việc sáng tạo tác phẩm. Vấn đề là người làm báo phải biết khai thác và sử dụng thông tin hiệu quả. Thực tế, nhiều người hoạt động báo chí thường xuyên sử dụng TTXH để phục vụ công việc, cập nhật tin tức, trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ… 

Không chỉ đề tài, nội dung của nhiều bài viết cũng dựa trên thông tin từ TTXH, biểu hiện là nhiều bài viết chứa những cụm từ như: Cư dân mạng, dân mạng, thành viên diễn đàn... chia sẻ/cho biết/bày tỏ, chia sẻ/tâm sự trên Facebook/Twitter... Trên Facebook hiện có khá nhiều hội nhóm (group) nhận được sự tham gia sôi nổi của các phóng viên, nhà báo, sinh viên báo chí và những người có hoạt động liên quan đến báo chí như: Diễn đàn Nhà báo trẻ (hơn 4400 thành viên), Hội những người làm báo (hơn 700 thành viên), Diễn đàn nhà báo và chính sách (132 thành viên), Diễn đàn báo chí Việt Nam (hơn 1200 thành viên)... Điều này chứng tỏ những người làm báo Việt Nam đang rất tích cực hòa mình vào thế giới mạng.  

Hai là, TTXH góp phần quảng bá thông tin báo chí.

Đối với báo chí nói chung, TTXH đang giúp nối dài cánh tay, nếu họ biết tận dụng. Rất nhiều công chúng có thói quen sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, nếu thấy thông tin hay, hấp dẫn sẽ nhanh chóng chia sẻ những thông tin đó trên TTXH. Với lượng người dùng khổng lồ, TTXH hiện là kênh hiệu quả để lan truyền, phổ biến thông tin báo chí, quảng bá hình ảnh tòa soạn đến công chúng. Một số diễn đàn lớn ở Việt Nam đều dành mục riêng để thành viên cập nhật và bàn luận về những thông tin nóng hổi, bài viết đáng chú ý, có nội dung tranh luận cao từ báo chí. Ở webtretho.com có mục "Đọc báo giùm bạn", vozforums.com có "Tin tức iNet", tinhte.vn có "Tin tức - Sự kiện"…. Ngoài ra, người dùng Internet có thể chia sẻ đường link hay toàn bộ nội dung của các bài báo trên status, comment của mình, biến chúng thành chủ đề bàn luận.

Rất nhiều các cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác TTXH để thu hút, gia tăng lượng người truy cập. Họ chủ động sử dụng các công cụ trên TTXH để truyền tải nội dung thông tin, truyền tải những giá trị của văn hoá báo chí đến nhiều đối tượng hơn nữa. Các tờ báo mạng điện tử hiện nay dường như đều thấy cần thiết phải trang bị những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật những bài báo của mình lên các mạng xã hội. Trên Facebook, Twitter, Zing me... số lượng các liên kết được chia sẻ liên tục thay đổi theo xu hướng lớn lên hàng ngày. Đồng nghĩa với đó là số lượt người truy cập vào các tài khoản của các tờ báo cũng tăng lên.

Các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như CNN, BBC, Washington Post, New York Times, Daily Telegraph … đều có những bước đi quyết liệt, chủ động để quảng bá nội dung của mình trên các mạng xã hội. Họ yêu cầu các phóng viên của mình phải hội nhập và lắng nghe để có sự hiểu biết hơn về công chúng - những người đang có liên quan trực tiếp đến thương hiệu của họ. Ở Việt Nam, điều này cũng đang được quan tâm đặc biệt. Các tờ báo như VietNamNet, VnExpress, Tuổi trẻ Online, Dân trí… đã tích hợp thêm các công cụ (nút) hỗ trợ độc giả thực hiện các hoạt động like, chia sẻ bài báo mình vừa đọc lên TTXH dễ dàng, tối giản các thao tác. Bên cạnh đó, các tờ báo còn xây dựng trang giới thiệu trên TTXH nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, cập nhật của cộng đồng mạng xã hội. 

Ba là, TTXH là kênh tương tác giữa báo chí và công chúng.

TTXH có thể được sử dụng như là một cách thức, môi trường thuận lợi để báo chí thiết lập những mối quan hệ và lắng nghe ý kiến của công chúng. Rất nhiều nhà báo đồng thời là thành viên trên TTXH có điều kiện theo dõi, cập nhật phản hồi của độc giả, tham khảo ý kiến cộng đồng mạng, nắm bắt chiều hướng dư luận về những nội dung mà báo chí đề cập. Sự tương tác giữa báo chí và công chúng trên TTXH diễn ra nhanh chóng và phổ biến. 

Một số báo mạng điện tử ở Việt Nam lập fanpage (trang dành cho người hâm mộ) trên Facebook để tiện giao lưu với độc giả như: VnExpress có 2 trang: VnE Thể Thao, Vnexpress.net, VnEconomy có VnEconomy, VietNamNet có Official Fanpage, 2sao.vietnamnet.vn, Bongdaplus có BaoBongDa, Thể thao & Văn hóa có Báo Thể thao & Văn hóa…

Trên các hội, nhóm của những người làm báo, nhà báo vừa chia sẻ, trao đổi, thảo luận dưới góc độ đồng nghiệp vừa phản hồi dưới góc độ là độc giả của nhau. Nhiều nhà báo nổi tiếng có mạng lưới "bạn bè", "người theo dõi" (subscribers, followers) khá rộng, điều này giúp họ và tòa soạn tiếp nhận ý kiến, bình luận của độc giả nhanh, nhiều, đa dạng và công khai hơn... Ví dụ có bài đăng trên fanpage của bình luận viên Anh Ngọc (báo Thể thao và Văn hóa) nhận được 184 bình luận và 866 lượt like. 

Rõ ràng, nhờ TTXH mà báo chí đã gần gũi hơn với công chúng, có nhiều cơ hội hiểu và tham khảo ý kiến từ công chúng. Thêm nữa, qua đây nhà báo có thể phát triển mạng lưới cộng tác viên, góp phần đa dạng phát ngôn trên báo chí. Đương nhiên, có sự tham gia của nhà báo thì chất lượng công chúng và thông tin trên TTXH cũng tăng lên.

Nói như nhà báo Trần Hữu Quang (Thời báo kinh tế Sài Gòn), TTXH không thể thay thế các định chế truyền thông đại chúng hiện hành nhưng hiển nhiên khó có chối cãi là TTXH đang góp phần mở rộng "không gian công cộng" của xã hội hiện đại một cách không thể đảo ngược được. Vì vậy, báo chí phải biết cách kết hợp với TTXH để cung cấp thông tin có chất lượng đến với công chúng. Và trong mối quan hệ này, người làm báo và cơ quan báo chí nắm giữ vai trò quan trọng trong khâu kiểm chứng và định hướng thông tin trước khi chia sẻ với công chúng.

Rất nhiều người vẫn tìm đến những thông tin từ báo chí và tin tưởng vào báo chí. Đơn giản là vì họ cảm thấy báo chí vẫn còn đáp ứng những nhu cầu của họ. Trách nhiệm của báo chí không chỉ là có mặt đúng lúc và đưa ra những thông tin chính xác một cách kịp thời đến công chúng. Báo chí còn giúp công chúng chọn lựa, phân loại đúng đắn nhất những thông tin phục vụ cho mục đích lâu dài của họ từ những nguồn tin riêng biệt, giúp họ trở thành những công dân tốt và có trách nhiệm. 

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, nếu báo chí chỉ sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ để phục vụ cho mình thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để mang những giá trị báo chí vào được thế giới truyền thông xã hội rộng lớn ấy. Quan niệm này đang được nhiều người ủng hộ. Vấn đề ở đây là lợi ích của cộng đồng. Những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí là công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật cần được đưa rộng rãi vào truyền thông xã hội làm cho nó lành mạnh hơn, mang tính trách nhiệm hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, báo chí phải biết cách kết hợp với truyền thông xã hội để cung cấp thông tin có chất lượng đến với công chúng. Và trong mối quan hệ này, người làm báo, cơ quan báo chí và cả cơ quan quản lý báo chí đều không thể đứng ngoài cuộc. 

Trước hết, nhà báo và nhà quản lý báo chí phải nhận thức rõ vai trò quan trọng không thể phủ nhận của truyền thông xã hội đối với đời sống nói chung, với báo chí nói chung; từ đó chủ động hội nhập, sử dụng truyền thông xã hội một cách có hiệu quả; phát huy sức mạnh vốn có, đem giá trị của báo chí vào truyền thông xã hội để bảo vệ công chúng trước những thông tin tiêu cực. Có rất nhiều việc phải làm, từ nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí (sửa đổi Luật Báo chí), tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý báo chí; đến chú trọng công tác giám sát, quản lý, đào tạo và bồi dưỡng của các cơ quan báo chí; đề cao ý thức trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực nghề nghiệp của hàng vạn phóng viên, biên tập viên...

Vẫn biết, thông tin trên truyền thông xã hội đến từ nhiều nguồn khác nhau và rất khó kiểm soát, nhưng trong “cuộc chiến” này, hơn lúc nào hết, những người làm báo nói chung phải luôn nắm giữ vai trò trung tâm trong  sử dụng, kiểm chứng và định hướng thông tin. Có câu rằng: “Lúa tốt thì không còn cỏ dại”. Thông tin của báo chí càng nhanh chóng, chính xác và nhân văn bao nhiêu, những thông tin tiêu cực trên truyền thông xã hội càng bị thu hẹp đất sống bấy nhiêu. Vì vậy, nâng cao chất lượng báo chí chính là giải pháp hữu hiệu nhất buộc truyền thông xã hội phải tích cực phục vụ sự phát triển của xã hội nói chung, báo chí nói riêng./.


TS. Nguyễn Thị Trường Giang - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

___________________________________________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Minh Hạnh (2013), Báo mạng với việc khai thác và sử dụng thông tin trên diễn đàn, mạng xã hội, Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
2. Nguyễn Minh Hải (2013), Sử dụng và kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội trong tác phẩm báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay, Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất