Chủ Nhật, 27/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 31/12/2015 8:15'(GMT+7)

Quảng Nam: Thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác để cùng phát triển

* Thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết

Ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết : Xuất phát từ những nét tương đồng về văn hóa, trong những năm qua việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, xây dựng đường biên giới hữu nghị Việt Nam – Lào cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở miền biên cương này là những nội dung chính được Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở hai huyện Nam Giang - Đắk Chưng triển khai thực hiện và kết quả bước đầu đáng được ghi nhận. Thông qua Hội nghị thường niên, các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh ngày càng được đẩy mạnh, việc thực hiện Hiệp định Quy chế biên giới Việt Nam - Lào được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu. Cùng mong muốn giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân; lực lượng chức năng hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều đợt tuần tra song phương, tổ chức phát quang đường biên, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cột mốc giới, qua đó tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em nơi phên giậu quốc gia.

Để thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó lâu đời, cơ quan chức năng của huyện Nam Giang và Đăk Chưng thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm hỏi, trao đổi hàng hóa, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai địa phương nói riêng và hai nước nói chung. Trong năm 2015, cơ quan chức năng của hai huyện đã làm thủ tục cho hàng chục ngàn lượt người và hàng ngàn lượt phương tiện qua lại cửa khẩu Nam Giang để thăm hỏi lẫn nhau và mua bán, trao đổi hàng hóa. Hàng năm huyện Nam Giang hỗ trợ huyện Đắk Chưng 200 triệu đồng để giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên đã góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân hai huyện, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai nhấn mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lay Soan Mít Su Văn, Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Chính quyền huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) bày tỏ: Chúng tôi đánh giá rất cao tình cảm hữu nghị thân thuộc đặc biệt mà huyện Nam Giang dành cho huyện Đăk Chưng. Tuy vẫn chưa hết khó khăn nhưng trong nhiều năm qua, huyện Nam Giang đã giúp đỡ chúng tôi về nhiều mặt như: trồng cao su, hỗ trợ xây dựng nhà máy cà phê, phát triển chăn nuôi, trồng trọt cho nhân dân 8 cụm bản sát biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào chúng tôi qua lại, trao đổi hàng hóa thương mại. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Nam Giang xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em giữa hai địa phương. Trong lòng cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đắk Chưng của chúng tôi, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Nam Giang là những người anh em cùng chung một mái nhà. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các cặp thôn, bản kết nghĩa qua lại thăm hỏi, trao đổi, mua bán hàng hóa và giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, khi có nhu cầu khám chữa bệnh nhằm góp phần xây dựng và giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai huyện nói riêng và nhân dân hai nước Việt Nam Lào nói chung đời đời bền vững.

* Đột phá vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững

Ở nơi phên giậu quốc gia, Nam Giang không ngừng củng cố, giữ gìn và phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau với cộng đồng các bộ tộc Lào anh em để cùng nhau bảo vệ đường biên giới hòa bình phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ông Chơ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, xuất phát từ những đặc thù và lợi thế của mình, huyện Nam Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lấy nông - lâm - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ làm trọng tâm. Mặt khác để khai thác tiềm năng về đất đai, mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, trong những năm qua, ngoài các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, mỗi năm chúng tôi đã thực hiện việc hỗ trợ cho12 xã, thị trấn mỗi địa phương 200 triệu đồng để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Với cách làm này, trong 5 năm qua, chúng tôi đã trồng được gần 800 ha cao su, nâng tổng số diện tích cây cao su trên địa bàn lên hơn 1.400ha. Cùng với cây keo làm cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, cây cao su được xác định là cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai, là vùng kinh tế động lực phía tây của tỉnh, có lợi thế nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây, dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình, huyện tiếp tục xác định nông - lâm - công nghiệp, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp như cao su và cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Hiện tại trên địa bàn huyện Nam Giang đã có một số diện tích cây cao su bắt đầu cho khai thác. Đây là thành quả sau nhiều năm kiên trì vận động và hỗ trợ cho đồng bào để trồng loại cây chủ lực này. Mặt khác để tạo việc làm, tăng thu nhập, huyện Nam Giang đang tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất khoán rừng cho đồng bào khoanh nuôi, bảo vệ để vừa cải thiện đời sống vừa bảo vệ được rừng. Về công nghiệp, tuy mới bước đầu nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ có công suất 1,2 triệu tấn năm và hệ thống các nhà máy thủy điện bậc thang trên Sông Bung lần lượt phát điện hòa vào lưới điện quốc gia đã tạo nguồn thu ổn định và đáng kể, tạo điều kiện để địa phương có nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Về thương mại đã có bước phát triển đáng kể. Trong những năm qua, khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đã được tỉnh đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng, từng bước hình thành khu kinh tế của khẩu để giao thương hàng hóa. Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang gồm có 3 tiểu khu: Tiểu khu I gắn với Khu vực cửa khẩu Nam Giang, diện tích khoảng 30 ha gồm khu kiểm soát và khu thương mại dịch vụ. Tiểu khu II tại khu vực xã Chàl Vàl, quy mô khoảng 630 ha, bao gồm khu đô thị, các khu phi thuế quan, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, hành chính công cộng. Tiểu khu III bố trí tại khu vực xã La Dêê, diện tích khoảng 56 ha gồm các cụm dân cư nông thôn. Công trình nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Trong tương lai không xa, khu kinh tế này sẽ là điểm sáng trên hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên qua Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai cho hay.

Đoàn kết, nghĩa tình với người cộng đồng các bộ tộc Lào anh em, xây dựng và giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác để cùng và phát triển; đồng thời không ngừng nỗ lực để vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực đang được cộng đồng các dân tộc anh em ở vùng cao biên giới huyện Nam Giang thực hiện./.

Đoàn Hữu Trung/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất