Chủ Nhật, 27/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 10/12/2015 21:17'(GMT+7)

Tâm thế mới của đối ngoại đa phương Việt Nam

Nhìn lại lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại, đối ngoại đa phương đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng ngay từ buổi đầu lập nước. Trong những năm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến, Bác Hồ đã chín lần gửi thư cho Liên hợp quốc để tranh thủ vai trò của tổ chức quốc tế lớn nhất về ngoại giao đa phương trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân ta. Suốt 70 năm qua, từ Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 đến Hội nghị Pa-ri 1973 cũng như trên nhiều diễn đàn quan trọng khác, đối ngoại đa phương đã góp phần thiết yếu vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bước chuyển từ tư duy đến hành động

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư duy đối ngoại. Chúng ta chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại” trên tất cả các kênh song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Đại hội XI của Đảng cũng đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, trong đó xác định “chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi”. 

Trong những năm qua, bám sát chủ trương đó, với thế và lực mới của đất nước sau gần 30 năm Đổi mới, đối ngoại đa phương Việt Nam thực sự được chắp cánh và nâng lên một tầm cao mới, góp phần giúp Việt Nam khẳng định được tầm vóc và vị thế của mình trên bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế.

Đóng góp ý nghĩa - lợi ích thiết thực

Chưa bao giờ đối ngoại đa phương Việt Nam lại gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật như những năm vừa qua. Đáng chú ý, Việt Nam đồng thời được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) (nhiệm kỳ 2016-2018), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) (nhiệm kỳ 2013-2015), Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017) và Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019). Không phải ngẫu nhiên mà khi thăm Việt Nam tháng 5-2015, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã khẳng định Việt Nam “có thể là người đi tiên phong thực sự của Liên hợp quốc”. 

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang đi đầu trong việc cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Việt Nam trở thành cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo, thúc đẩy xu thế hợp tác và liên kết giữa ASEAN với các đối tác, đưa ASEAN trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế - thương mại và liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta đã và đang khẳng định vai trò là một hạt nhân tích cực ở Đông - Nam Á, thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông - Nam Á, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung, thể hiện đóng góp thiết thực và có trách nhiệm của Việt Nam vào việc củng cố xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực Đông - Nam Á cũng chính là bảo đảm môi trường hòa bình, phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, cũng không thể không kể đến những sáng kiến mà chúng ta đưa ra nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước tại các cơ chế, diễn đàn khu vực và tiểu vùng.

Điều thú vị là khác với các giai đoạn trước, những năm qua, chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Với tầm vóc mới mà đối ngoại đa phương Việt Nam đạt được, chúng ta đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đăng cai nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã và đang khẳng định được chỗ đứng xứng đáng của mình với tư cách một thành viên đầy trách nhiệm và có uy tín của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc đã nhiều lần vinh danh Việt Nam với tư cách là một trong số ít quốc gia đi đầu trong thành tích xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và sáng kiến "Một Liên hợp quốc". Việc chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)… ngay từ khi những cơ chế này vừa được thành lập là những tính toán chiến lược hết sức đúng đắn. Bởi lẽ, với tư cách là thành viên sáng lập, Việt Nam có quyền tham gia định hình luật chơi của các thể chế này nhằm tranh thủ mặt tích cực và bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia. 

Việt Nam đã và đang đi đầu trong ASEAN hoàn tất các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới như Liên hiệp châu Âu (EU), Nga (trong Liên minh Kinh tế Á - Âu), Hàn Quốc… Với triển vọng triển khai và hoàn tất 15 FTA đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của các FTA ở khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác. Trong 15 năm qua, chúng ta đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả các nước láng giềng và các nước có vai trò, vị trí quan trọng trên thế giới. Việt Nam đã giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời tranh thủ được các nguồn lực phục vụ phát triển. 

Tâm thế mới

Năm 2015 là năm bản lề trong việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế nói chung và triển khai đối ngoại đa phương nói riêng. Với thành công và dấu ấn tại IPU-132, Hội nghị cấp cao Khóa 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc và đặc biệt là việc tham gia hoàn tất đàm phán nhiều FTA lớn và hình thành Cộng đồng ASEAN, đối ngoại đa phương Việt Nam có đầy đủ hành trang để tự tin đi tới với tâm thế và tầm vóc mới. 

Thời gian 5 đến 10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với công cuộc Đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước. Đây cũng là thời điểm chúng ta đảm nhận nhiều trọng trách và hoàn tất nhiều cam kết quốc tế. Đã đến lúc chúng ta cần triển khai hoạt động đối ngoại với tư duy mới, cách tiếp cận mới và tư thế mới. Hoạt động đối ngoại đa phương thời gian tới do vậy sẽ được “nâng tầm” theo các hướng sau:

Một là, chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang tư duy “chủ động tham gia đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, tăng cường cách tiếp cận đa ngành, chú trọng nội hàm phát triển bền vững. Chúng ta sẽ chủ động đóng góp vào các quan tâm chung, đẩy mạnh đề xuất sáng kiến, ý tưởng, trong đó coi trọng thực hiện Cộng đồng ASEAN, hợp tác trong các cơ chế tiểu vùng sông Mê Công...

Hai là, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, đối ngoại đa phương cần tập trung đảm nhận thành công các trọng trách và đăng cai tổ chức các hoạt động đa phương lớn, đặc biệt là tiếp tục phát huy tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động của Diễn đàn này trong năm 2017; đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Ba là, cần có định hướng tổng thể và dài hạn của đối ngoại đa phương Việt Nam trong 10 đến 20 năm tới. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng tầm đối ngoại đa phương, đáp ứng các yêu cầu mới của hội nhập quốc tế toàn diện. 

Chúng ta cũng cần thực hiện tốt các cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2016 - 2020, nhất là tiếp tục thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đẩy mạnh nội hàm phát triển bền vững và ứng phó các thách thức toàn cầu trong các hoạt động đa phương, đặc biệt những lĩnh vực phục vụ thiết thực Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. 

Xác định đúng và trúng những điểm đột phá của đối ngoại đa phương trong thời gian tới sẽ tạo sức bật mới cho sự phát triển và vị thế đất nước. Nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc. Để làm được điều này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, với lực lượng nòng cốt là đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương có bản lĩnh, chuyên nghiệp, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Với những lợi ích to lớn và thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua, đối ngoại đa phương hoàn toàn xứng đáng có một vị trí cao hơn trong các ưu tiên đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

Phạm Bình Minh
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất