Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 260.000 thanh niên, trong đó thanh niên dân tộc thiểu số chủ yếu là người J'rai và Bahnar chiếm 44%, thanh niên có đạo chiếm 25,2%. Lực lượng này đã được các tổ chức Đoàn - Hội trong tỉnh tăng cường tập hợp, đoàn kết góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cùng chung sức xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.
Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai Nguyễn Hoàng Phong khẳng định, đối với địa bàn Gia Lai, một trong những yếu tố quan trọng trong công tác tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc, thanh niên có đạo là thông qua việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Từ hiệu quả của các dự án, nhiều thanh niên dân tộc, thanh niên có đạo trên địa bàn tự nguyện đứng vào hàng ngũ các tổ chức Đoàn - Hội, phát huy được vai trò xung kích ở các buôn làng và xã hội.
Tiêu biểu, trong 2 năm 2014 và 2015, Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" được triển khai tại 2 xã Yang Bắc (huyện Đăk Pơ) và xã Ia Mlăh (huyện Krôngpa) được coi là mô hình mẫu trong công tác tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên ở Gia Lai.
Cụ thể, tại xã Yang Bắc với tổng nguồn vốn đầu tư của dự án gần 1,3 tỷ đồng, Dự án đã kịp thời hỗ trợ cho 35 thanh niên dân tộc nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong đó, dự án đã hỗ trợ được 25 con bò giống lai, các nguyên vật liệu làm chuồng trại và chế biến thức ăn; hỗ trợ giống mía mới và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình của dự án đều được thực hiện tốt với tỷ lệ sống và phát triển của đàn bò lai đạt 100%, trong đó đã có 11 con bò cái sinh sản lứa thứ nhất, 3 con sinh sản lứa thứ hai và 9 con còn lại đang mang thai...
Tại xã Ia Mlăh với mức vốn đầu tư của dự án hơn 500 triệu đồng do Công ty Siam Brother, Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ cho 10 hộ thanh niên tôn giáo nghèo để trồng 10ha mía cao sản trong 2 năm 2014 và 2015. Kết quả, trong năm đầu toàn bộ diện tích mía đã cho năng suất đạt gần 80 tấn mía cây/ha, tăng hơn 30% so với giống mía địa phương đã trồng trước đây; bình quân mỗi hộ đã có mức thu nhập hơn 40 triệu đồng. Các hộ thanh niên dân tộc tham gia dự án đều rất phấn khởi, tin tưởng và đang tập trung chăm sóc mía năm thứ 2.
Nhờ việc triển khai các dự án nhằm thu hút, tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên có đạo tham gia phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo các buôn, làng trên địa bàn. Qua đó, khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng thanh niên dân tộc, tôn giáo nói riêng và thanh niên cả nước nói chung trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước./.
Văn Thông/TTXVN