Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 14/12/2010 10:18'(GMT+7)

Quảng Nam: Tổng kết Dự án bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn giai đoạn II

Tham dự buổi Hội thảo có lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Nam, Cục Di sản Văn hóa và Viện Tu bổ Di tích Trung ương (Bộ VHTT&DL), các chuyên gia quốc tế đến từ Viện nghiên cứu Lerici (Trường Đại học Bách khoa Milan-Italia), đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, đại diện Đại sứ quán Italia và Cơ quan Hợp tác phát triển Italia tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết: Đến thời điểm này, Dự án "Bảo tồn Di sản thế giới Mỹ Sơn giai đoạn II-Thuyết minh và đào tạo trong ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn Di sản thế giới nhóm tháp G" đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, có ý nghĩa nổi bật với quá trình nghiên cứu khảo cổ, trùng tu tháp Chăm ở Mỹ Sơn và đối với cả công tác quản lý di sản thế giới này, trong đó có nhiều kết quả quan trọng đã được đúc kết và giới thiệu được giới chuyên môn đánh giá cao, bao gồm việc tư liệu hóa hệ thống dữ liệu quản lý GIS đối với tất cả các đền, tháp Chăm trong phạm vi di sản Mỹ Sơn, lập bản đồ quản lý và giám sát các nguy cơ đối với di sản, những kết quả quan trọng trong việc sắp xếp, phân loại và hệ thống hóa hàng ngàn hiện vật khảo cổ đã được khai quật, được phát hiện trong quá trình tu bổ nhóm tháp G. Các sản phẩm đầu ra của Dự án cũng bao gồm các phương án thiết kế đường vào tham quan nhóm tháp G, phương án thuyết minh diễn giải tư vấn cho các nhà quản lý di sản nhằm chuẩn bị cho mở cửa nhóm tháp G này đối với du khách trong tương lai.

Đặc biệt, theo ông Hài, nổi bật hơn cả là cuốn sách "Hướng dẫn khảo cổ và trùng tu tháp Chăm-tư liệu đúc kết từ dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G" từ đây đã được ra đời. Đây là tài liệu tổng hợp những kinh nghiệm mấu chốt từ quá trình trùng tu, đồng thời cung cấp các hướng dẫn, nguyên tắc và các chỉ dẫn cụ thể dành cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, trùng tu của Việt Nam trong việc bảo tồn và trùng tu các công trình khảo cổ và kiến trúc Chăm cổ tại tỉnh Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung.

Một góc của tháp G1 đang được khôi phục, trùng tu

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hài, có hai thành quả vô cùng quan trọng khác của Dự án này là việc vượt qua được các rào cản để tìm ra được chất kết dính, gạch Chăm phục chế, giúp cho việc tu bổ tháp G1 trở nên thuận lợi hơn. Nhờ đó, tháp G1- công trình chủ chốt của nhóm tháp G vốn đối mặt với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị sụp đổ từ năm 2007 nay đã được củng cố vững chắc với một số cấu phần đã được phục dựng, gia cố, gợi lại tính thẫm mỹ tinh tế của công trình kiến trúc Chăm cổ. Ngoài ra, thông qua Dự án Quảng Nam đã đào tạo được một đội ngũ các thợ phục dựng và trùng tu, tôn tạo di tích do các chuyên gia hàng đầu của Italia chỉ dẫn. Đây là kết quả đáng mừng để từ những người thợ này, Quảng Nam sẽ dần có một nguồn nhân lực từng bước thay chế các chuyên gia nước ngoài để tôn tạo, sữa chữa, trùng tu các di tích Chăm trên địa bàn...

Tại Hội thảo, lần lượt các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày những bài học kinh nghiệm và bước tiến nổi bật trong việc tu bổ tháp G, trong đó, có nhiều ý kiến đáng lưu ý như: đại diện Viện nghiên cứu Lerici- Đại học Milan (Italia) đã trình bày những khó khăn ban đầu trong việc tìm ra phương pháp trùng tu, phục dựng lại những phần mà di tích đã xuống cấp, các nghiên cứu tìm ra chất kết dính hay vật liệu thay thế để thực hiện việc trung tu, tôn tạo di tích...; đại diện Viện tu bổ Di tích Trung ương nêu lên những kinh nghiệm, bài học đúc kết được và việc xuất bản công trình "Hướng dẫn khảo cổ trùng tu tháp Chăm-tư liệu đúc kết từ dự án trùng tu, tôn tạo nhóm tháp G"... Đây thực sự là những kinh nghiệm vốn không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với những người trực tiếp làm công tác bảo tồn di tích mà đưa lại sự phấn khởi đối với bất cứ ai quan tâm, yêu mến văn hóa và di sản Chăm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đại diện Sở VHTT&DL Quảng Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích và Du lịch Quảng Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội và đại diện cơ quan tài trợ (Chính phủ Italia) cũng đã dành thời gian thảo luận về lộ trình và các cam kết đối với việc góp phần bảo tồn, trùng tu di sản thế giới Mỹ Sơn trong những năm tiếp theo.

Được biết, từ năm 2003, tổ chức UNESCO đã thông qua Quỹ Lerici Foundation thuộc Đại học Bách khoa Milan (Italia), phối hợp với Bộ VHTT Việt Nam đã thực hiện giai đoạn I của Dự án tu bổ nhóm tháp G. Đến năm 2007, giai đoạn II của Dự án này được thực hiện. Tổng nguồn kinh phí đầu tư cho hai giai đoạn này là trên 1 triệu Euro. Theo dự kiến, đến tháng 4/2011, Dự án trên sẽ kết thúc giai đoạn II và hiện nay các nhà tài trợ đang tiếp tục kêu gọi, tìm thêm nguồn kinh phí đề đầu tư cho Dự án (giai đoạn III)./.

DT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất