Thứ Ba, 26/11/2024

Quyền lực phải được “nhốt” trong lồng luật pháp, cơ chế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm bên lề hội nghị. Ảnh: Báo Dân Trí

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm bên lề hội nghị. Ảnh: Báo Dân Trí

Ngày 17/10/2016, tại buổi tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ việc xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng chưa như mong muốn của cử tri, đảng viên và nhân dân cả nước. Tổng Bí thư cũng bày tỏ đây công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, phải làm thường xuyên, liên tục như đánh răng, rửa mặt hàng ngày và sẽ kiên quyết, kiên trì làm và nếu nói mà không làm thì sẽ mất uy tín của Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư cũng đã chia sẻ về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, trong đó có nhấn mạnh giải pháp phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cùng với sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là phải kiểm soát được quyền lực hay nói một cách khác là “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư lại đặt ra vấn đề này, khi mà hiện nay ở khắp các địa phương từ tỉnh, thành phố đến các các huyện, xã và cả ở các Bộ ngành xảy ra tình trạng người ta lạm quyền để tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, thậm chí để tham nhũng với các biểu hiện “cả nhà làm quan”, bổ nhiệm cán bộ “cấp tốc”,  bổ nhiệm “thừa” cán bộ… Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục vụ án tham nhũng nhiều ngàn tỷ đồng đã được đưa ra xét xử.

Quyền lực khi không được kiểm soát đã gây ra những hậu quả khó lường. Trước hết nó làm cho cán bộ có trong tay quyền lực bị tha hóa, làm cho các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý bị biến chất, người ta sử dụng quyền lực không phải vì mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước mà phục vụ cho chính cá nhân, gia đình của họ.

Tại Hội nghị Trung ương các khóa trước, Đảng ta cũng đã chỉ ra “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” nhưng đến Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII, Đảng ta đã “chỉ mặt, điểm tên” rõ 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó nhấn mạnh những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết…

Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã nêu rõ những việc cần làm ngay: Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử ngay, dứt điểm đối với các dự án thua lỗ lớn, lãng phí, những vụ việc tham nhũng, tội phạm về kinh tế và tội phạm về chức vụ nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm. Rà soát, xử lý, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức những trường hợp suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa…

 

Trong thời gian vừa qua, nhiều sai phạm cả ở các bộ ngành, ở Trung ương, địa phương đều đã được đề cập tới và nhiều cán bộ có vị trí từ Trung ương đến địa phương, cán bộ đã nghỉ hưu khi có sai phạm đều đã được xem xét đúng sai và xử lý đúng mức.

Việc Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo kiên quyết xử lý một số vụ tiêu cực trong công tác cán bộ và một số vụ án kinh tế nghiêm trọng, và mới đây là xử lý một số cán bộ cấp cao sai phạm, tuy mới là kết quả đạt được mới là bước đầu, và thời gian tới còn rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng đã khơi dậy niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Mới đây, tại các cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, quận Tây Hồ và quận Hoàn Kiếm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lâu nay chúng ta vẫn nói phải kiên trì, kiên quyết. Tham nhũng thì thời kỳ nào cũng có, nước nào cũng có. Trong việc xử lý, mong muốn là phải nghiêm hơn, nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chúng ta phải làm rất nghiêm, đúng luật pháp, đúng tinh thần nhân văn, nhân ái của dân tộc ta.

Về việc xử lý cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao, Tổng Bí thư  khẳng định “đây mới là xử lý về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, chứ đây chưa phải là tất cả. Sắp tới làm tiếp, đúng luật pháp, đúng lương tâm, trách nhiệm”.

Có thể nói, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có việc thực hiện quyết tâm của của Đảng, Nhà nước “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp” đang được thể hiện rõ nét qua các hành động cụ thể, thiết thực với sự gương mẫu của người đứng đầu cao nhất của Đảng, đã và đang tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng của người dân cả nước./.

Minh Hòa (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất