Thứ Sáu, 20/9/2024

Ðảng viên ba trách nhiệm

Ðại úy Trịnh Tứ Thắng (mặc quân phục) cùng các cháu ở bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lên đồn nhận quà trong chương trình Nâng bước em tới trường.

Ðại úy Trịnh Tứ Thắng (mặc quân phục) cùng các cháu ở bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lên đồn nhận quà trong chương trình Nâng bước em tới trường.

Những món nợ ân tình

Trong ánh lửa trại bập bùng trên bờ biển ngày hôm ấy, có rất nhiều bóng áo xanh của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Ðồn Ròn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình). Nếu tinh ý, sẽ nhận ra có đôi mắt người sĩ quan rưng rưng, xúc động. Ðó chính là Ðại úy Trịnh Tứ Thắng, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Ròn. Anh là một nhân tố tích cực, là cầu nối quan trọng, góp phần tạo nên một buổi giao lưu đầy ý nghĩa mang tên “Chúng ta nhớ và chúng ta tự hào”, do Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Trạch phối hợp Ban Dân vận Thành ủy Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức, nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Bên ánh lửa trại, vang vọng tiếng ghi-ta bập bùng của các chiến sĩ biên phòng, những bài hát cách mạng được các anh cùng các bạn trẻ thuộc Câu lạc bộ thanh niên vệ quốc đoàn Thái Nguyên say sưa hát. Ngồi bên Trịnh Tứ Thắng, tôi im lặng lắng nghe anh kể về chặng đường 20 năm khoác trên mình mầu xanh áo lính. Thắng nói, 20 năm tuổi quân, biết bao kỷ niệm trên mỗi chặng hành trình đã qua, nhưng có hai điều anh không thể nào quên. Một kỷ niệm gắn với sự kiện đêm nay mà sự thành công của nó, khiến anh phấn chấn vô cùng. Thôn Vịnh Sơn có 549 hộ dân, nhưng có tới 166 hộ nghèo và cận nghèo. Ðáng chú ý, hơn 200 hộ trong thôn không có đất canh tác, không có khả năng đóng tàu khai thác xa bờ, chủ yếu đánh bắt thô sơ. Thực trạng này khiến người cán bộ làm công tác Ðảng trong quân đội như anh Thắng luôn trăn trở.

Trong số những gia đình hoàn cảnh khó khăn, có trường hợp chị Võ Thị Ngoan mắc bệnh về thần kinh, một mình phải nuôi hai người con, trong đó con trai lớn đã 17 tuổi bị bại liệt… Một lần tới thăm , chứng kiến cuộc sống khốn khó của gia đình chị, anh Thắng quyết định kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ sửa chữa nhà và mua tặng chị chiếc ti-vi. Ðồng thời, vận động bà con chòm xóm cùng nhau giúp chị Ngoan chăm sóc hai người con.

Cách đây ba năm, anh nhận làm cha nuôi đỡ đầu con gái út của chị là cháu Võ Thị Quỳnh Nga (sinh năm 2002), chu cấp tiền ăn học cho cháu tới năm 18 tuổi. Người dân thấy những việc làm thiết thực của Ðại úy Thắng ngày càng tin yêu người lính biên phòng có tấm lòng nhân hậu. Ðể có thể chia sẻ, giúp đỡ bà con khó khăn trong thôn, vì vậy, khi kết nối được với Câu lạc bộ thanh niên vệ quốc đoàn Thái Nguyên, muốn tổ chức chương trình tri ân tại nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp an giấc ngàn thu, anh Thắng muốn đưa chương trình về cho thôn Vịnh Sơn, như một sự đền đáp tấm lòng bà con miền quê gian khó nhưng đong đầy tình cảm quân dân.

Một kỷ niệm thật khó quên khác đối với Trịnh Tứ Thắng là lần anh cùng đồng đội vượt rừng, băng suối đi thực hiện công tác quần chúng kết hợp từ thiện tại bản A Ki, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Khi dừng nghỉ chân ở ngôi nhà đầu bản, một gia đình vợ chồng trẻ nhưng có tới tám đứa con, Trịnh Tứ Thắng hỏi: Gia cảnh nghèo đói mà sao đẻ nhiều vậy. Cô vợ thủng thẳng: Ðẻ nhiều con, chết đi là vừa chứ đẻ ít nhỡ chết lấy gì mà nuôi! Câu trả lời như vết dao cứa vào tim anh, đau nhói, ám ảnh trong tâm trí anh bao ngày tháng sau này. Như bao bản làng khác ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, cái đói nghèo vẫn bủa vây A Ki và những hủ tục còn tồn tại nơi đây, mặc dù chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng đã dốc sức đuổi “con ma” hủ tục ra khỏi bản làng và suy nghĩ của đồng bào. Khi anh rời địa bàn công tác, chuyển về đảm nhận vai trò chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Ròn, trong lòng anh vẫn canh cánh một “món nợ” chưa trả xong...

Như một mối nhân duyên

Khi tôi hỏi nhân duyên nào khiến anh đam mê với công việc từ thiện, Ðại úy Trịnh Tứ Thắng cười, nói: Khi còn là sinh viên, anh đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: mỗi người phải có ba trách nhiệm, trước Ðảng, trước dân và trước công việc. Trong ba trách nhiệm đó, trước hết cần có ý thức trách nhiệm cao trước nhân dân…

Sinh ra và lớn lên tại một làng chài nghèo ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, tốt nghiệp trung học phổ thông, Trịnh Tứ Thắng thi đỗ Khoa Ðiêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Huế. Do hoàn cảnh gia đình túng bấn, Thắng bỏ dở việc học vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm thuê, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học. Sau đó anh nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Ðồn Biên phòng Côn Ðảo. Trịnh Tứ Thắng nói, anh luôn quý trọng Ðồn trưởng Lê Văn Bảy, vị chỉ huy của mình khi ấy vì những lời động viên của ông đã tiếp thêm nghị lực, giúp anh học tập và phấn đấu rèn luyện. Chính ông Bảy đã động viên anh làm hồ sơ thi vào Trường trung cấp Biên phòng 2 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau khi tốt nghiệp, Trịnh Tứ Thắng được điều về làm cán bộ vận động quần chúng ở Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh. Gắn bó “bốn cùng” với bà con dân tộc Khmer, Ðại úy Thắng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xe 67 của tỉnh Trà Vinh. Anh đã cùng các thành viên câu lạc bộ góp tiền đóng quỹ để xây nhà tình nghĩa tặng gia đình có công với cách mạng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn. Sau một thời gian công tác, lãnh đạo đơn vị động viên anh đi học để chuyển từ quân nhân chuyên nghiệp lên sĩ quan và anh đã quyết tâm thi đỗ vào Học viện Biên phòng.

Học xong, Trịnh Tứ Thắng đón vợ con vào Trà Vinh để gia đình đoàn tụ. Anh tới chính quyền địa phương mượn đất dựng nhà. Anh kể, khi đó, đời sống người dân nơi đây nghèo lắm, toàn nhà tranh tre, lợp lá dừa nước. Vì yêu quý cán bộ biên phòng, bà con xúm lại mỗi người một tay, dựng cho vợ chồng anh một nếp nhà y chang của họ. Chồng bận công tác, mải miết với các chuyến đi vận động quần chúng tại vùng sâu, vùng xa, những ngày đầu vợ anh ở nhà, mới ngoài bắc vào, không biết tiếng Khmer, nói gì bà con cũng không hiểu, giao tiếp khó khăn, ra chợ chẳng mua được thứ gì. Bà con thấy vậy, mỗi sáng lại mang tới cho gia đình anh khi là rau trái vườn nhà trồng, khi là con cá, con tôm vừa thu mẻ lưới đêm qua. Công tác về, nhìn những túi thức ăn đơn sơ mà đong đầy tình nghĩa treo trước hiên nhà, anh Thắng càng hun đúc quyết tâm phải làm gì đó để xứng đáng niềm tin yêu của bà con. Anh báo cáo lãnh đạo đồn, xin phép tăng cường các chuyến công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, chính sách kết hợp từ thiện nhiều hơn.

Sau 12 năm gắn bó với tỉnh Trà Vinh, Trịnh Tứ Thắng chuyển về Ðồn Cà Ròng (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình). Về công tác trên địa bàn mới, anh Thắng luôn vận động và kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm, tham mưu Ðảng ủy Ðồn trao tặng quà cho nhân dân khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, đau yếu, chăm sóc người có công, làm mới tu sửa nhiều nhà cửa, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Khắp địa bàn biên giới nơi đây in đậm dấu chân đại úy Thắng. Anh chủ động xây dựng kế hoạch công tác, phối hợp các đồn biên phòng Ra Mai, Trường Sơn, Cà Roòng, Cồn Roàng, Làng Mô, Lý Hòa chung tay vì biên giới ấm no, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng phòng học cho Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch, trị giá hàng trăm triệu đồng. Mùa lũ lớn năm 2016, anh vận động từ nhiều nguồn, trợ giúp bà con nhu yếu phẩm trị giá 680 triệu đồng.

Ðáng chú ý, khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển khiến tình hình đời sống nhân dân gặp khó khăn, đại úy Thắng kêu gọi sự tài trợ của các nhà hảo tâm, tổ chức tặng quà cho 180 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại giáo xứ Phú Xuân và học sinh thôn Vịnh Sơn, trị giá 120 triệu đồng. Cùng với chương trình “Nâng bước em tới trường”, ngoài chỉ tiêu Ðồn được giao đỡ đầu bốn cháu học sinh, riêng đại úy Thắng tự vận động các nguồn từ các quỹ thiện tâm trong cả nước, đỡ đầu thêm sáu cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi cháu 300 nghìn đồng/tháng, cho đến khi học xong lớp 12.

… Trưa hôm sau, đại úy Thắng lúi húi bên chiếc máy tính cá nhân, anh bảo: Lâu lắm rồi, tôi không có khái niệm nghỉ trưa. Tám tiếng làm việc là để hoàn thành nhiệm vụ được giao, khoảng thời gian trưa và chiều tối là lúc tranh thủ lên kế hoạch, triển khai các hoạt động xã hội. Cũng có thể, anh dành thời gian đó để đi thăm nắm địa bàn, hay hì hụi ngồi dựng những đoạn phim nhỏ từ những cảnh anh quay được bằng chiếc điện thoại mỗi khi đi công tác, từ thiện, rồi đưa lên mạng xã hội facebook, để kêu gọi cộng đồng sự cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, những vùng đất gặp thiên tai, hoạn nạn.

Ðại úy Trịnh Tứ Thắng tâm sự: “Học tập và làm theo tấm gương của Bác đã giúp tôi mỗi năm mỗi trưởng thành hơn, bản lĩnh vững vàng hơn, nói đi đôi với làm”. Tuy vậy, trong câu chuyện với chúng tôi, có lúc giọng anh chùng lại, ánh mắt xa xăm hướng ra biển: Vẫn có nhiều người chưa hiểu, chia sẻ với công việc của tôi, nhưng tôi vững lòng, vì như lời Bác dạy: Mỗi người đảng viên phải luôn đi đầu trên mọi mặt trận. Nếu mình không dám tự tin rằng, những việc mình làm là đúng mà tiên phong thực hiện, thì tổ chức của mình sao mạnh được, nhân dân làm sao no ấm được.

Thanh Hà/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất