(TG)- Nhiệm kỳ 2010 – 2015, một trong những kết quả mà Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đạt được là đưa tỉnh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Có được thành công này là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược trong 5 năm 2010 – 2015.
* Ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ được Quảng Ninh x ác định đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, x ây dựng cơ chế, chính sách để tập trung và thu hút mọi nguồn lực, trong đó tập trung vào nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, các tuyến đường ra cửa khẩu và các khu kinh tế, khu công nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết: Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách, ứng vốn để cải tạo, nâng cấp quốc lộ, xây dựng đường cao tốc và thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Một loạt dự án giao thông mới trên địa bàn được triển khai nhanh chóng như: Nâng cấp, cải tạo 97,4 km quốc lộ; làm mới, nâng cấp 61 km tỉnh lộ; hoàn thành 1.290 km đường giao thông nông thôn, miền núi. Tỉnh cũng hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường: Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, Quốc lộ 18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340 huyện Hải Hà, đường tỉnh 329 Mông Dương - Ba Chẽ, đường vành đai phía Bắc thành phố Hạ Long đoạn Vũ Oai - Quang Hanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; đường nối Quốc lộ 18A với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; đường giao thông trục chính nối các khu chức năng Khu kinh tế Vân Đồn... Tỉnh cũng tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư triển khai các dự án lớn như: Cảng hàng không Quảng Ninh, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương...
Hạ tầng du lịch từng bước được tỉnh đầu tư nâng cấp với nhiều dự án lớn về thương mại và du lịch hoàn thành như các trung tâm thương mại Vincom, Big C, Metro, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... Hạ tầng điện được quan tâm đầu tư đồng bộ, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong việc đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản trên đất liền và các xã đảo của các huyện đảo. Đặc biệt, tỉnh đã trích hơn một ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
* Đẩy mạnh xây dựng thể chế, cải cách hành chính
Trong 5 năm 2010 – 2015, Quảng Ninh mạnh dạn triển khai các đề án xây dựng thể chế và cải cách hành chính. Tỉnh đã từng bước triển khai đề án thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Móng Cái. Đến nay, Đề án “Đặc khu kinh tế Vân Đồn” đã hoàn thiện báo cáo, đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ; Khu hành chính - kinh tế đặc biệt đã được đưa vào Hiến pháp 2013 và chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Đề án “Xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino tại khu kinh tế Vân Đồn” được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 138-TB/TW ngày 24/6/2013 đồng ý các đề xuất đột phá.
Tỉnh cũng chủ động tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn; mạnh dạn vận dụng hình thức đối tác công – tư PPP trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình, hạng mục lớn của tỉnh, góp phần làm cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP.
Tỉnh đã rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm những thủ tục hành chính không phù hợp, giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho toàn bộ các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã; xây dựng chính quyền điện tử và từng bước đào tạo công dân điện tử. Tỉnh thành lập các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến 14 huyện, thị xã, thành phố; rà soát và công bố bộ thủ tục hành chính của ba cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa 100% các thủ tục hành chính cấp tỉnh và cấp huyện vào thực hiện tại các Trung tâm hành chính công theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại Trung tâm” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh đạt trên 98%.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu thực hiện nhất thể hóa một số chức danh như: Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đối với các huyện Cô Tô, Tiên Yên và ở 57/186 xã, phường, thị trấn; B í thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện ở 9 địa phương và 41/186 xã, phường, thị trấn; một số chức danh khác ở cấp huyện; thực hiện Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, khu ở 265/1.570 thôn, khu và trưởng ban công tác mặt trận ở 137/1.570 thôn, khu. Tỉnh đã giảm 51 phòng ban, đơn vị, tổ chức trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể; g iảm 1.605 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách...
* Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Ngọc Giao cho biết: Hàng năm, tỉnh dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong nhiệm kỳ, Quảng Ninh đã thực hiện việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước cho 30.180 lượt cán bộ, đảng viên, trong đó có 666 lượt đào tạo và bồi dưỡng ở nước ngoài, 3.018 lượt cán bộ thôn, bản...
Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Năm 2014, Trường Đại học Hạ Long được thành lập với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng Đông Bắc, cung cấp nhân lực chủ yếu phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh chủ động liên kết, hợp tác với nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại tỉnh. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng và được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề ; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh hiện đạt 63% (năm 2010 là 48%).
Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ. Để đạt được mục tiêu này, trong nhiệm kỳ mới, Quảng Ninh xác định t iếp tục thực hiện thành công, hiệu quả hơn nữa ba đột phá chiến lược, để tạo nền tảng ngày càng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
TG