Theo báo cáo nhanh đến 5 giờ sáng 11/11, thiệt hại ban đầu khoảng gần 60 ngôi nhà bị tốc mái
Quảng Ninh được xác định là địa phương bão số 14 đổ bộ vào đất liền,
chính quyền cùng các lực lượng bộ đội, công an trên địa bàn tỉnh đã ứng
trực 100% quân số, sẵn sàng các phương án cứu nạn, xử lý tình huống khẩn
cấp
Thành phố Hạ Long được xác định là nơi
tâm bão sẽ đổ bộ vào, và từ một giờ sáng nay, gió mạnh lên cấp 11 cấp 12
giật trên cấp 13, mưa to liên tục từ 10 giờ đêm qua tới 3 giờ sáng.
Toàn bộ thành phố đã cắt điện từ 9 giờ tối để đảm bảo an toàn. Trên các
con đường của thành phố Hạ Long, cây đổ, gẫy và nhiều biển hiệu quảng
cáo, mái lợp đã bị gió cuốn bung. Các khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao
như phường Cao Xanh, Trần Hưng Đạo người dân đã được di dời từ tối qua,
những hộ dân sinh sống tại các làng chài Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang đã
được di dời về nơi tránh trú bão an toàn. Từ 20 giờ tối qua, tỉnh Quảng
Ninh đã cấm các phương tiện đi qua cầu Bãi Cháy.
Tại TP Cẩm Phả một tàu chở hàng đã bị
đứt neo và trôi ở khu vực cảng Vũng Đục, trên tàu có 8 thuyền viên. Lực
lượng chức năng đã tiếp cận và đưa 8 thuyền viên vào bờ an toàn, chiếc
tàu hàng cũng được đưa vào nơi neo đậu. Các huyện và thành phố như Móng
Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô, Vân Đồn đều có gió từ cấp 9 đến cấp
12 duy trì từ đêm hôm qua tới sáng nay. Tại huyện đảo Cô Tô, xã Minh
Châu, Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn chính quyền địa phương đã tổ chức đưa
toàn bộ khách du lịch về đất liền an toàn từ chiều hôm qua.
Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư kiêm Chủ
tịch UBND huyện đảo nói: “Chúng tôi kêu gọi tàu thuyền vào bờ từ hôm
qua, bố trí 2 chuyến tàu đưa khách du lịch trên đảo và nhân dân có nhu
cầu vào đất liền, 9 giờ sáng đã hoàn toàn cấm biển, tất cả phương tiện
vào nơi tránh trú”.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã phát đi 4 công
điện khẩn chỉ đạo công tác phòng chống bão số 14 và toàn bộ lãnh đạo
tỉnh tổ chức 5 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp công tác
phòng chống bão ở các địa phương. 187 tàu đánh bắt xa khơi và hơn 10.000
tàu nhỏ và tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh đã về nơi tránh trú bão an
toàn. 2 địa phương là Vân Đồn và Hạ Long đã di chuyển 1.000 người dân ở
ngoài các lồng bè lên bờ. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản yêu cầu
các trường học thông báo học sinh nghỉ học vào ngày 11/11. Khu vực miền
núi các huyện Hải Hà, Bình Liêu, Đông Triều lên các phương án phòng
chống sạt lở đất và đảm bảo hồ đập có kế hoạch xả nước chống vỡ đập.
Ông Cao Tường Huy, Chánh văn phòng UBND
tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt,
thành lập 5 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra các
địa phương để chỉ đạo đôn đốc các địa phương phòng chống bão. Các hộ dân
sinh sống ở vùng có nguy cơ lũ quét sạt lở đất đã được di dời đến nơi
an toàn. Ủy ban tỉnh cũng chỉ đạo các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đoàn
thanh niên, giao thông vận tải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện
sẵn sàng ứng cứu”.
Đến 3 giờ sáng, tâm bão bắt đầu vào
trung tâm TP Hạ Long. Điều khá bất ngờ gió đang giật trên cấp 12 lại tạm
ngưng và kèm theo mưa lớn.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn, đây chính là kịch bản vùng tâm bão đi qua, địa phương cần cảnh giác để chuẩn bị đối phó.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh
không phút chợp mắt, trực tiếp theo dõi diễn biến cơn bão tại Trạm khí
tượng Thủy văn Quảng Ninh. Tất cả lực lượng Biên phòng, công an, tự vệ
ứng trực các chốt sẵn sàng chống bão.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến 5 giờ sáng nay, thiệt hại ban
đầu khoảng gần 60 ngôi nhà bị tốc mái, riêng Vân Đồn có 30 ngôi nhà;
hàng chục cột điện hạ thế gãy đổ gây mất điện trên diện rộng, tê liệt
hoàn toàn hệ thống viễn thông viettel; Tại Thành phố Uông Bí gãy đổ cột
phát thanh truyền hình cao 52m. Rất may không có thiệt hại về người./.
Hoài Lam/VOV