Ngày 1-4, UBND tỉnh Quảng Trị thông tin, tính đến thời điểm này Quảng Trị đã tạm cấp 482 tỷ đồng cho 4 địa phương vùng biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng để chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển.
Các địa phương trên đã thực hiện chi trả trên 460 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã cấp 3.000 tấn gạo cho người dân vùng biển; trên 12,5 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp các chủ tàu thuyền tạm ngừng khai thác và cơ sở nuôi thủy sản bị ảnh hưởng.
Hiện, toàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn trên 1.600 tấn hải sản, 450 lít nước mắm và khoảng gần 1.000 tấn mắm và ruốc đặc tồn kho. Khó khăn mà tỉnh gặp phải trong quá trình kê khai, bồi thường, giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển, như: Các cơ sở vẫn còn thủy sản tồn kho nhưng không thuộc diện kê khai thiệt hại; việc xác định giá trị bồi thường cho chủ cơ sở nuôi tôm mật độ dưới 6 con/m² chưa được thực hiện do chưa có định mức áp giá; việc xác định tôm chết do dịch bệnh hay do sự cố môi trường biển khó xác định.
Mới đây, tại buổi làm việc vào với Đoàn công tác liên ngành của Trung ương do Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ Quảng Trị 89 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt từ nguồn kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa hoặc từ ngân sách Trung ương để đáp ứng nhu cầu của ngư dân khi thực hiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền theo Nghị định 67.
Qua kiểm tra nắm tình hình thực tế tại một số cơ sở thu mua chế biến hải sản và kinh doanh dịch vụ ven biển vào sáng 31-3, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kết luận: Việc bồi thường nhiều khi không thể công bằng với 100% người dân, các địa phương cần vận động, tuyên truyền để người dân thông cảm, chia sẻ với những khó khăn chung. Liên quan đến việc hỗ trợ những hộ nuôi tôm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các địa phương cần làm đúng quy trình, nếu xác định tôm chết đúng giai đoạn ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường được dân cư, chính quyền xác nhận thì thống nhất để người dân nằm trong đối tượng được hỗ trợ thiệt hại.
Ông Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị thống nhất mức hỗ trợ bồi thường 30% giá trị hải sản đông lạnh tồn kho theo đúng quy định của Trung ương. Với các cơ sở hậu cần nghề cá, dịch vụ nhà hàng ven biển, áp dụng hỗ trợ theo định mức thu nhập lao động hàng tháng là 2.910.000 đồng/người/tháng, trong vòng 6 tháng.
NGỌC OAI/SGGP