Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 29/11/2008 11:29'(GMT+7)

Quảng Trị coi trọng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Xác định tầm quan trọng của kinh tế biển, đảo là một trong những động lực để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong nhưng năm qua, Quảng Trị đã không ngừng đầu tư phát triển tiềm năng này.

Trước hết Quảng Trị xác định rõ quan điểm: Kinh tế biển là một bộ phận hợp thành nền kinh tế-xã hội của tỉnh, có mối quan hệ ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển. Vì vậy, việc phát triển kinh tế biển phải gắn bó trong mối quan hệ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đảm bảo tính hiệu quả lâu dài và bền vững. Phát triển kinh tế biển phải toàn diện, trong đó ưu tiên phát triển các lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng và có lợi thế so sánh như: thuỷ, hải sản, du lịch-dịch vụ và chế biến. Phát triển kinh tế biển phải theo hướng CNH, HĐH ngư-nông nghiệp, nông thôn gắn với việc hình thành các đô thị có vai trò là trung tâm thu hút, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hoá-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững về môi trường nhằm đáp ứng được các yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa đảm bảo sự phát triển lâu dài.

Trên quan điểm đó, ngày 1-7-2002, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết 04- NQ/TU “về phát triển kinh tế-xã hội miền biển và vùng cát đến năm 2010”; đồng thời xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết TW4 (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Quảng Trị thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu: tình hình khai thác, chế biến và phát triển thuỷ, hải sản được đẩy mạnh theo hướng khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, từng bước sắp xếp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng biển, tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, tăng cường công tác khuyến ngư, sản xuất giống, chế biến, dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá... Nhờ vậy, tổng sản lượng thuỷ sản hàng năm đều tăng và vượt mức kế hoạch đề ra.

Nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất. Đây là hướng chính để tăng sản lượng và giá trị sản lượng sản xuất thuỷ hải sản; từng bước hình thành vùng nguyên liêu tập trung, ổn định cho chế biến xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Phát triển cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá được tập trung đầu tư có hiệu quả. Nhờ sự đầu tư hỗ trợ bằng nguồn vốn Biển đông-Hải đảo, khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng, cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cồn Cỏ giai đoạn 2 đã và đang xây dựng hoàn chỉnh với quy mô lớn, đa dạng, tạo điều kiện cho tàu thuyền lớn ra vào cảng thuận lợi, trú bão an toàn. Khu hậu cần nghề cá thu hút phần lớn ngư dân trong và ngoài tỉnh chế biến và vận chuyển hàng hoá khác.

Đặc biệt, trên địa bàn vùng cát và ven biển thuộc các huyện Triệu Phong và Hải Lăng đã tổ chức thành công mô hình “làng sinh thái”, bằng việc cải tạo môi sinh, môi trường vùng cát khô cằn để phát triển sản xuất, phát triển làng nghề nâng cao đời sống nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã hình thành bước đầu các cụm kinh tế miền biển và vùng cát như thị trấn Cửa Việt; các cụm kinh tế Cửa Tùng, Mỹ Thuỷ; triển khai xây dựng các cụm tuyến dọc đường Cửa Việt-Cửa Tùng; quy hoạch khu du lịch sinh thái biển Cửa Tùng-Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ-trằm Trà Lộc... tạo động lực cho sự phát triển chung của cả vùng. Đến nay 100% xã vùng biển đã sử dụng điện lưới quốc gia (trừ huyện đảo Cồn Cỏ), với tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt hơn 99%.

Bên cạnh đó, hoạt động Thương mại-Dịch vụ và Du lịch ở miền biển phát triển rộng khắp và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Quy hoạch hệ thống chợ ở miền biển và vùng cát có 26 chợ trên 30 xã và 5 cửa hàng xăng dầu tại 2 vùng cửa lệch Cửa Việt và Cửa Tùng. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư nâng cấp thành các cụm tuyến tham quan du lịch như: đường ven biển Cửa Tùng - địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Cửa Tùng, đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, khu du lịch sinh thái Trà Lộc… hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ở miền biển phát triển nhanh, các bãi tắm mới như Mỹ Thuỷ, Triệu Lăng được quan tâm đầu tư đã thu hút đông đảo du khách đến tắm biển và nghỉ ngơi. Lượng khách du lịch đến với vùng biển tăng khá, bình quân 17,5% mỗi năm.

Hiện nay, Quảng Trị đang tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh việc quy hoạch đảo Cồn Cỏ nhằm xây dựng đảo thành đảo du lịch trước năm 2015 và tương lai sẽ trở thành khu nghỉ cuối tuần của du khách các nước trong khu vực ASEAN như Lào, Thái Lan, Mianmar... nằm trên tuyến đường quốc tế xuyên Á ra biển Đông. Đặc biệt, đảo Cồn Cỏ gắn với Cửa Tùng - Cửa Việt tạo thành một tam giác du lịch lớn của Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

Đi đôi với phát triển kinh tế vùng biển, trong những năm qua Quảng Trị luôn quan tâm và chú trọng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo-lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Song song với việc giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân, các cấp uỷ Đảng đã không ngừng tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên đất liền, ven biển, đảo, xây dựng cơ sở vững mạnh “cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu”. Chú trọng xây dựng các kế hoạch, phương án tác chiến, gắn với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, nhất là các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan trực tiếp đến biển, đảo. Vì vậy, tình hình an ninh luôn ổn định, thế trận quốc phòng vùng biển, đảo ngày càng được củng cố vững chắc.

Lực lượng biên phòng, công an và quân sự tỉnh trong những năm qua đã có sự phối hợp chặt chẽ trong nhiệm vụ bảo vệ an toàn vùng trời, vùng biển, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác có hiệu quả tài nguyên biển, ven biển. Ngoài ra biên phòng tỉnh đã phối hợp với lực lượng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tổ chức tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn các vi phạm trên biển và hướng dẫn ngư dân khai thác đúng vùng, tuyến theo quy định. Các hoạt động khai thác bằng chất nổ và hoá chất độc hại hiện nay đã không còn, công tác quản lý bảo đảm trật tự an ninh xã hội trên biển và vùng ven biển luôn thực hiện có hiệu quả.

Cùng với việc làm tốt công tác phòng ngừa, lực lượng công an và biên phòng đã triển khai đồng bộ các công tác nghiệp vụ, mở các đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; kiểm tra và kịp thời ngăn chặn các đối tượng truyền đạo trái phép... Nhờ vậy, những năm qua, tình hình phạm pháp hình sự trên tuyến biển, đảo đã giảm, an ninh chính trị được giữ vững, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong điều kiện hoàn cảnh của tỉnh nghèo như Quảng Trị, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị. Từ thực tiễn đó có thể rút ra một vài kinh nghiệm bước đầu:

Một là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh phải luôn nâng cao nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động trong các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo. Từ đó có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp trong thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo. Những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng biển, đảo đề ra sát đúng với điều kiện hiện có của tỉnh, của huyện, đồng thời phù hợp với yêu cầu bức thiết của đời sống nhân dân, nên được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Hai là, thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Phát huy vai trò và hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở, tạo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời giữa các cấp, các ngành liên quan đối với sự phát triển kinh tế-xã hội vùng biển, đảo. Phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội trong phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền miền biển, đảo. Đa dạng hoá các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, khuyến khích, khơi dậy tiềm năng, huy động được sức mạnh của toàn dân, kết hợp với các nguồn lực của Nhà nước và các tổ chức tài trợ quốc tế, các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ba là, chú trọng đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng biển như: đóng tàu thuyền, kỹ năng đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản; đồng thời coi trọng giải quyết tốt các lĩnh vực xã hội (việc làm, bình đẳng giới, trình độ dân trí); đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn liền với việc tôn tạo, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và các giá trị văn hoá phi vật thể, hình thành các làng du lịch sinh thái để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Bốn là, công tác tuyên truyền phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Chú trọng nội dung tuyên truyền về đường lối chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển đảo, về chiến lược phát triển kinh tế biển. Giới thiệu, quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế biển của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhân tố mới, những gương điển hình trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo./.

Hồ Văn Chính

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất