(TG) - Học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và hệ thống chính trị. Đây là tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết, đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và không ngừng đổi mới công tác học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Xác định việc đổi mới hình thức tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm, từ năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”.
Triển khai thực hiện Đề án, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiến hành đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng, áp dụng đa dạng, linh hoạt các hình thức phù hợp với tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương, đơn vị. Đồng loạt triển khai trên địa bàn tỉnh và ở nhiều địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, từ năm 2019, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nội dung Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) với 4 điểm cầu trên toàn tỉnh, trong đó 1 điểm cầu chính tại Tỉnh ủy và 3 điểm cầu tại cấp huyện gồm Đảng bộ thành phố Đông Hà, Đảng bộ huyện Hải Lăng và Đảng bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Mới đây, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thể hiện rõ nhất sự đổi mới của tỉnh Quảng Trị. Chỉ trong hai ngày 27 và 28/3/2021, toàn tỉnh đã tổ chức 36 điểm cầu trực tuyến và hơn 4.700 cán bộ, đảng viên tham gia học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đặc biệt, bên cạnh việc kết nối đường truyền trực tuyến đến cấp huyện, một số địa phương như thành phố Đông Hà, huyện Vĩnh Linh, huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị... đã kết nối đường truyền trực tuyến đến các điểm cầu cấp xã, phường, thị trấn, điều này góp phần tiết kiệm chi phí tổ chức hội nghị và tạo điều kiện để mở rộng thành phần đến cán bộ, đoàn viên, hội viên các thôn, khu phố và một số quần chúng ưu tú không phải là đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lĩnh hội đầy đủ, toàn diện, kịp thời các nội dung Nghị quyết, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động từ cấp tỉnh đến các cấp ủy tại cơ sở trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Đến nay, các địa phương của Quảng Trị đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất để đảm bảo vận hành được hệ thống trực tuyến đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn và nhân rộng cách làm này.
Cùng với đổi mới hình thức tổ chức học tập, nghiên cứu nghị quyết, việc nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên cũng được Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng. Các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, kiện toàn và từng bước phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tuyên truyền miệng. Với đội ngủ báo viên toàn tỉnh 374 đồng chí, trong đó 4 báo cáo viên Trung ương, 50 báo cáo viên Tỉnh ủy, 320 báo cáo viên cấp huyện và tương đương. Hàng năm ban tuyên giáo cấp ủy các cấp tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động ngũ báo cáo viên, tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên; bổ sung thay thế báo cáo viên đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định, ưu tiên lựa chọn các đồng chí có khả năng truyền đạt hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Để hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết đạt yêu cầu đề ra, nhiều đơn vị đã tham mưu thành lập các tổ báo cáo viên. Huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh đã thành lập được các tổ báo cáo viên để hỗ trợ các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc khi cần thiết, đồng thời ban tuyên giáo cấp huyện chủ động về cơ sở (đột suất) để kiểm tra tình hình học tập, quán triệt và tổ chức góp ý cho từng đơn vị. Tại huyện Triệu Phong, thường trực huyện ủy giao trách nhiệm cho các đồng chí trong ban thường vụ phụ trách địa bàn trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ, hướng dẫn các đơn vị trong học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết. Tại huyện Hải Lăng, đội ngũ Báo cáo viên Huyện ủy được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nói, thuyết trình, cung cấp tài liệu, bài giảng; thường trực huyện ủy giao nhiệm vụ cho ban tuyên giáo cấp ủy theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong triển khai, học tập. Tại huyện Cam Lộ, thường trực huyện ủy giao nhiệm vụ cho ban tuyên giáo biên soạn đề cương bài giảng cho báo cáo viên cấp huyện. Thành ủy Đông Hà đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt...
Việc thay đổi cách đánh giá nhận thức, ý thức của người học cũng được chú trọng. Nhằm khắc phục tình trạng sao chép, copy bài của nhau, viết bài thu hoạch một cách chung chung, sơ sài, nhờ cấp dưới viết hộ... Từ năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban tuyên giáo (ban tuyên huấn) cấp ủy cấp huyện đã nghiên cứu, tham mưu nội dung bài thu hoạch theo hình thức trắc nghiệm và tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết thu hoạch tại hội trường, ngay sau khi kết thúc Hội nghị. Bài thu hoạch với các câu hỏi trắc nghiệm được in 4 mặt trên khổ giấy A3. Câu hỏi bám sát vào những nội dung cốt lõi, những nội dung mới trong các nghị quyết của Đảng và nội dung chuyên đề của báo cáo viên với độ khó nhất định, buộc mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình tiếp thu các nội dung Nghị quyết phải nghiêm túc lắng nghe, ghi chép, có sự nghiên cứu, phân tích các nội dung chuyên đề. Ngoài phần kiến thức chung về nội dung của nghị quyết, còn yêu cầu cán bộ, đảng viên liên hệ gắn với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cá nhân phụ trách trong việc triển khai thực hiện nghị quyết... Bài thu hoạch sẽ được đánh giá, xếp loại và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp.
Việc đổi mới cách đánh giá nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, theo đó chất lượng và tỉ lệ các bài thu hoạch đạt kết quả cao. Điển hình, tại hội nghị học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 có 100% cán bộ, đảng viên lớp chủ chố cấp tỉnh tham gia viết bài thu hoạch với 95% bài thu hoạch đạt loại xuất sắc, 5% bài thu hoạch đạt yêu cầu đề ra. Các đơn vị như huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu phong, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh... đều có số lượng cán bộ đảng viên tham gia viết bài thu hoạch cao với tỉ lệ trên 95% bài được đánh giá chất lượng tốt.
Một số giải pháp khác như: biên soạn, phát hành tài liệu Hỏi – Đáp những nội dung cốt lõi trong văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tổ chức ghi hình các chuyên đề của báo cáo viên tại lớp chủ chốt cấp tỉnh, biên tập và in đĩa CD gửi các địa phương, đơn vị phục vụ việc nghiên cứu, học tập, quán triệt; đăng tải tài liệu lên cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh,... là những giải pháp quyết liệt gần đây cho thấy quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong đổi mới, nâng cao chất lượng việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc triển khai áp dụng đồng bộ, liên tục, nền nếp các giải pháp được nêu trong Đề án và Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”, để góp phần tạo ra những chuyển biến rõ nét hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết của Đảng tại địa phương, đơn vị./.
Châu Minh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị