Thứ Bảy, 7/12/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Ba, 8/8/2023 10:0'(GMT+7)

Quảng Trị: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số

Lãnh đạo huyện Dakrông thăm các nghệ nhân và đội văn nghệ truyền thống xã Tà Rụt. (Ảnh: Phan Ngân)

Lãnh đạo huyện Dakrông thăm các nghệ nhân và đội văn nghệ truyền thống xã Tà Rụt. (Ảnh: Phan Ngân)

Huyện miền núi Đakrông có 3 dân tộc cùng chung sống: Vân Kiều, Pa cô và Kinh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%. Đồng bào dân tộc nơi đây có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Trước xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng.

Toàn huyện có 32 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt; 2 di tích cấp Quốc gia; 29 di tích cấp tỉnh (bao gồm các di tích kiến trúc, di tích danh thắng, di tích văn hóa nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích lịch sử). Về thiết chế văn hóa, huyện có 1 nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô; 1 Nhà dài truyền thống của đồng bào Pa Cô tại xã A Ngo; 1 nhà văn hóa trung tâm huyện; 7 nhà văn hóa xã đạt chuẩn; 75/78 thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 70% làng, bản được đầu tư thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa. Cùng với đó là những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể với nhiều loại hình đặc sắc của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô bao gồm 51 loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể (trong đó Dân tộc Bru-Vân Kiều 27 loại hình, Dân tộc Pa Cô 24 loại hình). Trong đó, Lễ hội Ariêuping của đồng bào Pa Cô hiện đang được UBND tỉnh đề nghị bộ Văn hóa công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Quyết định số 1719/QĐ- TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của huyện Đakrông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện như: Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND, ngày 21/12/2017 của HĐND huyện về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Đakrông giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 05- NQ/HU, ngày 11/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2001-2025; Đề án 143/ĐA-UBND, ngày 30/6/2022 của UBND huyện về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Đakrông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 229/ĐA-UBND, ngày 29/11/2022 của UBND huyện về đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa huyện Đakrông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030… Bên cạnh đó, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện cũng luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm và ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, nâng cao đời sống sinh hoạt tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không thể không nhắc đến mô hình “Thôn nói không với rượu, bia” được thực hiện tại thôn CuPua (xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị). Hơn 20 năm nay, người dân trong thôn không sử dụng rượu bia trong cuộc sống hàng ngày cũng như tất cả các dịp lễ cúng tế lớn, nhỏ. Các nhà có việc vui, việc buồn chỉ dùng nước chè, nước ngọt thay thế và dù đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ uống rượu, uống bia.

Trong những năm qua, nhờ nỗ lực triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của huyện Đakrông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Điều này được thể hiện rõ qua việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Kô phục vụ cho việc giới thiệu, trưng bày hiện vật; xây dựng nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô tại xã A Ngo; khôi phục 16 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại xã Đakrông. Cùng với đó, nhiều lễ hội truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội A Riêu Ping (bốc mã), A Da (mừng lúa mới), Prúc bor (cầu mùa)… Các loại nhạc cụ truyền thống như cồng, chiêng, trống, khèn; các làn điệu dân ca như Oát, Xà nớt, Cà lơi - Cha chấp, Xiêng… được coi trọng và bảo tồn. Toàn huyện hiện có hàng trăm chiếc cồng, chiêng được lưu giữ tại các hộ gia đình, với 11 lễ hội truyền thống, 20 loại nhạc cụ và trên 6 làn điệu dân ca đặc sắc được đưa vào hạng mục bảo tồn và phát triển. Huyện duy trì được bốn đội cồng chiêng nhiều lần tham gia Hội thi cồng chiêng quốc tế tại Tây Nguyên, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh, huyện được đánh giá cao. Hệ thống chữ viết Bru-Vân Kiều được đào tạo rộng rãi cho mọi đối tượng. Bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hóa trong cộng đồng, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương kêu gọi các tổ chức hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo giáo viên dạy tiếng Bru-Vân Kiều, nghệ nhân về nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm… để gìn giữ cũng như lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau.

Song song với việc khôi phục các lễ hội truyền thống, huyện Đakrông đã tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống như “Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc” lần I và II với nhiều hoạt động mang nội dung, hình thức phong phú như: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Ngày hội Đakrông” với sự tham gia thể hiện của đông đảo các nghệ nhân đến từ Đội Cồng chiêng xã Tà Rụt; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Liên hoan ẩm thực truyền thống; các hoạt động thể thao, giới thiệu các sản phẩm địa phương; trưng bày giới thiệu về mảnh đất con người Đakrông; Hội chợ vùng cao tại Khu du lịch cộng đồng Klu… Lễ hội văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc huyện Đakrông là hoạt động đặc biệt có ý nghĩa, mang bản sắc riêng của huyện. Đây cũng là dịp để huyện Đakrông tôn vinh truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc Đakrông, giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng và lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, kêu gọi quảng bá, xúc tiến đầu tư, góp phần đưa Đakrông ngày càng phát trển bền vững.

Những năm trở lại đây, với sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2025, huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Năm 2022, đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Tổ chức một lớp truyền dạy dân ca cổ của đồng bào Pa Cô cho 45 học viên; hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú truyền dạy văn hóa vật thể, phi vật thể 12.880.000 đồng; hỗ trợ hai đội văn nghệ truyền thống 50 triệu đồng, đầu tư thiết chế văn hóa cho các nhà văn hóa thôn 600 triệu đồng, đầu tư sân thể thao, nhà văn hóa thôn, xã; tham gia liên hoan văn hóa văn nghệ khu vực miền trung tây nguyên, tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ các tỉnh biên giới Việt Nam, Lào tại Điện Biên. Năm 2023, UBND huyện đã phân bổ nguồn kinh phí 1.883.000.000 (đồng) từ Dự án 6 “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2025) cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa trên địa bàn. Qua đó, nhiều mô hình hoạt động được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương. Có thể nói, việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa đã được địa phương coi trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể có những khó khăn, hạn chế nhất định. Trước hết là xuất phát từ đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn của người dân trên địa bàn một huyện vùng cao, cùng với đó là sự xâm nhập, ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa (có cả tích cực lẫn tiêu cực) từ bên ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Mặt khác, việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng. Số lượng Nghệ nhân, già làng, trưởng bản, những người am hiểu về bản sắc văn hóa vật thể, phi vất thể truyền thống trên địa bàn huyện giảm dần về số lượng hoặc không có đủ điều kiện về sức khỏe, tinh thần để tham gia vào các hoạt động. Việc tư liệu hóa và bảo tồn, phục dựng gặp khó khăn. Các ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa cao, sự cạnh tranh thị trường thấp, khó tiêu thụ dẫn đến phát triển chậm; đội ngũ cán bộ phụ trách trong lĩnh vực văn hóa cấp huyện, cấp xã thiếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hạn chế đến hoạt động tư liệu hóa, bảo tồn và phục dựng các lễ hội.

Trước những cơ hội và thách thức đặt ra trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc khai thác tiềm năng về du lịch trên địa bàn, thiết nghĩ, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ trên địa bàn huyện Đakrông như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống và nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống và nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số vào Nghị quyết của các cấp ùy Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu và nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong hoạt động triển khai thực hiện các chính sách dân tộc nói chung và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các sản phẩm video, clip, phim ngắn; thông qua hội thi, hội diễn, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trên địa bàn huyện) nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh các loại hình, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống tiêu biểu; các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số và các hoạt động lưu truyền văn hóa truyền thống. Qua đó, giúp cho các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân nâng cao nhận thức về văn hóa, trách nhiệm về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông.

Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đãi ngộ đối với các nghệ nhân người dân tộc thiểu số đã có công lao trong việc gìn giữ, bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của dân tộc mình. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút học sinh, sinh viên là con em các dân tộc thiểu số học chính quy tại các trường văn hóa, nghệ thuật về công tác tại địa phương. Có chế tài động viên, khen thưởng hợp lý cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa của địa phương (đặc biệt là công chức văn hóa xã hội cấp xã, chủ nhiệm các câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần chúng) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trí văn hóa vật thể, phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Đồng thời tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực thực hành, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân để họ thực hiện tốt công tác lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận.

Thứ năm, ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một. Từng bước thực hiện “số hóa dữ liệu” các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc và các loại hình di sản truyền thống khác của các dân tộc thiểu số phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch./.

Phan Xuân Liệu

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất